Tìm hướng đi riêng và khác lạ

- Inrasara là một nhà thơ đương đại mà ngay khi xuất hiện trên thi đàn, ông đã được giới phê bình văn học quan tâm và đánh giá như một hiện tượng văn học mang dấu ấn của hậu hiện đại. Vừa qua, ông có buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về sáng tác văn chương cho các văn nghệ sỹ xứ Tuyên. Inrasara truyền cảm hứng cho văn nghệ sỹ xứ Tuyên về con đường đi tìm cái mới, tìm cho mình hướng đi riêng, khác lạ trong thi ca.

Nhà thơ Inrasara trao đổi kinh nghiệm sáng tác văn học cùng các hội viên tại Hội VHNT tỉnh.

Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại làng Chăm Chakleng thuộc tỉnh Ninh Thuận. Ông chia sẻ, họ Phú là do nhà Nguyễn đặt cho người Chăm, còn bút danh Inrasara lại là một kết hợp khác: Inra là họ, còn Sara có nghĩa là “muối”.

Nhà thơ Inrasara từng được bầu là nhân vật văn hóa năm 2005, từng gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như Pháp, Úc… Ông hiện là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số với công việc nghiên cứu văn hóa Chăm, làm thơ, viết văn, dịch và viết tiểu luận - phê bình văn học. Nhắc đến Inrasara có người cho rằng ông là nhà thơ “cách tân nhất hiện nay”. 

Inrasara là đứa con của dân tộc Chăm nên thơ ông chuyên chở một hồn Chăm đầy thiêng liêng, bí ẩn với những cách tân nghệ thuật độc đáo.

Nhà thơ Inrasara thường xuyên được mời tham dự buổi trao đổi kinh nghiệm sáng tác cho các văn nghệ sỹ và người yêu thơ trong nước. Đến với Tuyên Quang, tại buổi tập huấn sáng tác văn học, nói về chủ đề thơ ca, tác giả đã khái quát được bức tranh thi ca Việt Nam qua các giai đoạn. Đồng thời bóc tách cụ thể, chi tiết về trào lưu cách tân thơ Việt cũng như trào lưu thơ hậu hiện đại.

Xuyên suốt trong quá trình trao đổi, Inrasara đặc biệt khuyến khích người viết cần dấn thân tìm tòi, thể nghiệm những cái mới, sáng tạo đầy cá tính. Những người làm thơ đừng sống co cụm trong đám ruộng nhỏ bé của mình. Hãy dấn thân, chinh phục, trải nghiệm và thay đổi bởi trong nghệ thuật, tuy không phải cái mới nào cũng hay nhưng chắc chắn cái hay nào cũng mới.

Ông khẳng định, thời kỳ đất nước đổi mới thì văn chương, trong đó có thơ cũng cần đổi mới mạnh mẽ, quan niệm thơ cũng phải khác. Hơn nữa, yêu cầu sáng tạo của văn học nghệ thuật là không cho phép người làm thơ cứ đi mãi trên con đường có sẵn và mòn vẹt dấu chân người. Đúng như nhà văn Nam Cao từng thể hiện quan điểm nghệ thuật của mình trong truyện ngắn Đời thừa: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Văn nghệ sỹ mỗi chúng ta cần thừa hưởng quan điểm sáng tác đó để tạo nên những tuyệt phẩm mang tính “đào sâu”, “khơi những nguồn chưa ai khơi” và “sáng tạo những gì chưa có” .

Bên cạnh đi tìm cái mới riêng mình thì người sáng tác cần thường xuyên khiêm nhường học hỏi nhiều hơn, đọc nhiều hơn để mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết. Bởi không tự phát triển bản thân sẽ không thể có tác phẩm lớn. Người viết cũng cần chấp nhận đi xuống tận cùng nỗi cô đơn của sáng tạo: tầng cô đơn thứ ba. Cô đơn trước, trong khi viết, cô đơn cả sau khi tác phẩm đã ra đời. Nỗi cô đơn được coi như là nơi cư trú của người sáng tạo. Người nghệ sĩ phải luôn vươn tới nhưng cũng phải biết trở về trú ngụ trong nỗi cô đơn. Đây là điểm mới mà không phải người sáng tác nào cũng ý thức rõ.

Trả lời câu hỏi thảo luận của hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang về nhiều bài thơ thuộc dòng thơ hậu hiện đại khó đọc, khó hiểu, làm sao để cảm nhận? Nhà thơ Inrasara cho biết: Để hiểu và cảm nhận được một bài thơ, người đọc phải dùng hệ mỹ học để quy chiếu, từ tứ thơ, ngôn từ, thi ảnh và sự cảm nhận tình cảm mà tác giả muốn biểu đạt. Nghĩa là người đọc trong thời đại mới cũng cần chuyển mình, có sự đổi mới, cần nâng cao khả năng cảm thụ, trình độ để cảm nhận bài thơ mới, lạ một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Tác giả Vũ Mạnh Tữ, hội viên Phân hội Văn học Tuyên Quang chia sẻ, nhà thơ Inrsara đã truyền cảm hứng sáng tạo, cách tân và đổi mới, thổi “luồng gió” mới cho văn nghệ sỹ xứ Tuyên. Đây là một buổi trao đổi kinh nghiệm quý báu để các tác giả Tuyên Quang nhìn nhận và thay đổi để từng bước hoàn thiện phong cách sáng tác.

Như quan điểm của Inrasara, nhà thơ làm thơ phải như trẻ con học nói những lời đầu tiên, mới mẻ, thiêng liêng. Trên dòng sông thi ca, tất cả mọi người cần có trách nhiệm sáng tạo cái mới, cái hay, cái đẹp để làm giàu cho tâm hồn chính mình và tâm hồn của các thế hệ độc giả.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục