Tiếng sáo

- Đã nghe tiếng sáo của Lù Sản không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần nghe, tiếng sáo dội từ trên núi cao, phảng qua các triền đá, lan tỏa không biết đâu là tận cùng, Vàng Mỉ, cái chân không muốn đi, cái tay đang làm phải dừng lại, để nghe cho đến khi tiếng sáo thôi hẳn.

Không riêng gì Vàng Mỉ, người dân Bản Cọi ai cũng say mê tiếng sáo của Lù Sản, nhất là những đêm trăng sáng. Trai gái tụ tập lại chỉ để nghe tiếng sáo, ngọt ngào, êm dịu như tiếng lòng của Lù Sản vậy. Đêm nào Lù Sản không thổi, dân bản nghĩ ngay đến, chắc Lù Sản bị mệt, phải đến thăm thôi.

Tiếng sáo trở thành nét sống thân quen không thể thiếu với người dân Bản Cọi. Dân bản nghe tiếng sáo như thấy bản mình đẹp hơn, cuộc sống vui hơn, nhìn bản làng, nương rẫy, tình người như gần gũi hơn. Tiếng sáo trở thành nguồn sống tinh thần, thân thiết, gần gũi với người dân Bản Cọi. Bao tệ nạn xã hội cũng vơi dần, đám thanh niên có nơi để thổi sáo, múa khèn, cuộc sống bừng sáng hẳn lên.
***
Lù Sản là con Mế Xủa sinh ra đã bị tật nguyền, hai chân teo lại, không sao đứng lên được, chỉ bò lết trên ván lát nhà sàn. Muốn xuống cầu thang phải có người bế. Muốn nhìn cảnh vật trên cao nguyên đá chỉ có ngồi cạnh cửa sổ, nhìn mây bay, nghe gió thổi, tiếng chim hót, không tự làm được bất cứ việc gì. Ngay cả việc đi vệ sinh cũng phải có người giúp. Nhìn bọn trẻ con cùng trang lứa trong bản, tung tăng cắp sách tới trường, Lù sản thấy tủi, ước gì mình cũng có đôi chân như thế.

Luôn đau đáu nghĩ, mình sống chỉ làm khổ bố, mẹ, anh, chị, ăn bám cả một đời sao! Sống còn ý nghĩa gì nữa, chỉ thêm cơ cực.

Lù Sản có bận nghĩ đến cái chết. Sống thế này chỉ có cái chết mới làm mọi người đỡ khổ. Thấy Lù Sản ăn ít, rồi bỏ ăn, bỏ uống người gầy rộc hẳn đi. Mế mời cô y tá của bản đến khám bệnh. Y tá khám, bảo: Lù Sản không có bệnh gì hết. Mế đoán ra ngay ý định của Lù Sản, Mế nói:

- Muốn làm con người mới khó, làm con ma quá dễ. Con định làm con ma sao? Có đáng mặt là con trai người HMông, của Mế không. Chẳng bà Mế nào sinh con ra muốn con mình thế này cả. Trời bắt tội đấy. Con đừng làm Mế phải đau lòng thêm. Người miền núi đã sinh ra trên đời không được nghĩ đến cái chết, khổ mấy cũng phải vượt qua. Con xem trên tivi đấy, có bao nhiêu người bị tàn tật, còn nặng hơn con, họ vẫn sống, vẫn tự vươn lên, làm bao nhiêu việc có ích cho mọi người. Con không thể sao?

- Mế bảo con biết làm gì bây giờ?

- Sẽ có công việc cho con, đừng nghĩ đến hai chân, vẫn còn có hai tay, đôi mắt, giầu hai con mắt, khó đôi bàn tay, con có cả mắt lẫn tay, còn không dám sống sao. Hãy làm cho phần cơ thể còn lại khỏe lên đã, Mế sẽ tìm công việc con có thể làm được, nhưng phải có quyết tâm, người ta có một con phải có mười, một trăm mới thành công được.

Lù Sản nghĩ, còn công việc gì cho mình có thể làm được đây. Người ta có đôi chân khỏe mạnh để đi, đôi tay lanh lẹ để bấu víu, leo trèo, để bò trên đá. Mình như không có chân, chỉ ngồi một chỗ biết làm được việc gì. Mế nghĩ ra việc, mình có thể làm được sao! Mế không muốn mình tìm đến cái chết, nói thế để cố sống. Sống cứ ngồi một chỗ thế này, còn làm khổ người khác nhiều đấy! Sống như đám dây leo, chỉ biết bám vào đá để sống, khi không còn đá biết bám vào đâu, Lù Sản không muốn thế. Nhưng tìm đến cái chết để Mế đau lòng, Lù Sản cũng không muốn vậy.

