“Mẹ con bảo đem chè sang biếu bà Năm. Bà Năm ăn liền đi cho nóng. Mẹ con mới nấu ngon lắm”.
Bà Năm kéo cái khăn rằn vắt trên móc chụp lên đầu thằng Sen. Sen cười hì lấy khăn xoa đầu.
Thằng Sen năm nay lên mười, cái thằng ốm nhom nhưng cao tần ngần như những cây sen trong ao. Nhà nó cũng chẳng khấm khá gì cũng nghèo xơ xác, má nó lúc mang bầu còn phải vác bụng bầu đi làm thuê làm mướn phụ họa với chồng kiếm tiền để nuôi con sau này. Má nó kể lúc đang cùng chồng đẩy xuồng hái sen cho người ta ngoài đồng sen thì đau bụng dữ dội rồi chẳng kịp lên trạm xá mà sinh luôn nó trên cánh đồng Sen. Hương thơm thoang thoảng dịu dàng tỏa ra từ hoa sen hòa lẫn với mùi bùn quấn lấy thằng nhỏ từ lúc mới sinh. Vậy nên má nó đặt nó tên Sen.
Bà Năm nhổ ngụm trầu trong miệng ra cái chậu nhỏ đặt dưới đất. Kéo cái khăn rằn quấn quanh cổ lau miệng rồi nhắc nhở thằng Sen lần sau có sang thì chờ hết mưa, không thì cũng mặc áo mưa vào người. Cho bà túm chè mà phải mang bệnh vào người thì bà cũng cảm thấy có lỗi ăn không ngon. Thằng nhỏ gật đầu như gà mổ thóc vâng dạ rất ngoan nhưng bà Năm hiểu rõ tánh nó. Nhắc vậy chứ lần sau nó cũng đội mưa sang nhà bà. Bà Năm đưa tay vào túi áo bà ba lấy ra chai dầu gió bé tí có nước màu đen. Thằng Sen như đã quen thuộc đến gần đưa lưng về phía bà rồi kéo áo lên khỏi ngực cho bà thoa dầu vào lưng. Bà nói xức dầu cho ấm phổi không về nhà lại ho sù sụ. Lần đầu Sen còn chê bai mùi dầu của bà nhưng sau nhiều lần nó ghiền từ lúc nào không biết.
Sen kéo ghế lại ngồi kế bên bà năm, bàn tay nhỏ xíu bóp bóp cánh tay bà.
“Hồi trước anh Đông có phải cũng thường đấm bóp cho bà không? Con nghe má con khen nhắc anh Đông suốt. Giá mà con được gặp lại anh Đông lần nữa. Giáng sinh tới anh Đông có về không bà?”.
Đôi mắt có nhiều nếp nhăn chứa đựng bên trong bao nhiêu nỗi u sầu, bà cụp mi mắt nhỏ giọng nói không biết. Ngày nào bà cũng trông ngóng Đông về nhưng mùa xuân đi qua mùa hạ tìm đến, rồi thu về ngập lối xong rón rén lùi đi nhường mùa đông đến cũng chưa nhìn thấy bóng dáng Đông đâu.
Hơn hai mươi năm lăm về trước, vào một buổi chiều đông gió rét, bà Năm gánh đôi quang gánh lang thang khắp các ngõ xóm bán từng chén cơm rượu, khi bà đi ngang qua chỗ lối rẽ vào nhà thờ bất ngờ nghe được tiếng khóc the thé của trẻ sơ sinh, bà đến gần bụi chuối xiêm thì nhìn thấy một đứa trẻ còn đỏ hỏn được quấn bằng khăn lông có màu xanh thẫm. Chẳng biết đứa trẻ con nhà ai bà ngó trước sau không tìm thấy ai nên vội đặt quang gánh trên vai xuống rồi khom người bế lấy đứa bé. Xung quanh ẩm thấp, gió mùa đông làm đứa trẻ sắc mặt trắng bệch, môi miệng tím đen. Chẳng biết vì đói hay vì lạnh, hay vì cả hai thứ nên đứa nhỏ khóc rất lớn tiếng, âm thanh vang vọng cả một góc trời. Bà Năm ôm chặt đứa bé vào lòng, kéo khoác len đã thấm đẫm mùi mồ hôi trùm lên người đứa nhỏ.
