Chè chốt

- Lần đầu tôi gặp em, một ngày chớm đông. Em mặc chiếc áo len cộc tay màu hoa mười giờ. Màu hoa ấm áp làm sao. Tôi như được trời cho duyên cớ ấy.

Thỉnh thoảng hai cái xe đạp ngược chiều lại chạm nhau. Có lẽ chẳng bao giờ em để ý đến tôi, còn tôi thì ngóng đợi đến mỏi mòn. Dẫu chỉ lướt qua nhau, tôi vẫn bị hút hồn bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt ngơ ngác, lung linh như được vẽ bằng sương mai. Màu áo len hắt ánh hồng lên má. Đâu có son phấn gì, một cô gái đậm chất quê. Bầu má mịn màng, non tơ. Tôi đã vô cớ nhớ em, một người dưng, giữa ngàn vạn người tôi gặp.

Minh họa: Tôn Bảo

Rồi một hôm, chẳng biết ma xui, quỷ khiến thế nào, tôi lại gây tai nạn với chính em. Cả hai người và hai xe lăn quay ra đường. Tôi vùng dậy đỡ em, cuống quýt:

 - Em có sao không? Em nhìn tôi, không nói.

Xe cũng chỉ bị tuột xích. Tôi kéo em vào rìa đường rồi mắc lại xích xe cho em.

- Anh xin lỗi. Anh mải… nhìn. Cô gái vẫn im lặng. Đôi mắt ngước nhìn tôi đầy thông cảm. Mãi rồi, em mới nói một câu:

- Em không sao. Cảm ơn anh. Chiếc xe lại mải miết ngược chiều với tôi. Tôi thẫn thờ ngó theo, cái vệt nắng tươi hồng lướt như cơn gió ấm vừa tràn qua trái tim tôi.

Thị xã ven sông Lô, nhỏ như bàn tay, với tôi, không quá khó để tìm được em ở đâu. Năm đó, tôi cũng đã qua tám năm lính trinh sát an ninh. Thông qua người chị gái của em, cũng là giáo viên, tôi đã có cơ hội gặp và hiểu đôi nét về em. Kể cũng liều. Em tên Xuân, mười chín tuổi, vừa tốt nghiệp hệ Sư phạm 10+3 của tỉnh. Lần gặp em sau đó, tôi nói đùa: anh đã biết Xuân từ gần hai mươi năm trước. Em cười. Nói câu gì về em, em cũng hỏi lại: sao anh biết? Cứ hỏi chị Thanh em thì biết. Em lại cười. Nụ cười làm tôi không muốn rời mắt khỏi gương mặt em.

Vài tháng nữa là em lên đường nhận nhiệm vụ nơi vùng cao biên giới Hà Giang (Hà Tuyên). Một buổi tối, tôi liều lĩnh đến nhà em. Trong ngôi nhà xây, lợp ngói, tôi chẳng biết nói gì. Tôi xin lỗi em về vụ đụng xe hôm trước. Em bảo có gì đâu, chuyện nhỏ mà anh. Những câu chuyện rụt rè và lạc lõng. Tôi nhìn em thăm thẳm. Em nhìn ra vườn hoa thược dược vừa đơm bông. Em như cảm nhận được ánh mắt tôi mách bảo em điều gì lạ lắm. Mãi lâu, em mới nói một câu:

 - Ra trường, nhưng em lại buồn... Em sắp phải xa gia đình, xa quê hương để lên với các em nhỏ vùng biên giới. Tôi vụng về động viên:

- Thôi, tuổi trẻ mà em. Vì học sinh thân yêu, em hãy vững tâm nhé. Mong em chân cứng đá mềm, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Anh, anh... cũng sẽ rất... rấ... nhớ... cô giáo trẻ.

Ra cổng tiễn tôi, em nói ngày, giờ ấy em lên trường nhận nhiệm vụ. Tôi hứa sẽ đến chia tay em. Đêm lạnh. Tôi đưa tay thật lâu đợi bàn tay nhỏ. Bàn tay ấy vẫn để trong túi áo. Cái áo khoác màu cánh đào. Lát sau, bàn tay em từ từ chạm đến tay tôi. Đêm vừa vẽ một vầng sáng và ấm. Tôi thấy người nóng ran, muốn nắm chặt tay Xuân, đưa lên môi. Em rút tay lại. Lửa từ những ngón tay em truyền sang tôi như tia chớp trời đêm.

Năm một chín tám hai, suốt dải biên cương phía Bắc, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước ta diễn ra ác liệt. Vị Xuyên, Yên Minh, Mèo Vạc và cả Xín Mần, Hoàng Su Phì phía Tây Hà Giang, quân và dân phải căng mình ra chống chọi. Có ngày, có tuần pháo từ phía bên kia biên giới bắn sang như vãi đạn. Những ngọn núi lở loét, tan hoang vì đạn pháo. Cả nước hướng lên biên giới phía Bắc. Mùa xuân năm đó em lên tăng cường cho giáo viên miền núi. Công tác đột xuất, tôi không thể đến chia tay ngày em lên đường. Em viết thư hờn giận vì tôi đã không giữ lời hứa.

Thế rồi, chiến tranh ngày càng ác liệt. Các xã biên giới của huyện Vị Xuyên là điểm nóng. Nhiều trường phải đi sơ tán, xa khu vực biên giới. Các thầy cô giáo ngừng lên lớp cùng dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men phục vụ chiến sỹ. Làng bản, lớp học bị pháo giặc bắn tan hoang. Học sinh ngừng đến trường. Các xã vùng giáp biên giới phải đi sơ tán. Có trường trở thành địa điểm tập kết hàng hóa, nhu yếu phẩm cho bộ đội. Nhiều ngày phía bên kia bắn rát, xối xả, mọi người phải trốn trong hang núi, hoặc xuống hầm trú ẩn.

Có lần, Xuân viết thư kể chuyện đi hái chè trên núi cao. Em kể về những cây chè cổ thụ, mọc hoang trong rừng, trên núi đá. Thân cây mốc trắng, tán lá sum suê. Búp chè xòe ra đón sương giá vùng cao. Lá chè mập mạp, nhấp vào có vị đậm chát, ngọt. Cái chảo nhỏ, bắc trên mấy viên đá, củi lửa bập bùng. Ngọn búp chè non mỡ màng, mềm dần, biếc xanh cho đến khi bay hết hơi nước bắt đầu chuyển màu vàng nhạt. Chúng quấn quyện vào nhau như những chiếc móc câu. Thức trọn đêm mới sao xong một mẻ chè ngon. Em còn đùa tôi bảo, em cũng giống như búp chè, mới đặt lên môi sẽ chát nhưng dư vị còn mãi ngọt ngào.

Chỉ có vùng núi đá cao Vị Xuyên mới có loại chè này. Đêm biên cương lạnh lẽo. Vắng tiếng súng. Những người lính nhớ nhà, nhớ quê hương, họ ngồi thu lu trong hang núi tán gẫu. Người lặng lẽ sao chè. Những khi im tiếng súng, thời gian như ngưng lại. Tiếng than củi lách tách, hoang vu.

Tranh thủ chuyến công tác trước khi đi học lớp chuyên tu, tôi lên tìm em. Từ thị xã Hà Giang, tôi phóng chiếc xe đạp cà tàng lên hướng cửa khẩu Thanh Thủy. Quá nửa đường, tôi bị trạm kiểm soát quân sự giữ lại. Đây là khu vực chiến sự. Cây cầu cứng lên biên giới đã bị đánh sập. Bao ngọn núi loang lổ vết đạn pháo. Những chiếc xe quân sự, được ngụy trang kín, đỗ nép lề đường hay ven các chân núi. Không có một lý do nào hợp lý, tôi đành quay về. Lòng trĩu nặng. Thư cho Xuân, tôi vẫn khao khát mong được gặp em, nói với em những lời từ trái tim mình. Những câu nói bâng quơ, bóng gió ít nhiều em đã hiểu tình cảm của tôi. Tôi yêu em. Thú thực, Xuân cũng có cảm mến giận hờn vu vơ, chứ chưa phải của riêng tôi. Nhớ thương em, tôi đặt trong tim mình, một chuyến thăm em bất ngờ. 

