Cuốn tiểu thuyết đã kể lại chi tiết thời gian cậu bé Côn (Nguyễn Tất Thành) sống với cha và anh, chị ở quê nội - làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tuổi thơ nhiều vất vả, thiếu thốn, nhưng cậu luôn nhận được sự dạy dỗ nghiêm khắc cũng như sự quan tâm, yêu thương của cha. Bên cạnh đó là tình yêu của bà ngoại, anh, chị và những người hàng xóm tình cảm, trọng đức, trọng tài của gia đình Cụ Phó Bảng. Những lần được giúp cha tiếp khách là những nho sỹ yêu nước đã hun đúc trong cậu bé Côn tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc.
Đặc biệt, với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, tính cách cương trực, cậu đã tiếp nhận những lời cha dạy một cách sáng tạo cùng với nhận định và quan điểm riêng của mình. Qua cách làm của các chú, những nho sỹ yêu nước đi trước, Côn đã dần nhìn thấy những hạn chế, điểm chưa triệt để để tự mình rút kinh nghiệm và tìm ra con đường đi cho mình. Cậu đã trả lời cha khi được hỏi về việc Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật để đánh đuổi Pháp cứu nước: “Cha đã dạy đừng có hy vọng gì ở Nhật, Nhật tuy rất hùng cường, nhưng chẳng nên “đuổi cướp cửa trước, lại rước giặc cửa sau”.
Dù cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc luôn tạo điều kiện cho Côn và Khiêm ăn học đầy đủ. Cậu được học chữ Quốc ngữ, học tiếng Pháp và cảm thấy rất sung sướng, luôn cố gắng tiếp thu đầy đủ nhất những gì có thể từ cha, các anh đi trước, các thầy giáo. Bởi thực tế giúp cậu hiểu rằng, muốn đánh đuổi Pháp phải hiểu về nước Pháp, con người Pháp và dựa vào chính mình chứ không thể dựa vào người khác. Con đường cứu nước còn ở phía trước, nhưng chính việc nhận thức đúng đắn, sâu sắc đó đã dẫn đường, nung nấu trong cậu quyết tâm ra đi…
Khi được một người bạn hỏi, ra đi cậu sẽ làm gì để sống, tiền đâu? Nguyễn Tất Thành đã đưa hai bàn tay ra và nói dứt khoát: “Không sao hết! Đây, tôi sẽ sống được bằng cái này…” Để rồi, ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, với cái tên Nguyễn Văn Ba làm nhiệm vụ “bồi” và phu đốt lò, phu dọn vệ sinh… Nguyễn Tất Thành đã lên tàu sang Pháp, bắt đầu cho cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước.
Với quá trình khai thác tư liệu nghiêm túc, công phu và cách viết chân thực, sinh động, nhà văn Hồ Phương đã viết cuốn tiểu thuyết “Cha và Con” với cả tấm lòng mình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là những tư liệu quý cho ai muốn tìm hiểu sâu về thân thế của Bác.
Gửi phản hồi
In bài viết