Hồn Việt qua tranh sơn mài của họa sỹ 9x

- Gallery nhỏ trong tòa nhà tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) của họa sỹ trẻ Đỗ Mạnh Hiệp níu chân khách bởi những bức tranh sơn mài đầy màu sắc và chất chứa hoài niệm. Chàng họa sỹ xứ Tuyên đã khẳng định được tài năng hội họa của mình với một phong cách riêng biệt bằng dòng tranh đậm chất hồn Việt.

Nếu không đam mê không làm được…

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của tranh sơn mài nhưng với các họa sĩ độ tuổi trên dưới 30, theo đuổi chất liệu này không hề dễ dàng. Ngay bước làm ra một tấm vóc, tức là phần khung thô của một bức tranh sơn mài, đã phải trải qua 12 nước sơn, mùn cưa, bó đất rồi lại sơn mới tạo ra được phần nền đen bóng. Sau đấy mới đến công đoạn trang trí họa tiết, đánh bóng tranh…

Khi xem tranh Đỗ Mạnh Hiệp nhiều người xem được ngập tràn trong một không gian bình yên, nhẹ nhõm với gam màu tươi sáng, rạng rỡ. Đó là khung cảnh thanh bình ở các miền quê, phong cảnh núi rừng, cỏ, cây, hoa, lá… Thế nhưng ẩn hiện phía sau là xúc cảm khó diễn tả bởi nét cuốn hút khó rời mắt được. Có thể là vẻ huyền bí, ma mị trong tác phẩm "Rừng đông"; sắc vàng rực rỡ, bao phủ chút hoang hoải, hoài niệm trong "Nắng hạ”; chìm đắm trong không gian giao thoa giữa hai mảng "Sáng tối"…

Thời gian đầu, Đỗ Mạnh Hiệp vẽ đa dạng trên nhiều chất liệu nhưng anh dừng lại với bến đỗ là tranh sơn mài. Anh chia sẻ, dòng tranh này cũng từng được xem là một trong những niềm tự hào của người Việt. Chính vì vậy, anh đã lựa chọn vẽ tranh sơn mài với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn phát triển dòng tranh truyền thống Việt Nam.

Họa sỹ Đỗ Mạnh Hiệp đam mê tranh sơn mài.

Chia sẻ những khó khăn của họa sỹ trẻ đam mê vẽ sơn mài, Đỗ Mạnh Hiệp chân thành chia sẻ, khó khăn lớn nhất là bài toán kinh tế. Tranh sơn mài vừa khó, chi phí lại cao. Để vẽ một bức tranh khổ 40 x 60, người họa sỹ phải dùng mất nửa quỳ vàng (tương đương nửa chỉ vàng), nếu vẽ tranh khổ to hơn, thì phải dùng không dưới 1 quỳ (tương đương 1 chỉ), đó là còn chưa tính các họa cụ khác như vóc, màu...

Ngoài việc tốn kém, tranh sơn mài đòi hỏi người họa sỹ phải tỉ mỉ, dày kinh nghiệm và trải nghiệm. Có lẽ vì những khó khăn đó, mà nhiều người cùng khóa với anh trong trường đã chuyển sang làm việc khác, không còn vẽ nữa. Bản thân Hiệp luôn xác định giá trị nghệ thuật là vô giá. Dẫu có nhiều khó khăn nhưng anh vững tin trên hành trình nghệ thuật mình chọn lựa, tin yêu. Bởi làm bất cứ việc gì đặc biệt là nghệ thuật thì không đam mê thì không thể thành công được.

Vẽ để tìm về chính mình

Đỗ Mạnh Hiệp, sinh năm 1995 tại phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang. Từ nhỏ, Hiệp đã rất thích vẽ, hễ trong tay có gì có thể vẽ được là có thể ngồi loay hoay vẽ cả buổi. Từ hồi lớp 7, Hiệp một mình đạp xe đi hơn chục cây số để đăng ký và theo học và gắn bó với lớp trong suốt 6 năm ròng rã.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Hiệp có mơ ước trở thành họa sỹ, anh thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Trong thời gian theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương, Hiệp dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu rồi mạnh dạn đăng ký và thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Và kể từ đó Hiệp theo con đường hội họa chuyên nghiệp, toàn tâm đam mê học và sáng tạo.

Anh được nhận xét là họa sỹ đam mê vẽ và vẽ nhiều. Anh vẽ liên tục, không ngừng nghỉ, hơn chục năm miệt mài cầm cọ, số tranh anh vẽ đã lên đến hàng nghìn bức lớn nhỏ. Thế nhưng tranh của anh luôn mang một phong cách riêng, không chạy theo thị hiếu tức thời. Chính vì thế tranh của anh luôn được công chúng đánh giá cao.

Họa sỹ Đỗ Mạnh Hiệp chia sẻ, anh đặc biệt yêu thích màu vàng trong sơn mài và yêu cả sự tỉ mỉ khi thực hiện bức tranh. Nhất là cảm giác hồi hộp, chờ đợi khám phá xen lẫn tò mò trong quá trình mài màu để lộ dần những lớp màu sắc ẩn đằng sau nó. Hiện anh đang tập trung vào việc thực hiện seri các tác phẩm sơn mài theo dòng tâm thức, dòng tranh thể hiện những hồi ức, suy tưởng từ quá khứ. Đó có thể là hình ảnh về một buổi trưa hè trốn ngủ đi chơi, là ký ức về một mảnh rừng vàng ruộm bởi nắng, là phong cảnh nơi anh từng sống, từng đi qua…

Cũng như tranh mộc bản thì vẽ tranh sơn mài mất nhiều thời gian, có muốn nhanh hơn cũng không được. Trong quá trình hoàn thiện tác phẩm luôn phải chờ đợi. Sự chờ đợi rèn cho người trẻ như Hiệp tính kiên trì, cho Hiệp được hiểu bản thân rằng mình muốn gì và cần phải làm gì. Bức nhanh nhất phải mất 4 - 5 tháng, có bức tiêu tốn hàng năm trời nhưng với chất liệu sơn mài, điều này bình thường. Đó chính là giá trị của dòng tranh này.

Theo dòng chảy hiện đại người trẻ thường dễ cuốn theo những điều mới mẻ, tân tiến, thế nhưng đối với họa sỹ 9x Đỗ Mạnh Hiệp cội nguồn trong mỗi nét vẽ từ tranh truyền thống mới thực sự làm anh tìm được nguồn năng lượng. Và anh càng tự hào khi ngày càng nhiều người trẻ như anh yêu thích và đồng hành trên con đường nghệ thuật của sự sáng tạo diệu kỳ và hấp dẫn này.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục