Nhớ nhà báo Trịnh Thành Công

- Sau một thời gian kiên cường chiến đấu với trọng bệnh, vào lúc 7 giờ 20 phút ngày 7/11/2024 tức ngày 7/10 năm Giáp Thìn, nhà báo Trịnh Thành Công, Trưởng phòng Phóng viên Báo Tuyên Quang đã từ trần khi vừa bước sang tuổi 47. Trong sự nghiệp của mình, anh được tặng nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen của các ban, sở, ngành; 2 lần đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và đạt nhiều giải thưởng Báo chí Trung ương và cấp tỉnh. Anh là cây bút quen thuộc trong làng báo với các thể loại thế mạnh là phóng sự - ghi chép, bút ký, tiểu phẩm... và một số chuyên mục của Báo Tuyên Quang cuối tuần. Sự ra đi của nhà báo Trịnh Thành Công để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân và các đồng nghiệp Báo Tuyên Quang cũng như những người làm báo bạn bè anh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc những dòng tình cảm của đồng nghiệp về nhà báo Trịnh Thành Công.

Dù bệnh trọng nhưng chưa khi nào đồng chí quên nhiệm vụ

Đồng chí Trịnh Thành Công giữ những chức vụ quan trọng của Báo Tuyên Quang: Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Phóng viên. Đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt quy hoạch các chức danh Phó Tổng Biên tập và Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 2025 - 2030.

Mặc dù mắc trọng bệnh nhưng đồng chí chưa khi nào quên nhiệm vụ. Đồng chí nhận việc “đột phá” năm 2024 của mình là vận động các nhà hảo tâm giúp làm nhà ở cho 01 hộ nghèo tại Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn và ngôi nhà đó đã chính thức được khởi công vào ngày 3/10/2024 từ số tiền của các nhà hảo tâm do đồng chí vận động và của cá nhân đồng chí ủng hộ.

Sự ra đi của đồng chí là mất mát vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp nổi của gia đình, dòng tộc. Cơ quan mất đi người đồng chí, đồng nghiệp tài năng, đức độ. Báo Tuyên Quang vẫn còn đó những bài viết của đồng chí, đầy ắp hơi thở của cuộc sống.

Hoàng Bách


Tiếc thương người em, người đồng nghiệp say nghề

Ngày mới vào tòa soạn, Công là sinh viên luật mới tốt nghiệp. Rồi Công học tiếp đại học báo chí và trưởng thành qua từng trang viết. Các phóng sự của Công được nhiều bạn đọc yêu mến vì đậm hơi thở cuộc sống. Nhiều phóng sự rất chân thực, đồng cảm với những cảnh đời khó khăn.

Luôn nỗ lực với nghề và các công việc của Tòa soạn; Công được giao làm trưởng phòng phóng viên, là chi ủy viên, phó chủ tịch Công đoàn, Ủy viên ban thư ký chi hội nhà báo; được quy hoạch phó tổng và tổng biên tập trong tương lai.

Nhà báo Trịnh Thành Công

Với đồng nghiệp và cấp dưới, Công luôn chân thành và tận tình giúp đỡ. Nhiều phóng viên trẻ của Báo coi Công như người anh, người thầy.

Đột nhiên, em mắc bệnh trọng.

Những ngày đầu sợ gia đình và đồng nghiệp lo lắng, Công không chia sẻ cho ai. Rồi em yếu dần, vẫn không rời nhiệm vụ ở cơ quan. Nằm trên giường bệnh em vẫn viết,  như một cách hành thiền để quên những cơn đau.

Cơ quan bạn bè đồng nghiệp đều trân trọng và cảm phục tinh thần làm việc như chiến binh ấy.

Thôi mệnh đã vậy, em hãy ra đi thanh thản, phù hộ cho bố mẹ, vợ con, gia đình.

Em đã sống đẹp, sống trách nhiệm và nhiều yêu thương.

Vô cùng thương nhớ em.

Hà Linh


Hiệu quả công việc là thước đo

Ngày công trình thủy điện Tuyên Quang đang trong quá trình xây dựng mọi thứ đều ngổn ngang, nhất là công tác di dân tái định cư, tôi và nhà báo Trịnh Thành Công được phân công phụ trách huyện vùng cao Na Hang, lúc đó chưa tách huyện. Hai anh em thường rủ nhau đi xe máy lên tới trung tâm huyện lỵ.