Bà đã ngoài bốn mươi nhưng chưa có mụn con nào. Bà lấy chồng năm mười tám tuổi nhưng hai ba năm cũng không có con dù cả hai vợ chồng đã chạy đông chạy tây, từ tây y đến đông y. Người ta bảo “cây độc không trái, gái độc không con” bà không thể chịu được lời cay đắng của má chồng vào mỗi bữa cơm, bà cũng không muốn tiếp tục giả ngốc vờ đui mù xem như không biết gì khi chồng bà lén lút ngoại tình với người đàn bà khác. Bà ly hôn rồi bỏ về nhà mẹ đẻ. Năm tháng trôi qua tóc xanh phai màu bà vẫn lủi thủi một mình phòng không gối chiếc. Hơn mười năm sau cha má bà cũng lần lượt rời bỏ thế gian vì bạo bệnh bỏ lại một mình bà trong căn nhà lá nhỏ quạnh hiu trống vắng.
Bà ôm đứa nhỏ à ơi ru hời theo cách mà bà hay thấy mấy chị hàng xóm ru con. Sau một lúc đứa nhỏ cũng dần nín khóc, đôi mắt mơ màng thiu thiu ngủ. Bà đặt đứa nhỏ vào một bên thúng rồi gánh đôi quang gánh lên vai. Bà tìm đến công an giao nộp đứa nhỏ, nhờ họ tìm người thân, nhỡ đâu đứa nhỏ là con nhà nào bị bắt cóc. Ở trụ sở công an toàn đàn ông thanh niên nên họ nhờ bà đem đứa nhỏ về chăm sóc. Có ai đến nhận đứa nhỏ sẽ dẫn đến nhà bà.
Ngày lại qua ngày vẫn không có ai đến nhận lại đứa trẻ rồi người ta làm giấy tờ muốn đưa đứa nhỏ vào trại mồ côi trên tỉnh. Ở với bà mấy hôm không mến tay cũng mến chân, bà mạnh dạn xin được giữ đứa nhỏ lại nuôi dưỡng. Người trên xã cũng vui vẻ đồng ý giúp bà làm giấy tờ nhận con nuôi, còn giúp bà làm khai sinh cho đứa nhỏ. Bà nghỉ học từ sớm, chữ biết, chữ không nên khi đặt tên cho đứa nhỏ bà đắn đo mãi cuối cùng lấy tên thằng nhỏ là Đông.
Nhà vốn im lìm lạnh lẽo có đứa trẻ bỗng trở nên ấm áp lạ thường. Đông từ bé đã thông minh hoạt bát, bà Năm thương yêu chiều chuộng muốn gì được đó. Hằng ngày bà ngược xuôi với đôi quang gánh, mùi rượu thơm nồng phảng phất trong cái thúng bên trái, bên phải là thằng Đông đang nằm lim dim.
Bà Năm nhận nuôi thằng Đông cả xóm đều biết, ở cái tuổi xế chiều có đứa nhỏ bầu bạn âu cũng là chuyện vui. Nhưng miệng đời người thương kẻ ghét, có người khuyên bà nên trả lại thằng Đông cho cô nhi viện, họ bảo con đứt ruột sinh ra lớn lên còn không có hiếu xem cha mẹ như người dưng nước lã mà đối xử hỗn hào. Vậy thì đứa con của người dưng thì làm sao biết được hai từ hiếu thảo. Bà khổ công khó nhọc nuôi dưỡng nên người đến khi thằng nhỏ đủ lông đủ cánh lại không biết báo hiếu còn quay lại nặng nhẹ với bà. Đến lúc đó có phải là uổng công.
Mặc kệ lời dèm pha bà Năm vẫn miệt mài làm lụng vất vả tảo tần nuôi thằng Đông khôn lớn. Thằng Đông càng lớn càng khôi ngô tuấn tú, giỏi giang tháo vát, học hành chăm chỉ lại rất hiếu thảo. Có lần bà Năm đi gặt thuê lúc giữa trưa nắng gắt không may trúng nắng ngất xỉu. Đông cõng bà chạy cả cây số lên trạm xá, trán tuôn mồ hôi như suối chảy, áo ướt đẫm, thở hồng hộc. Ai cũng ngưỡng mộ bà Năm có được đứa con trai xứng đáng rồi quên dần Đông chỉ là con nuôi của bà.