Tiếng súng ở biên giới tạm lắng, cũng là ngày tôi tốt nghiệp hệ chuyên tu. Việc đầu tiên là ngược Thanh Thủy tìm em. Dù sao tôi cũng muốn biết vì sao, thư đi thì có, thư về thì không? Vẫn chiếc xe đạp cũ mượn của bạn, tôi lần theo địa chỉ tìm em. Điểm trường Lũng Mây nằm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh. Đã có ba lớp học và ba cô giáo. Thấy tôi bước vào, cả học trò và cô giáo đang trong giờ học, ùa ra đón. Tôi hình dung ra giây phút này. Xuân sẽ bất ngờ lắm. Em sẽ reo lên và giang tay đón tôi vào lòng. Tim tôi loạn nhịp, tràn ngập niềm vui. Nhưng không. Toàn những người xa lạ mà tôi chưa gặp họ bao giờ. Tôi hỏi tìm Xuân và bàng hoàng nghe tin em mới về quê chồng ở Gia Viễn, Ninh Bình để sinh con. Một cô giáo vừa được lên thay vào chỗ trống của Xuân. Bên các cô giáo, tôi cố trấn tĩnh rằng, mình là người nhà, tiện đường công tác ghé thăm Xuân. Thực tình, lòng tôi ngao ngán, thẫn thờ, chẳng biết đi đâu nữa.

Một dải biên cương bà con trở lại quê cũ làm ăn, sinh sống. Bản người Mông, người Dao đã có tiếng trẻ học bài. Sương mù vấn vít như tấm khăn mỏng, bao bọc những mái nhà lợp cọ. Phía xa xa là một doanh trại đơn vị quân đội, đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Gần hai trăm cây số, chẳng lẽ lại quay đầu về không? Theo giới thiệu của một cô giáo, tôi lọc cọc đạp xe theo con đường mòn, phía chân đồi, đến doanh trại bộ đội, tìm gặp người có tên Đinh Văn Trung. Bước vào đơn vị, trước mặt tôi là người chiến sỹ ấy. Một trung úy trẻ, chừng hai mươi bảy, hai tám tuổi, gương mặt tuấn tú, nước da trắng. Anh luôn vui vẻ với nụ cười thân thiện, mến khách. Trung chính là chồng của Xuân. Tôi tự giới thiệu mình là anh, con bác họ của Xuân, nhân chuyến đi công tác, ghé thăm.

Trung pha chè tiếp khách. Nước từ mạch núi róc rách chảy về hiên. Ấm nước réo sôi trên than củi. Cái ấm nước rung lên vì sức lửa. Anh đổ trong ống tre ra tay một vụm chè. Đó là chè chốt. Loại chè được người lính trên những chốt tiền tiêu sao sấy, chế biến. Nó mang thương hiệu “chè chốt” của người lính trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Từng búp chè khô roong, màu vàng nhạt, phủ lớp tuyết mỏng, trắng như sương. Những búp khô giằng giữ, níu kéo nhau rồi loong coong rơi xuống đáy ấm. Hơi nước nóng bốc lên miệng ấm. Cả không gian lan tỏa hương chè thơm nức. Trung rót nước mời khách. Nước chè sánh vàng, màu mật ong. Tôi nâng chén chè nóng, đưa lên ngang mặt. Hương chè bay, vẽ một đường hương, thơm dịu dàng. Trong hương vị chè chốt, Trung kể tôi nghe về mối tình của người lính với cô giáo.

… Một buổi chiều, Xuân theo người dân lên núi hái chè. Bỗng đạn pháo từ phía bên kia dội sang cấp tập. Tiếng đạn nổ réo rít bên tai. Những mảng núi đá bị đạn pháo xé nát, bay tung tóe. Có cây chè cổ thụ, đạn cắt ngang thân, đổ gục. Càng về tối, tiếng nổ càng chát chúa. Đạn vây lối mòn xuống núi. Họ tìm đường chui vào một hang đá tránh đạn. Rồi bóng tối ập xuống, không có đèn đuốc, hai người không dám về bản nữa.

Nghe dân bản nói về việc có người mất tích, đơn vị đã cử Trung lên hang núi tìm kiếm. Anh khoác súng, mang theo đèn pin, lần theo lối mòn, qua những nơi còn khét lẹt mùi đạn pháo. Vừa đi anh vừa gọi to: “Có ai ở đây không?” Tiếng gọi vang xa, vọng vách núi, dội vào đêm vắng tịch mịch. Ánh đèn pin, lấp lóa lia ngang khoảng tối mịt mùng. Có lúc anh vấp phải đá rơi lúc chiều chắn lối, ngã dúi dụi. Cuối cùng Trung quyết định tiến vào hang núi mà đã có lần anh tới. Trung đã gặp họ trong đói khát và hoảng loạn. Hai ngươi phụ nữ, một già, một trẻ nép bên nhau run sợ. Biết anh là ai, giữa đêm đen đặc? Anh giới thiệu mình là Trung, được đơn vị cử đi tìm người ở bản bị lạc. Biết người của đơn vị bộ đội cách bản không xa, hai người bình tĩnh trở lại. Ba ngươi lầm lũi xuống núi. Trung trở thành ân nhân cứu mạng của Xuân.

Anh đưa người dân về nhà trước rồi cùng Xuân tới điểm trường. Hai người đốt lửa sưởi rồi nhai lương khô. Chưa bao giờ miếng lương khô lại ngon thế. Lửa hắt lên vách nứa bóng hai người mờ tỏ. Họ nhìn nhau ăn như những kẻ đói khát, chết thèm. Trung xin phép về đơn vị. Xuân giữ lại, không cho về. Đã khuya lắm. Tiếng thú ăn đêm xao xác trên triền núi. Gió rít từng chập. Điểm trường chỉ có một giáo viên cắm bản. Đã bao đêm, Xuân đã ở đây một mình như thế. Khuya càng lạnh lẽo, hoang vắng đến rợn người. Và, đêm ấy đã đi qua như một mùa trăng. Run rẩy và viên mãn…

Chàng trai vừa bước vào chuyên tu đại học là tôi lúc ấy, đâu biết rằng có một tình yêu trong đạn lửa đã trở thành cổ tích của nhau.
Trước khi tôi về, Trung không quên biếu tôi món đặc sản của đơn vị. Chè chốt. Nó được đựng trong một ống tre khô, nắp kín. Vỏ ống sậm vàng, ám màu khói bếp. Trung còn khoe với tôi, Xuân rất thích uống chè. Ngày nghén, cô ấy chỉ thèm chè chốt. Có lúc, Xuân ngồi nhai chè sống, mà thấy ngọt như trẻ con nhai kẹo. Vừa rồi anh đã làm thủ tục chuyển vùng cho Xuân, kết hợp đưa Xuân về quê nghỉ đẻ. Trung phải thức mấy đêm liền để sao chè gửi về quê. Anh ghi vội địa chỉ ở Ninh Bình và đơn vị anh cho tôi. Dắt xe về, tôi ngoảnh nhìn theo tới khi bóng anh khuất vào doanh trại.

Từ ngày chồng ra quân, chị Thanh đã theo anh về Bắc Ninh. Ngôi nhà xưa của gia đình Xuân ở Tuyên Quang đã thay chủ mới. Tôi cũng chưa có dịp nào về qua Ninh Bình, nơi Xuân đang dạy học. Chuyện gia đình, vợ con, rồi công tác chuyên môn không cho tôi nhiều thời gian rảnh rỗi. Nhưng mỗi khi nghe bài hát Hành khúc ngày và đêm, tôi lại nhớ đến hai người. Hình như bài hát đó, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác cho Trung và Xuân. Tình yêu của họ xứng đáng được nhận vinh hạnh đó.

Món quà chè chốt mà Trung đã biếu, thật vô tình, tôi đã bỏ quên nơi gác bếp nhà mình. Phải chăng tôi đã vô tâm quên đi hay đánh mất quá khứ? Hình như, không chỉ riêng tôi, mà nhiều người khi cuộc sống đã đủ đầy, thường quên đi dĩ vãng. Đã khá lâu rồi, nếu không có cuộc gọi đến của chị Thanh báo tin sốc. Trung đã hy sinh khi vấp phải mìn còn sót lại nơi chiến trường xưa.

Tôi sững sờ đau đớn, như chính anh là người thân, ruột thịt của mình. Trung ơi, nước mắt tôi đang rơi xuống món quà quý của anh. Cái nét thư sinh, nước da trắng và câu chuyện cổ tích ấy làm sao tôi quên. Tôi thầm cảm ơn anh. Tự thấy mình là kẻ hèn nhát, vô tâm. Món quà quý giá của một người lính chốt mà tôi quên lãng. Dải đất biên cương chưa sạch bom mìn đã cướp đi người chiến sỹ Đinh Văn Trung. Anh hy sinh khi đứa con gái có tên Biên Thùy vừa tròn mười tuổi.

Ngày giỗ trận Vị Xuyên. Hàng ngàn người từ khắp mọi miền đất nước tụ về. Nghĩa trang, hai bên đường, dọc các lối đi xe máy, ô tô đỗ kín lối. Giữa tháng Bảy, những cơn mưa rào bất chợt đổ ào ào. Như đã hẹn với chị Thanh và mẹ con Xuân, tôi đi xe máy ngược theo Quốc lộ hai. Tôi không quên mang theo ống chè chốt kỷ vật ấy. Thương nhớ, xót xa đã đổ dồn về đây. Ai cũng lỉnh kỉnh đồ thờ cúng, hoa trái thắp hương. Có người mẹ già, các con cháu phải dìu đi từng bước. Có người vợ, tóc đã phơ phất hoa lau. Có đứa trẻ chạy lăng xăng khắp các hàng bia mộ.

Gần hai ngàn người con của nước Việt đã yên nghỉ trên một diện tích trên mười ha đất. Các anh vẫn xếp thẳng hàng trong đội ngũ. Khói hương nghi ngút và dòng người lặng lẽ, thật khó tìm nhau. Rồi tôi cũng gặp Xuân, chị Thanh và cháu gái đang ngồi quanh ngôi mộ liệt sỹ Trung. Xuân đang lau bụi bám trên mộ chí, bia đá. Không bất ngờ vì đã được hẹn trước, nhưng khi gặp tôi, em thoáng chút bối rối, ngước nhìn, bày tỏ sự biết ơn và trân trọng. Đã quá lâu, tôi không gặp em. Thời gian nhạt nhòa trên mái tóc. Tôi thấy thương em. Vẫn dáng người nhỏ nhắn, bộ đồ đen bó sát người. Mái tóc ngắn, ngang vai. Đôi mắt sáng, dịu dàng đượm nét buồn cố hữu. Biên Thùy, cô con gái đã hội tụ được nét đẹp của gái Tuyên. Cháu có đôi mắt to, trong sáng, hồn nhiên. Biên Thùy đang giúp bác Thanh sắp hoa quả và đồ thắp hương. Tôi đặt ống chè chốt ngày nào Trung đã biếu tôi bên ngôi mộ. Ống tre được mở nắp. Những búp chè ken chặt vào nhau thành một khối. Nó tựa như khúc cơm lam. Cơn mưa lại bất chợt ập xuống. Khói hương tan hòa trong nước trời.

Chiều đó, chúng tôi ngược hướng cửa khẩu Thanh Thủy. Đường thênh thang, êm như trải lụa. Con đường về xã được trải nhựa. Những vòng cua ôm vào núi, mềm mại như sóng của đất. Đường bê tông dẫn lên bản. Một vùng đồi hoang, núi vắng đã được đồng bào và người lính sau cuộc chiến đánh thức.

Điểm trường cũ nơi Xuân dạy học là đây. Phía xa, doanh trại bộ đội đã được xây dựng mới, khang trang. Khu nhà xây, mái tôn xanh lẫn vào màu xanh cây lá. Ký ức chợt hiện về trong em. Xuân bỗng loạng choạng rồi đổ sụp xuống. Đầu cô đang quay cuồng. Rồi Xuân gào khóc như đứa trẻ. Nước mắt tràn xuống hai má. Chị Thanh và cháu Biên Thùy chạy vội lại đỡ. Tiếng khóc xuyên sâu vào lòng đất. Tiếng khóc vọng lên trời biên ải, tan hòa vào mây trắng. Tiếng khóc lan như sóng, tạo phản ứng dây chuyền vào chị Thanh và đứa con gái. Cả ba người ôm nhau khóc. Một vệt mây trắng vắt qua Tây Côn Lĩnh. Tôi nghĩ, lúc này cứ để cho Xuân khóc. Tôi bất giác cầm ống chè, nghiêng xuống vệ cỏ. Những giọt nước đỏ sậm, từ cơn mưa ban sáng, chắt ra, trườn khỏi miệng ống. Màu nước chè chốt ánh lên, sóng sánh trong nắng chiều.

Sau giây phút bàng hoàng, cả ba người trấn tĩnh lại. Nắng núi vừa dịu. Biên cương trải dài màu xanh ngút ngát. Nhớ lần gặp nhau, Trung bảo sau này anh sẽ tham mưu cho đơn vị phát triển vùng chè sạch suốt dải Tây Côn Lĩnh. Anh sẽ cùng đồng đội hướng dẫn đồng bào ở đây, khoanh vùng bảo vệ và phát triển nguồn gien quý của cây chè Shan tuyết. Bao tiêu sản phẩm cho bà con và mở hướng phát triển du lịch rừng sinh thái…

Hôm nay, vợ con anh đã đến, được no mắt ngắm màu xanh ấy. Tôi nhìn ba người dắt tay nhau, hướng về một vùng chè biếc xanh lẫn vào màu của núi, lòng thấy bình an. Bình an giấu đi niềm vui của những giọt nước mắt .

Truyện ngắn: Lê Na

Tin cùng chuyên mục