Từ đây chúng tôi gửi xe máy, tiếp tục bắt xe U oát để đi xuống xã. Bởi lúc này chỉ có xe U oát là có thể vượt những cung đường gồ ghề, lầy lội. Có hôm xuống đến trung tâm khu C Yên Hoa, tuy đói nhưng hai anh em không ăn được cơm, vì đường xấu  quá gây tức bụng. Xuống đến cơ sở nhà báo Trịnh Thành Công bố trí tối đa thời gian để làm việc. Chỉ có hiệu quả công việc mới là thước đo sự hài lòng của nhà báo. 

Say nghề, nhà báo Trịnh Thành Công đã gom tiền mua được một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Nikon. Công bắt đầu nghiên cứu, mày mò chụp, các tác phẩm khá dần lên. Hai anh em cũng hay trao đổi về kỹ thuật chụp, ảnh, ống kính. Cũng trải qua nhiều đời máy, mấy năm gần đây Văn phòng Tỉnh ủy có trang cấp cho Báo Tuyên Quang chiếc máy ảnh Nikon D4s, gồm combo phụ kiện đi kèm.

Nhà báo Trịnh Thành Công đoạt giải B Búa liềm Vàng toàn quốc năm 2022

Có máy ảnh mới hiện đại Công thích lắm, giữ gìn cẩn thận, tăng cường học hỏi để làm chủ máy móc. Tuy là làm Trưởng phòng Phóng viên, nhưng nhà báo Trịnh Thành Công vẫn được giao làm tin, chụp ảnh các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy. Ngoài làm ảnh báo chí, Công còn làm các Album ảnh cho Văn phòng Tỉnh ủy, phục vụ công tác chính trị, lễ tân. Đến bây giờ có thể nói nhà báo Trịnh Thành Công vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý phòng, viết bài và chụp ảnh. Đây là một sự nỗ lực phi thường, một sự đam mê nghề cháy bỏng, đích thực. 

 Quang Hòa


Mỗi bài báo được viết từ tâm

Cách đây hơn 15 năm trước khi tôi chuyển từ Hà Nội về Tuyên Quang công tác tại Báo Tuyên Quang, nhà báo Trịnh Thành Công chính là người tôi bắt chuyện đầu tiên. Ấn tượng của tôi về người anh hiền lành, gần gũi và luôn quan tâm đến những người mới đến, anh còn chỉ tôi chỗ ở trọ gần cơ quan cho tiện. Rồi may mắn được công tác cùng phòng Chính trị - Xã hội, khi ấy 2 anh em đều cùng là phóng viên nên anh thường hay rủ tôi đi lấy tin, bài vì thấy “hợp gu”. Anh bảo quê gốc anh ở làng Kim Xuyên nên anh rất thương những người “thoát ly” ra thành phố. Cuộc đời anh trước khi đến với nghề báo cũng đã trải qua muôn vàn sóng gió bởi anh học trường Luật chuyển sang làm báo là anh cũng phải học lại từ đầu. 

Là người có tấm lòng nhân hậu, nhà báo Trịnh Thành Công thường hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Có hôm 2 anh em đang chở nhau trên chiếc xe honda cũ lên trung tâm huyện Chiêm Hóa thì anh bảo “đi vào chỗ này cùng với anh”. 2 anh em lặn lội qua những cung đường núi hiểm trở rồi đến cuối bản người Dao, hóa ra anh vào thăm một nhân vật trong bài anh viết đó là một người phụ nữ bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin bị liệt chỉ nằm một chỗ. Mỗi tháng anh đều gửi sách và quà lên tặng chị để động viên. 

Nhà báo Trịnh Thành Công cùng các đồng nghiệp tại Trường Sa tháng 4-2014.

Lại có những lần 2 anh em đang công tác trên huyện phải về gấp trong đêm vì ngày mai dưới thành phố có sự kiện quan trọng anh phải làm tin. Anh bảo, làm nhà báo thì không kể ngày đêm, mình chọn nghề thì không ngại vất vả. Hơn 15 năm anh em ngọt bùi, sướng khổ đều chia sẻ cùng nhau mà giờ đây đã phải chia ly mà lòng đau quặn thắt. Vĩnh biệt anh, nếu có kiếp sau thì mong anh em mình lại được làm đồng nghiệp cùng nhau anh nhé...