Ngày Đông lên Sài Gòn học đại học, bà Năm gom hết mớ tiền dành dụm bà cất kỹ dưới gối nằm lên ngân hàng gửi tiết kiệm, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Đông. Đông không nhận, ôm chặt lấy bà năm nước mắt ngắn dài. Đông đeo ba lô lên vai, trong ba lô có mấy con cá khô được bà bọc giấy báo cất gọn, thêm mấy bộ quần áo mới bà mới may cho. Cầm thêm chai nước mía bà nấu từ sáng sớm. Đông vẫy tay chào tạm biệt bà ở cổng rào rồi chạy nhanh về phía đường lớn.
***
Đông đi học xa nhà thỉnh thoảng được nghỉ học nhiều ngày mới về thăm bà. Có hôm trái gió trở trời bà Năm nóng sốt một mình không có ai chăm sóc. Bà con lối xóm thương đến thăm hỏi rồi nhắc đến Đông. Bà bảo Đông ở xa có cho Đông biết bà bệnh cũng không thể về được. Phần bà lo sợ ảnh hưởng đến việc học hành của Đông nên gồng mình tự lo cho bản thân. Ngày xưa không có Đông bà cũng sống khỏe mà.
Một ngày kia Đông bất ngờ trở về đem theo tin vui về báo với bà. Đông giành được học bổng du học toàn phần ở nước Úc, cả trường chỉ có hai suất. Bà Năm vui mừng đi đến đâu cũng khoe Đông học giỏi, Đông được đi du học. Xóm làng thay nhau đến chúc mừng bà có đứa con học giỏi nhất xóm.
Ngày Đông lên máy bay, bà năm đi xe đò lên tận sân bay để tiễn. Cố gắng dằn xuống những giọt nước mắt sắp trực trào, bà ôm Đông dặn dò đủ thứ. Từ chú ý ăn uống, mặc ấm, đến đừng thức quá khuya, quan trọng phải biết giữ sức khỏe. Lặng người nhìn Đông hòa vào dòng người rồi biến mất sau tấm cửa kín. Bà năm òa khóc, tiếng khóc thê lương cô độc.
***
Mưa càng lúc càng nặng hạt, trời sấm chớp đùng đùng sáng cả một vùng trời, thằng Sen bị bà năm giữ lại không cho về. Bà bảo mưa gió sợ cây đổ bất ngờ dọc đường đi. Thằng Sen đứng ngồi không yên, thi thoảng lại nhìn trời rồi tặc lưỡi đêm nay chắc phải ngủ ké ở nhà bà Năm một hôm. Mưa thế này cũng không biết lúc nào thì gió ngừng mưa tạnh, cũng may má Sen đã căn dặn trước lỡ sang nhà bà Năm mà mưa lớn quá thì cứ ở lại ngủ nhờ sáng rồi về. Một tia chớp xẹt qua lóa sáng, Sen nhìn rõ phía màn mưa có người đang chạy về hướng này. Sen hét toáng lên cứ ngỡ mình thấy ma. Bà Năm ôm lấy Sen vỗ về rồi cũng dõi mắt nhìn theo hướng Sen chỉ.
Một chàng thanh niên mặc áo mưa bước vào hiên nhà, cởi bỏ lớp áo mưa đặt lên chiếc bàn nhỏ rồi rưng rưng đôi mắt bước đến quỳ trước mặt bà Năm.
“Mẹ ơi! Đông của mẹ về rồi”.
Hơn ba năm cuối cùng bà Năm cũng đã chờ được ngày này. Có người bảo bà đừng trông mong gì vào Đông nữa, Đông thành công giàu sang không còn nhớ đến người mẹ già nghèo khó ở quê nữa đâu. Nhưng bà vẫn tin chắc chắn Đông của bà không phải là loại người mà người ta nói. Và lòng tin tưởng của bà đã được đền đáp xứng đáng. Bà Năm run rẩy chạm bàn tay gầy guộc vào má Đông. Thằng Sen đứng một bên mắt đỏ hoe xúc động. Mùa đông này nhà bà Năm đã không còn lạnh lẽo nữa rồi.
Gửi phản hồi
In bài viết