Thôn Thung chỉ hơn trăm nóc nhà sàn thấp thoáng nằm sâu trong một vùng đồi của xã, cuộc sống vốn bình lặng với những thửa ruộng bậc thang và những vườn lê, vườn đào trĩu quả.
Những ngày cuối năm, không khí thôn Thung trở nên rộn ràng hơn vì đang trong giai đoạn nước rút xây dựng nông thôn mới. Những con đường đất đỏ lồi lõm sẽ được thay bằng lớp bê tông mới, uốn lượn giữa những sườn đồi.
Gia đình ông Bá, trưởng thôn hôm ấy tụ tập đông đủ để bàn chuyện làm đường.
Ông vốn sinh ra và lớn lên tại thôn Thung. Năm ông 20 tuổi, ông rời làng nhập ngũ. Những năm tháng ở chiến trường đã rèn giũa ông trở thành một con người cứng cỏi, kỷ luật và quyết đoán. Hòa bình lập lại, ông trở về làng, mang theo cả niềm trăn trở làm sao để đời sống quê mình bớt khổ. Hòa bình nó phải khác lúc chiến tranh - ông nghĩ thế.
Nghĩ sao làm vậy, ông Bá cùng vợ con chăm lo vườn tược, học thêm kiến thức từ đồng đội khắp nơi để phát triển kinh tế gia đình.
Những vườn bưởi, vườn cam nhà ông cứ xanh ngăn ngắt, mùa nào cũng trĩu quả.
Bà con trong thôn thấy thế học theo ông. Tận tình chỉ bảo cho xóm giềng cùng làm kinh tế, ông Bá nhanh chóng được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Tuy không học cao, nhưng nhờ kinh nghiệm đời sống và chiến trường, ông Bá thấu hiểu mọi ngõ ngách trong cuộc sống của người dân, từ cái ăn, cái mặc đến tâm tư tình cảm.
Những chuyện tranh nhau nguồn nước, trâu bò phá nương…đều được ông giải quyết êm thuận, thấu tình đạt lý. Chính sự thấu đáo ấy đã làm ông trở thành trụ cột tinh thần của thôn Thung.
Khi thôn Thung bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, việc mở rộng và làm đường chính trở thành mục tiêu ưu tiên. Con đường dẫn từ trung tâm xã qua thôn Thung đến các bản xa luôn là con đường huyết mạch. Nhưng bao đời nay, nó quanh co, chật hẹp và gập ghềnh, khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp muôn vàn khó khăn. Để con đường trở nên rộng hơn, thẳng hơn, làng cần phải vận động người dân hiến đất, mà đa phần đất ven đường là những mảnh vườn xanh tốt, là nguồn sống của nhiều gia đình.
Ông Bá bàn với vợ hiến đất làm đường. Cả mảnh vườn dốc Yên Ngựa cuối thôn, ông muốn hiến già nửa để con đường đi qua đủ rộng, lại khỏi phải uốn lượn nhiều. Thấy ông ngỏ ý hiến đất, vợ ông băn khoăn:
- Tôi định chỗ đó sau này cho con Lan nhà mình làm của hồi môn. Nó có đi làm Nhà nước thì cũng có mảnh vườn tăng gia thêm.
Mỗi vụ bưởi cũng được vài trăm ông ạ.
Ông Bá ôn tồn:
- Thì biết thế. Nhưng chỗ ấy là đoạn đầu con đường sắp làm. Mình không tiên phong hiến đất thì bà con không làm theo đâu. Biết bao giờ đường mới xong.
Rít xong điếu thuốc lào, ông tiếp:
- Tôi nói bà nghe, cả vụ bưởi thôn mình mấy năm qua, tiếng là nhiều quả, nhưng thu tiền chẳng đáng là bao. Là bởi không có con đường cho thương lái vào chở bưởi đấy. Mỗi nhà tự chở ra chợ, đứt dây buộc bưởi lăn lông lốc dưới khe. Nhà bà Thao cuối thôn vừa rồi còn ngã xe, bó bột cả 2 chân kia kìa. Ấy là chưa kể, không có đường, mỗi khi mua phân bón cho cây cũng vất vô kể. Mà không chăm bón, cây lấy đâu ra quả?
Bà vợ ông nghe vậy hết băn khoăn. Ông thấy yên lòng, tối nay họp thôn bàn chuyện hiến đất mở đường, ông sẽ dẫn chứng từ chính gia đình mình. Chắc mọi người sẽ thông. Tư tưởng không thông thì bình tông cũng nặng. Khi tư tưởng thông rồi, con đường thôn ông sẽ làm được thôi.
***
Lan là con gái duy nhất của vợ chồng ông Bá. Cô vừa mới tốt nghiệp đại học về công tác tại xã. Lan năng động, đầy nhiệt huyết, nên người trong thôn khi thì thấy Lan giúp bố mẹ việc nhà, lúc lại thấy cô nhiệt tình tham gia vào các dự án xây dựng làng xã, từ việc cải tạo đất đai, làm thủy lợi đến mở lớp dạy thêu thổ cẩm cho phụ nữ.
Nghe lỏm câu chuyện của bố mẹ về việc hiến đất, Lan ủng hộ bố ra mặt. Cô nói với mẹ:
- Con đã có người yêu đâu. Mẹ nói thế, ai biết lại tưởng con xấu xí quá nên gia đình phải đổi các. Với lại, con muốn ở với bố mẹ cả đời, không cần của hồi môn.
Ông Bá và vợ nghe thế cười xòa. Cái con bé này, vừa xinh đẹp vừa giỏi giang, vui vẻ. Lúc nó đi lấy chồng thì nhà cửa sẽ buồn lắm. Giá nó lấy ai ở gần thì tốt biết mấy.
Đúng lúc ấy, ngoài cổng có bóng người. Là Vinh, đến báo đã mời xong các gia đình đến họp thôn tối nay.
Mịnh họa: Bích Ngọc
Vinh ở cuối thôn. Bố mẹ Vinh mất sớm, nên cậu sống một mình. Vinh là người tự lập và cũng là một trong những thanh niên ưu tú của làng, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Trong việc xây dựng nông thôn mới này, Vinh là cánh tay phải đắc lực của ông Bá. Bởi Vinh đã tốt nghiệp đại học giao thông, khỏe mạnh, lại thông thạo nhiều việc từ điện nước đến sửa chữa máy móc. Ông Bá có Vinh rất yên tâm.
Buổi họp thôn được tổ chức ngay tại nhà văn hóa, với sự tham gia của đông đủ các gia đình trong thôn. Ông Bá đứng lên phát biểu trước mọi người:
- Thưa bà con, chúng ta sẽ làm con đường mới để thuận lợi đi lại, để hàng hóa sản xuất ra bán được giá hơn và tương lai của con cháu chúng ta tươi sáng dễ dàng. Nhưng để làm được con đường rộng và thẳng, bà con cần sẵn lòng hiến đất vườn. Đề nghị các gia đình có con đường đi qua sẵn sàng hiến đất vì cái chung của làng mình.
Có tiếng xì xào to dần từ phía cuối phòng họp. Tấc đất tấc vàng - xưa nay ai chả rõ. Ấy là chưa kể nhiều nhà đang coi đất vườn với hàng nghìn gốc bưởi đang cho thu hoạch là nguồn thu chính nuôi sống cả nhà. Ấy là chưa kể nhiều nhà mới xây xong tường rào, giờ hiến đất lại phá đi, chả nhẽ lại bỏ tiền ra xây lần nữa?
Ông Tính nhấp nhổm nhất. Mảnh vườn nhà ông ngay sát mặt đường, chiếm diện tích khá lớn. Vốn là người thẳng tính, không ưa sự thay đổi, ông giơ tay phát biểu có phần gay gắt:
- Đất này là của tổ tiên để lại, không phải dễ dàng mà có. Nay hiến đất rồi chúng tôi biết lấy gì mà trồng trọt nuôi sống gia đình?
Bà con im lặng, không ai nói gì, nhưng ánh mắt đầy lo lắng. Bởi không chỉ riêng ông Tính mà nhiều người khác cũng chung nỗi trăn trở. Hiến đất có nghĩa là mất đi một phần của cải, và đôi khi là mất đi chỗ bám víu cho cuộc sống bấp bênh nơi vùng núi này.
Lan đã chuẩn bị kỹ cho tình huống này. Cô bước lên, giọng thiết tha:
- Bà con ạ, nếu ta chỉ nhìn vào đất mà quên đi con đường, thì làng mình sẽ mãi kẹt trong vòng lẩn quẩn nghèo đói. Nhưng nếu ta chịu hy sinh một chút hôm nay, con đường mới sẽ mở ra cơ hội cho con cháu chúng ta sau này. Đất trồng cây mất đi một phần, chúng ta vẫn có phần còn lại. Hơn thế, nếu hiến đất để đường mới to rộng hơn, thì thương lái vào làng thu mua bưởi, cam dễ dàng hơn. Giao thương phát triển, chắc chắn thu nhập của làng ta sẽ khá hơn. Phải không ạ?
