Nhìn từ một cuộc thi truyện ngắn

- “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”, định đề này không bao giờ cũ. đọc một số truyện ngắn tham dự Cuộc thi “Truyện ngắn Tuyên Quang năm 2023”, độc giả không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp giọng điệu, ngôn từ mà còn có cảm nhận chân thực hơn về cuộc đời qua những tình tiết đời thực lôi cuốn.

Các độc giả trẻ tìm hiểu về thể loại truyện ngắn.

Theo ông Tạ Bá Hương, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Cuộc thi Truyện ngắn Tuyên Quang năm 2022 do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang phát động lần này tiếp tục được đông đảo hội viên, các nhà văn; những tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tham gia. Nội dung các tác phẩm tham dự thi bám sát chủ đề yêu cầu của thể lệ cuộc thi, nhiều tác giả đã mở rộng đề tài và có cách dựng truyện khá vững vàng. Theo đánh giá của Ban tổ chức thì chất lượng tác phẩm đoạt giải cao đợt này có sự bứt phá so với những năm trước đây; có tác phẩm thật sự xuất sắc, gây được ấn tượng mạnh với độc giả.

Những năm gần đây, tác giả Lê Ngọc (TP Tuyên Quang) là cây viết trẻ 9x, khá sôi động trên văn đàn trẻ với các tác phẩm in thành sách và đã được giới trẻ đón nhận. Tham gia Cuộc thi, Lê Ngọc đã “trình làng” tác phẩm Tượng đài bất tử. Với giọng văn chắc tay, Lê Ngọc đã khiến nhiều Ban Giám khảo phải hết lời khen với một truyện ngắn đặc sắc. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ, đây là một truyện ngắn đúng nghĩa, tái hiện lên một làng Pua ở vùng Việt Bắc. Ở đó tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tội ác, lòng căn thù, đức tri ân… hòa quyện trong một không gian, thời gian nghệ thuật dài rộng, hình tượng nghệ thuật ám ảnh với những chi tiết ngồn ngộn, ngôn ngữ phong phú, nhiều cảm xúc.

Điều đặc biệt, Lê Ngọc đã linh hoạt, khéo léo sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật: Giấc mơ, nhật ký, lời kể của các nhân vật… để tái hiện một quá khứ của những con người vùng cao đi theo cách mạng và bảo vệ cán bộ cách mạng. Thông điệp của tác phẩm sâu sắc, đó là quá khứ cần phải được lên tiếng, được nhắc nhở; hiểu quá khứ để trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai. Nhờ đó mà tác phẩm có được sức nặng của một câu chuyện thú vị và ám ảnh. Tác phẩm xứng đáng trao giải cao nhất tại cuộc thi.

Nghệ sỹ nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn Tuyên Quang năm 2022 cho tác giả trẻ Lê Ngọc.

Tác giả Lê Na mang đến Cuộc thi 2 truyện ngắn là Chè chốt và Buổi chiều gặp lại. Truyện ngắn của ông luôn có phong vị nhẹ nhàng nhưng giàu hình ảnh, ý nghĩa và thông điệp. Với giọng văn nhuần nhuyễn, từng trải, Lê Na tạo mạch cuốn riêng cho tác phẩm của mình. Truyện ngắn Chè chốt được Ban Giám khảo đánh giá cao và dành được giải Nhì bởi văn phong dung dị, cảm xúc chân thành, cấu trúc khá vững. Tác phẩm kể về câu chuyện tình yêu giữa một cô giáo cắm bản với người lính biên thùy trong thời chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều chi tiết sinh động, trung thực, thể hiện khả năng quan sát và miêu tả tinh tế của tác giả; mạch truyện phát triển nhiều tuyến, quá khứ hiện tại đan xen, không gian nghệ thuật mở rộng từ trung du, biên giới, đồng bằng… tạo độ dày dặn cho tác phẩm.

Cũng là tác phẩm nhận được sự ưu ái yêu mến của độc giả và Ban Giám khảo bởi cách lựa chọn đề tài mới lạ, truyện ngắn Hoa giấy thơm của Nguyễn Văn Học lấy chủ đề sinh thái làm cảm hứng chủ đạo. Tình huống truyện khá thú vị. Kết cấu truyện khá vững với hai không gian thành phố - làng quê; hai hoàn cảnh giàu - nghèo tương phản, tương tác, làm sáng lên thông điệp nhận thức về giá trị và chất lượng sống, một vấn đề nóng của xã hội hiện đại. Tạo nên không khí truyện hấp dẫn ấn tượng. Tác phẩm xứng đáng được trao giải Nhì tại Cuộc thi.

Một số truyện ngắn khác gây ấn tượng tại cuộc thi với phong cách viết linh hoạt, hấp dẫn. Mỗi người một vẻ, nhưng đã thấy rõ nội lực và nỗ lực để cán đích cuộc thi chữ nghĩa. Điển hình như: Quê gắn số của Hoàng Kim Yến, Sông Bồ Chữ của Dương Đình Lộc, Dòng sông con gái của Bùi Việt Phương, Bến đỗ bình yên của Đinh Minh Sơn, Hồn Then của Trần Thị Nhung… Tuy nhiên, có thể thấy rằng, các cây viết cần đổi mới bút pháp để có những truyện ngắn hay, mang đậm hơi thở cuộc sống, tạo những “lát cắt” nghệ thuật mới mang đặc trưng của thời đại. Ngoài ra, trong sáng tác các tác giả cần vượt qua chính mình, tạo sự bứt phá.

Cuộc thi Truyện ngắn Tuyên Quang năm 2022 mang đến một không khí đời sống, văn hóa và xã hội của vùng đất, của địa phương rất rõ nét. Đây là dịp để các cây bút thử sức với thể loại truyện ngắn, một thể tài sáng tác tuy phổ biến song rất khó có những tác phẩm đặc sắc, có thể gây “chấn động” trong đời sống văn học nghệ thuật. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy chia sẻ: “Tôi luôn tin tưởng rằng, từ những cuộc thi quy mô như thế này, từ vùng đất này sẽ xuất hiện những cây bút vạm vỡ, cho ra đời nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, góp phần vào sự phát triển văn chương trong và ngoài tỉnh”.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục