Bức Chân dung bác sĩ Gachet là thứ được nhắc đến trong câu chuyện. Nhưng kỳ thực, đó chỉ là bức tranh nhỏ, Hồ Anh Thái trong tác phẩm Tranh Van Gogh mua để đốt muốn bàn đến khung cảnh to hơn: bức tranh cuộc đời. Xoay quanh chuỗi sự việc mua tranh - đốt tranh - cứu tranh, những mảnh đời cứ thế hiện lên như những mảnh ghép khác nhau của bức tranh hàng trăm, hàng nghìn mảnh.
Vị tỷ phú Nhật giàu có nhưng bị cho là gàn dở khi lũ con cháu trong nhà chỉ nhăm nhe đến khối tài sản khổng lồ của ông. Không những đốt tranh, ông còn mở chai rượu đắt tiền đổ xuống bể cá như để chọc tức gia đình.
Ông doanh nhân Việt sau nhiều năm bôn ba trên đất Đông Âu giờ đây về Việt Nam lập nghiệp và trở thành một trong những người giàu có nhất cả nước, cả châu lục. Dù lúc nào cũng lẩn như trạch trong mỗi sự kiện nhưng tập đoàn có hoạt động hay có biến gì, ông cũng nắm rõ như lòng bàn tay.
Anh giám đốc truyền thông xuất thân từ vị trí tổng biên tập của một tờ báo lớn, giờ chuyển sang làm cho tập đoàn to nhất nhì Việt Nam. Tâm trí anh vẫn luôn dằn vặt vì không cứu được người trong cơn thác lũ, giờ đây anh quyết tâm cứu bức tranh sắp bị đốt thành tro bụi.
Một cô diễn viên với gương mặt như hoa nhưng không đọc được kịch bản bởi cứ nhìn thấy chữ là đau đầu. Nhưng khi đọc những trang giấy trắng thì cô lại vanh vách đọc ra những câu chuyện. Các bức tranh cô vẽ cũng toàn là một màu trắng xóa.
Tranh Van Gogh mua để đốt bên cạnh chủ đề mới lạ thì còn được hấp dẫn bởi chính cách xây dựng cốt truyện tài hoa của tác giả. Nó như một cái gì vừa đủ cho hành trình văn chương đa dạng của Hồ Anh Thái. Không giễu cợt quá quắt như “Mười lẻ một đêm”, không khốc liệt nghiêm trang như “Cõi người rung chuông tận thế”, không an nhiên tha thứ như “Dấu về gió xóa”... Mà cuốn tiểu thuyết đạt đến sự vừa đủ của những tiểu thuyết kia gộp lại. Có chút cười cợt, có chút chua cay, có chút than vắn có chút thở dài, có chút thiện lương có chút hy vọng.
Toan tính tranh giành đấu đá nhau đến mệt nhoài rồi thì cùng đi tìm sự giải thoát. Những bức tranh màu trắng xuất hiện trong tác phẩm là vì vậy. Trắng là màu giải thoát. Giải thoát con người khỏi ưu tư Được và Mất. Hai cái thứ mà người ta thấy nặng như gánh cả núi thái sơn, nhiều lúc lại nhẹ tênh như thổi tắt một ngọn nến nhỏ nhoi.
Gửi phản hồi
In bài viết