Những tiếng ồn ào bớt dần. Dường như lý lẽ của Lan đã làm bà con vỡ ra nhiều điều. Thì đấy, giờ chưa có đường, mỗi vụ bưởi nhà nào cũng thồ cũng buộc để chở bưởi ra chợ. Có khi đứt dây, cả người và bưởi cùng lăn lông lốc. Người không què là may. Nếu có đường, thương lái sẽ đánh xe tận vườn, nhàn biết mấy!
Ông Bá tiếp:
- Gia đình tôi xung phong hiến nửa vườn bưởi phía dốc Yên Ngựa. Chỗ đó mỗi năm cũng đem về cho bà xã tôi vài trăm, nhưng vì việc chung của thôn, chúng tôi đã thống nhất hiến đất làm đường.
Tiếng xôn xao lặng hẳn. Mọi người từ chỗ hồ nghi, đến ngỡ ngàng rồi thán phục, đồng tình với lời ông Bá. Rồi cũng chính ông Tính lên tiếng trước:
- Trưởng thôn đã nói thế, chúng tôi thấy thông rồi. Nhà tôi cũng sẽ hiến nửa vườn bưởi sát vườn nhà ông Bá.
Lan và Vinh vui như mở cờ trong bụng. Nơi bờ xôi ruộng mật như vườn nhà ông Tính đều đã được đồng ý hiến đất, thì những chỗ khác cũng sẽ dễ dàng hơn.
Những ngày sau cuộc họp, Lan và Vinh cùng bố và các đại diện đoàn thể trong thôn tiếp tục đi từng nhà, giải thích cho bà con hiểu lợi ích lâu dài của làm đường, xây dựng nông thôn mới. Nhà ông Hiền vốn có một vườn chè lâu năm ngay sát con đường, cũng vui vẻ hiến đất, với mong muốn con cháu mình sau này sẽ có điều kiện tốt hơn để học hành và phát triển. Nhà bà Thao thấm thía nỗi khổ của việc đèo bưởi đi bán, cũng đồng ý hiến đất làm đường.
Ông Bá giao Vinh và Lan tổ chức đội thanh niên làng đến giúp một số gia đình khó khăn, không đủ khả năng tự sửa lại phần hàng rào do hiến đất. Chỉ chưa đầy 2 tuần, việc giải phóng mặt bằng để thi công con đường mới đã hoàn tất.
Đất đã được giải quyết xong, việc mở rộng đường lại gặp những khó khăn lúc thi công. Có những đoạn phải bạt đồi, có đoạn vượt qua khe suối. Vinh cùng đội thanh niên ngày đêm vác đá, san lấp những chỗ lở, khơi thông mương dẫn nước. Lan thì không ngừng tiếp sức cho các đội thợ, lo từ việc nấu cơm cho đến việc điều hành chung, nhắc nhở từng chi tiết để mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
***
Hai tháng sau, con đường mới hình thành, rộng rãi và phong quang. Lòng người thôn Thung nhẹ phơi phới. Buổi khánh thành đường, cả thôn tụ tập tại nhà văn hóa ngay ngã ba trung tâm, ngắm nhìn con đường mới dưới ánh sáng đèn đường vừa lắp đặt.
Ông Bá bước lên, mắt rưng rưng:
- Tôi rất cảm ơn bà con đã đồng lòng hiến đất, làm nên con đường này. Không chỉ là một con đường, mà đó là sự đoàn kết, là niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Lan và Vinh đứng cạnh nhau, ánh mắt sáng lên niềm vui vì con đường mà họ cùng nhau góp sức xây dựng, vì cả những tình cảm đang đâm chồi nảy lộc trong trái tim họ. Tình yêu giữa cô và Vinh giống như con đường mới, bắt đầu từ những khó khăn, từ sự chia sẻ và sự hy sinh cho cái chung.
Thay mặt đội kỹ thuật, Vinh đứng dậy phát biểu, ánh mắt không rời khỏi Lan:
- Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày vất vả, nhưng tất cả chỉ là khởi đầu. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp hơn. Và... tôi cũng muốn xây dựng một tương lai với người mình yêu thương.
Cả đám đông như vỡ òa trong những tràng vỗ tay tán thưởng. Lan đứng cạnh Vinh, gương mặt đỏ bừng, đôi mắt long lanh hạnh phúc.
Tình yêu của họ đã nảy nở từ những điều giản dị, từ sự hy sinh, cống hiến cho thôn Thung quê họ.
Gửi phản hồi
In bài viết