Lù Sản không dám nghĩ, Mế tìm ra việc có thể làm được, biết vậy trong lòng lại thấy buồn. Bây giờ Mế còn khỏe, còn giúp được, sau này già yếu, anh chị lấy vợ, lấy chồng, phải làm nuôi con, còn ai giúp nữa đây, có thương mấy cũng đành chịu. Càng nghĩ Lù Sản càng thấy cuộc đời như đã chìm vào trong đêm tối, chẳng còn chút hy vọng gì.

Thế rồi, một buổi chiều Mế đi họp ở dưới xã về bảo Lù Sản:

Mế gặp chị cán bộ, chị ấy hỏi Mế về con. Mế đã kể cho cán bộ nghe. Chị cán bộ ghi chép nhiều lắm, rồi bảo: Mế về động viên Lù Sản, đừng buồn, dưới tỉnh đang mở lớp nuôi dạy trẻ khuyết tật, đón ở khắp các bản về, chăm sóc, dạy học cho biết cái chữ, dạy các nghề hợp với khả năng và tật nguyền, chỉ cần Lù Sản chăm chỉ và quyết tâm thôi.

Minh hoạ: Hồng Kiều

Sắp đến ngày khai giảng chị cán bộ ấy sẽ về bản đón đi. Con có dám đi không?

- Con biết đi sẽ nhớ Mế, anh, chị, nhớ bản Cọi nữa, nhưng đi để học được nghề, sống có ích, khổ mấy con cũng chịu.

Ngày Lù Sản được đón đi, người Bản Cọi ai cũng mừng cho Mế Xủa và Lù Sản. Không biết có học được gì không, nhưng sống có bạn cùng cảnh như mình, cũng vui hơn, còn hơn suốt ngày chỉ biết lết đi, lết lại, ngồi bất động một chỗ. Ai nhìn thấy cũng đau lòng. Thời gian trôi, chẳng ai còn nhớ, Lù Sản đã đi bao nhiêu ngày, tháng, năm, chẳng ai còn nhắc đến tên, như quên hẳn Lù Sản rồi.

Chỉ khi có người của bản, cùng tuổi với Lù Sản, tốt nghiệp đại học được xuống tỉnh công tác, được xem đêm biểu diễn văn nghệ của lớp trẻ bị tật nguyền. Về bản kể mới biết, tiết mục được mọi người khen nhiều nhất, yêu cầu biểu diễn lại nhiều lần là “Độc tấu sáo Mèo”. Người biểu diễn ngồi trên chiếc xe lăn, quanh mình xếp đầy những loại sáo. Khi người ấy thổi, cả hội trường im lặng, chỉ có tiếng sáo vang lên dìu dặt như tiếng gió vờn trên cao nguyên , rít qua những lớp đá, như tiếng suối réo rắt chảy len theo các khe đá, tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau về tổ khi hoàng hôn xuống dần.

Khi tiếng sáo ngừng lại, người thổi sáo ngồi trên xe lăn, cúi chào mọi người, tiếng vỗ tay ào lên. Có nhiều người gào to: Thổi nữa đi! Tiết mục tuyệt vời lắm. Quê em ở bản nào, cho biết địa chỉ đi.

Người dẫn chương trình ra đứng cạnh xe lăn của Lù Sản, cúi chào mọi người, xin có nhời:

- Xin cảm ơn tất cả, thể theo nguyện vọng của nhiều người, xin có đôi lời giới thiệu về chàng trai biểu diễn “Độc tấu sáo Mèo” khúc biến tấu tự biên “Bình minh trên cao nguyên” này.

Tên em là Lù Sản, người Bản Cọi, xã Phiềng Cả. Em bị tật nguyền ngay từ khi mới sinh ra, hai chân bị teo lại, không thể đi lại được, chỉ lết đi, lết lại trên ván lát nhà sàn. Lù Sản đã nghĩ đến cái chết để khỏi làm khổ bố, mẹ và anh, chị, đi làm kiếm miếng ăn đã khó lại phải chăm sóc Lù Sản, từ việc làm nhỏ nhất.

Được đưa về tỉnh, học lớp chăm sóc, giúp đỡ trẻ khuyết tật, Lù Sản đã học xong bậc tiểu học, và đặc biệt, nỗ lực, chuyên cần tập thổi sáo mèo. Đã trên mười năm nay, Lù Sản dành tất cả thời gian có trong ngày để học cái chữ và thổi sáo. Từ lúc thổi không ra tiếng vì không đủ hơi để thổi, đến lúc thổi ra tiếng, kiên trì, miệt mài tập luyện theo năm tháng, tiếng sáo của Lù Sản mượt mà dần và đã chiếm được sự ngưỡng mộ của người nghe. Ngoài thổi sáo, Lù Sản còn đánh được nhiều loại đàn khác như đàn tính và thổi khèn. Mỗi tiếng sáo, tiếng đàn của Lù Sản được đánh đổi bằng nghị lực phi thường, bằng bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt nữa.

Lù Sản thực sự là tấm gương vươn lên từ tật nguyền trở thành người có ích cho quê hương, không cam chịu số phận thiệt thòi. Lù Sản từng tâm sự: Muốn đem tiếng sáo của mình làm cho cuộc đời này, cuộc sống này, bản làng miền núi này ngày càng thêm tươi đẹp hơn.

Xin cảm ơn tất cả những ai có tấm lòng, mến yêu chàng trai đầy nghị lực này. Đó cũng là sự động viên quý báu để Lù Sản đi tiếp trên con đường mang tiếng sáo Mèo đến mọi miền đất nước.

Nghe lời giới thiệu ấy, mọi người đều cảm động, nhiều tiếng nói vang lên: Lù Sản à! Em giỏi lắm, quê núi tự hào về em.

Chỉ sau lần chứng kiến mọi người mến yêu tiếng sáo của mình trong đêm biểu diễn văn nghệ của trẻ tật nguyền, mới thấy Lù Sản cười, nói thật vui, vẻ mặt rạng rỡ hẳn lên. Lù Sản thấy cuộc đời không còn vô nghĩa nữa.

Căn phòng Lù Sản ở, khách đến chơi nhiều lắm, còn cho quà, có người cho cả tiền nữa. Lù Sản dồn tất cả quà và tiền đưa lại cho cô giáo chủ nhiệm chia đều cho các bạn. Lù Sản nghĩ: không biết bao nhiêu năm, tháng, chỉ biết nhận sự giúp đỡ của người khác, giờ nhờ tiếng sáo trải qua bao ngày khổ luyện đã kiếm được quà, cả tiền giúp các bạn cùng cảnh. Cuộc sống của mình không còn tăm tối nữa rồi.

Mế và người bản Cọi biết mình nhờ tiếng sáo được nhiều người yêu mến chắc mừng lắm đây. Những năm tháng qua Lù Sản luôn đau đáu nỗi niềm nhớ quê nhưng không dám đòi về. Về vẫn chỉ là đứa trẻ tật nguyền, không làm được gì, dân bản chỉ thương hại thôi, vui sao được. Càng nhớ bản Cọi, Lù Sản càng chăm chỉ tập luyện. Giờ có thể về bản được rồi. Lù Sản không còn là đứa trẻ có cuộc đời khốn khổ nữa. Về bản Lù Sản sẽ dậy trẻ con, thanh niên trong bản biết thổi sáo như mình. Nghĩ thế, Lù Sản càng nóng lòng muốn về quê.

Người bản Cọi được xem chương trình văn nghệ trên đài truyền hình tỉnh. Được nghe, rồi nhìn thấy Lù Sản ngồi trên xe lăn thổi sáo, tiếng sáo vi vút vang lên, ai cũng náo nức đến tận nhà Mế Xủa bảo: Xuống tỉnh đón Lù Sản về, cần người đi cùng sẽ có người giúp.
Sau nhà Lù Sản ở có thềm đá cao hẳn lên. Ngồi trên đó có thể nhìn khoảng rộng mênh mông, lô xô những bãi đá cao thấp, những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong vườn cây trái, những khu rừng tít tắp trên núi cao, trải rộng khắp các bản ở xã Phiềng Cả.

Khi biết tin sẽ đón Lù Sản về, thanh niên các bản đã đến làm con đường nhỏ lên thềm đá, chọn chỗ cho Lù Sản ngồi thổi sáo, đánh đàn. Chỗ cho người khác ngồi nghe và học thổi sáo. Ngồi ở chỗ đó thổi, tiếng sáo sẽ vang xa lắm, đến tận cùng các bản ấy. Thấy bọn trẻ háo hức thế, Già Bản bảo:

- Bọn bay phải noi gương anh Lù Sản mà chăm chỉ học. Bây giờ không còn đói nghèo nhiều nữa, phải tự tạo ra niềm vui cho mình, đừng nghe nhờ của người khác nữa. Hay đấy, nhưng là của người ta, nghe nhờ mãi sao được. Phải là của mình mới bền, mới chắc được.

Truyện ngắn: Trần Huy Vân

Tin cùng chuyên mục