Huy Hoàng


Một người thầy đáng kính

Ngày cuối cùng thăm anh trong viện, anh bảo năm nay biến động thật nhiều… Cách để chúng tôi bớt đau buồn và chấp nhận sự thật rằng một người anh, một người đồng nghiệp, một người thầy đáng kính đã mãi mãi rời xa chúng tôi đó là chúng tôi tin rằng, anh vẫn hiện diện ở đây, dưới một hình hài khác.

Đó là những tác phẩm báo chí chất lượng, lối hành văn của anh, những tháng ngày đi cơ sở, những giờ phút anh chị em đồng nghiệp vui vẻ cùng nhau ngoài giờ làm việc. Anh vẫn hiện diện trong từng phóng viên, là những lúc cần mẫn sửa lỗi bản thảo, là nhắc nhở về thái độ làm việc cho những phóng viên chập chững vào nghề. Chúng tôi ngày này qua tháng khác, vẫn luôn nhớ về anh, như một điều trân quý không thể thay thế.

Lê Thùy


Truyền cảm hứng để tôi vượt qua khó khăn

Chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết với nhau từ những năm đầu tiên tôi vào cơ quan Báo Tuyên Quang. Ngoài công việc ở cơ quan, chúng tôi thường chia sẻ về cuộc sống, niềm vui, và cả những ước mơ… Công sống với đam mê và trách nhiệm, bạn đã truyền cảm hứng rất lớn để tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Nhưng giờ đây, khi nghĩ đến Công mà lòng tôi nghẹn ngào. Vẫn còn đó những dự định, ước mơ còn dang dở. Công ra đi quá sớm, để lại một khoảng trống về tình bạn, tình đồng nghiệp. Vĩnh biệt người bạn thân  - người anh em của tôi.

Tôn Dương


Nhớ thương người anh - Một trái tim nhiệt huyết

Nhà báo Trịnh Thành Công là người có sức viết khỏe, anh đi khắp các thôn bản, gần gũi bà con, anh luôn có góc nhìn báo chí ấm áp, đầy chất nhân văn.

Anh có nhiều bài báo hay, có nhiều bài phóng sự chân dung, đi sâu vào cảm xúc, thấu hiểu nhân vật khiến nhân vật được viết tha thiết cảm ơn anh, coi anh là người tri kỷ. Nhiều độc giả yêu thích các tác phẩm như: “Đàn chim xây tổ”, “Người đến từ Hồ Sán”, “Mai An Tiêm trên núi Khuẩy Sâu”, “Gặp nhau ở tiếng lòng”...

Bất cứ ai mới vào nghề luôn được  anh tận tình giúp đỡ, động viên, khuyến khích từng chút một. Anh  thổi vào trong em niềm đam mê đọc, viết phóng sự.

Khi làm quản lý, anh luôn quan tâm từng phóng viên, dạy dỗ rèn nghề, bảo ban cách sống, cách đối nhân xử thế. Lúc nghiêm khắc, khi nhẹ nhàng khiến chúng em đều tâm phục, khẩu phục, càng quý mến anh! Anh luôn tìm cách kết nối để anh em trong phòng đoàn kết, gắn bó. Anh trân trọng mọi người, lắng nghe, khích lệ tất cả mọi người say nghề, yêu nghề như anh!

Anh âm thầm làm việc thiện, đặt báo cho những độc giả khuyết tật; nuôi 1 em bé mô côi bố ăn học; kêu gọi hỗ trợ sinh viên nghèo học đại học, xây nhà cho hộ nghèo...

Ngay cả khi mắc bệnh trọng, anh còn mạnh mẽ hơn chúng em, động viên ngược lại những đứa mít ướt như em! Nằm trên giường bệnh chịu những cơn đau, những lần hóa trị, khi tỉnh anh vẫn không quên động viên, nhắc nhở, che chở từng đứa em!

Anh vẫn chăm chỉ viết bài, vẫn đọc báo... say nghề, yêu nghề, khát khao được cống hiến, được làm việc cháy bỏng.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục