“May mà còn quê, còn lối trở về…”
“Ta chạy về như ngọn gió cạn cùng sức lực.
Sà xuống dòng Lô để vợi đi cơn khát.
Gột rửa con tim lầm lạc.
“May mà còn quê, còn lối trở về…”
Không phải ngẫu nhiên trong tập thơ Vườn của mẹ, nhà thơ Nguyễn Hồng Hải đã cẩn thận, nắn nót viết tay tặng độc giả những câu thơ này làm đề từ. Dường như, quê hương và tình người miền núi là niềm trăn trở, hối thúc anh cầm bút và nó cứ trở đi trở lại mãi trong từng sáng tác của anh.
Anh sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Lạc (Sơn Dương), tháng năm học tập rèn luyện, phấn đấu, Nguyễn Hồng Hải hiện là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II tại TP Hồ Chí Minh. Trải qua biết bao thăng trầm, chìm nổi đời người thế nhưng trái tim, tâm hồn anh vẫn luôn giữ được cân bằng bởi nhà thơ đã tìm được điểm tựa từ quê hương.
Với cách cảm riêng và một tình yêu quê hương tha thiết, Nguyễn Hồng Hải miêu tả bức tranh quê thật đẹp và hiền hòa. Kỷ niệm con đường làng, dòng Lô xanh biếc được nhắc đến bỗng chốc ngập tràn bao kỷ niệm trong tâm hồn người con xa xứ. Quen thuộc quá, yêu thương nhiều quá! Tất cả khiến anh thốt lên trong trạng thái xúc cảm nhớ mong, luyến tiếc: “Tuyên Quang, Tuyên Quang/Những con đường như máu chảy trong tim/Đi suốt cuộc đời không thể nào quên được/Chiều tìm về sông Lô ngập ngừng bến nước/Nào có ai đợi ta mà cứ bồi hồi”.
Hai chữ “Tuyên Quang” thân thương đến vậy. Đó là cội nguồn sức mạnh trong thi ca cũng như trên đường đời anh bước. Tình cảm ấy lặn vào máu thịt, tiềm thức của thi sỹ và lan tỏa từng ký tự. Một vốc đất thôi cũng đủ nhen lên niềm khát bỏng, cũng đủ thấy mạch máu mình hòa cùng mạch máu quê hương.
Thi nhân chầm chậm dẫn lối người đọc đến với những cung bậc xúc cảm. Anh chầm chậm trở về quê nhà bằng tiềm thức, bằng trái tim đứa con bao năm lưu lạc xa quê, ước được bé lại thêm lần nữa. Trái tim người đọc quặn thắt, rưng rưng trong niềm xúc cảm khi tác giả cứ đi theo hình ảnh ngày bé dại của mình và năm tháng thanh xuân của mẹ: “Con lặng lẽ đi tìm khắp khu vườn/Bàn chân ba mươi năm sau lại dẫm lên dấu chân thời thơ nhỏ/Đâu khóm cỏ mần trầu ngày xưa con vẫn tìm giúp mẹ/Ba mươi năm con chả thể nào quên mùi hương nhu quện lẫn mùi lá sả/Trong tay con đứa trẻ lên mười” (Vườn của mẹ).
Về quê là về lại khu vườn của mẹ, có “cỏ mần trầu, lá bưởi, lá sả, hương nhu và bồ kết”, có “giếng nước đá ong mát lạnh góc sân”, có “lu nước trong veo mỗi sớm mai hoa ngâu thả kín”. Về quê là về với những câu chuyện quê. Câu chuyện tháng ba ngày tám, con tôm cái tép, quả cà mớ rau... Tất cả là kỷ niệm, là dòng nước mát lành tưới tắm tâm hồn để anh cảm nhận sự may mắn, an yên khi có điểm tựa vững chãi ấy: “Những buồn vui tưởng mưa rừng chớp bể/Hóa nhỏ nhoi/Bên bóng mẹ cuối chiều” (Mẹ).
Phút giây chiêm nghiệm
Cái cách mà Nguyễn Hồng Hải toát lên trong sự giao tiếp chuyện trò với người đối diện đó là một người hiền lành, lịch lãm và tình cảm. Và khi lần giở trang thơ của anh, người đọc mới thực sự cảm nhận được sự sâu nặng nghĩa tình và trái tim ấp ám của người đàn ông bước qua biết bao gió sương cuộc đời.
Thi sỹ Nguyễn Hồng Hải xuất thân sinh viên Văn khoa, trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), làm thơ từ thuở đôi mươi. Năm 21 tuổi anh đã có tập thơ đầu tay Lời yêu của đá (NXB Thanh niên, 1991), được lan truyền rộng rãi trong giới sinh viên ngày đó. 18 năm sau, lắng đọng và sâu đằm hơn, anh in tập thơ thứ hai mang tên Mùa ban mai (NXB Hội Nhà văn 2009). Gần đây, khi bước qua tuổi 50, câu chữ của Nguyễn Hồng Hải được chắt chiu, tinh lọc để rồi nhiều độc giả bất ngờ khi anh cùng một lúc công bố hai tập thơ: Vườn của mẹ (tập mới gồm 58 bài) và Thơ Nguyễn Hồng Hải (tuyển tập, gồm 81 bài).
Trong giới văn chương, nhiều nhà phê bình đã dành rất nhiều lời khen cho thi sỹ. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói rằng, thơ Nguyễn Hồng Hải là chất lãng tử hào sảng, nồng nhiệt và phiêu bạt. Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhắc đến Nguyễn Hồng Hải là nhớ đến câu chữ với ân tình sâu nặng quê hương của một đứa con phương xa luôn khắc khoải một ngày trở về, luôn đong đầy những hoài niệm cũ. TS Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ nhận xét, tình yêu quê hương, nỗi cô đơn phong trần và chất giang hồ lãng tử đã làm nên một vẻ đẹp riêng cho thơ của Nguyễn Hồng Hải.
Đi nhiều, học nhiều, trải nghiệm được nhiều điều thế nhưng tận cùng trong tâm hồn người con xa xứ ấy vẫn luôn mang nợ với miền quê nghèo vẫn chưa bao giờ quên được “Giấc mơ về ngôi nhà cũ”: “Chiều nay, em ơi quay quắt nhớ/Trong nỗi nhớ khắc khoải hiện về ngôi nhà cũ/Ngôi nhà vách đất lợp ngói lẫn mái lá”.
Nguyễn Hồng Hải cũng sống chậm để nhìn lại mình, lặng lẽ chiếu rọi mình qua thơ. Tưởng chừng như thi sỹ như mãi mãi muốn làm một đứa trẻ giữa vòng tay quê hương: “Cũng từ gốc rạ lớn lên/Phù du phiêu bạt khắp miền bể dâu/Tóc xanh giờ đã chuyển màu/Nghe hương rơm rạ gọi nhau tìm về (Không đề 1).
Tự sự về cuộc đời ở tuổi “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, với người xưa đến tuổi này đã có thể an nhiên tự tại. Người nay “bấm đốt ngón tay đếm thăng trầm được mất” vẫn thấy “tuổi năm mươi như dấu hỏi giữa trời”. Nguyễn Hồng Hải đã treo lên dấu hỏi đó ở tập thơ mới của mình. Dấu hỏi làm mũi tên dẫn lối, đưa nhà thơ trên hành trình “đi và về”. Dấu hỏi ấy khiến tác giả chậm rãi, điềm tĩnh nhìn lại và bỗng nhận ra hữu hạn cuộc đời và sự rộng lớn sự đời, nhân sinh: “Hai mươi tuổi ngỡ tưởng mình giàu có/đặt cược thanh xuân mua bán cả thiên hà” sang hôm nay “tuổi năm mươi như con thuyền trong bão/bến bờ nào cũng thăm thẳm trùng khơi”.
Hành trình trở về quê hương qua thi ca của Nguyễn Hồng Hải là nỗi niềm thăm thẳm tình yêu dành cho mẹ cha, anh chị em, cho người láng giềng thân quen... Ở đó ngập tràn kỷ niệm mà chỉ cần nhắc đến thôi đã chạm được, đánh thức được ký ức êm đềm của thi sỹ. Và cứ thể mạch thơ, dòng thơ cứ tuôn chảy qua một tâm hồn đẹp và một trái tim nhiều rung cảm…!.
Gửi phản hồi
In bài viết