Cây văn xuôi Quang Khánh

- Trên chuyến xe đi thực tế sáng tác do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức gần đây, tôi thấy anh Bùi Quang Khánh, sinh năm 1961 - cây văn xuôi của Chi hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh rất dí dỏm, vui tính. Đi đến đâu anh cũng cố gắng quan sát, lắng nghe, tìm chủ đề, mạch viết cho tác phẩm mới. Với anh Quang Khánh viết văn xuôi là phải có cốt truyện, hình tượng nhân vật rõ nét, chuyển tải một thông điệp rõ ràng. Qua chuyến đi bổ ích này anh khoe tôi mới ra lò tác phẩm bút ký “Đường thêu Bản Lục”, đăng trên Báo Tuyên Quang Cuối tuần, được bạn đọc đón nhận tích cực.

Quang Khánh sinh ra và lớn lên trên quê hương Hoàng Khai (Yên Sơn), nơi có những cánh đồng lúa bát ngát, trại cá giống mênh mông, đồi chè xanh mướt. Vùng nông thôn trù phù này đã hun đúc lên con người Quang Khánh từ nhỏ, mộc mạc mang phẩm chất của người nông thôn. Lớn lên anh thi đỗ vào học tại Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên. Rồi sau này anh làm Trưởng khoa Tài chính, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tuyên Quang.

Nghề nghiệp chính của anh là những con số kế toán, thống kê, đào tạo ra biết bao thế hệ học sinh trong và ngoài tỉnh. Cái nghề tưởng chừng như trái ngược với nghiệp văn lại ấp ủ một cây viết tiềm năng. Nói như nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Chi hội trưởng Chi hội Văn học - Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, lúc đầu anh Quang Khánh viết không nhiều, song càng ngày càng tích cực. Anh Quang Khánh có thể làm thơ, viết bút ký, nhưng sở trường vẫn là truyện ngắn. Anh đã viết là có chuyện. Nghỉ hưu anh Quang Khánh có thời gian hội hè, xâm nhập thực tế nhiều hơn nên mạch viết lên tay.

Anh Quang Khánh tên đầy đủ là Bùi Quang Khánh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh từ năm 1998. Đến nay, anh sáng tác được nhiều truyện ngắn, bút ký. Nhưng tập truyện ngắn để lại nhiều tiếng vang nhất vẫn là “Vọng khúc người lính” do Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 2018. Cuốn sách quy tụ 10 truyện ngắn đặc sắc của Quang Khánh: Chuyện của nó, Những nửa hy sinh, Yêu muộn, Hốc lõm, Nắng về từ cõi vắng, Miền, Người sống, Mùa trăng hạ tuần, Giỗ cha nuôi. Trong các truyện này chủ đề về người lính vẫn bao trùm. Anh Quang Khánh cho biết, 3 năm đi lính nằm ở chốt cao trên tuyến biên giới Hà Giang đã tạc vào khối óc anh những kỷ niệm sâu sắc của đời lính. Như tác phẩm “Yêu muộn” đăng trên Tuần báo Văn nghệ -Hội Nhà văn Việt Nam phản ánh một thực tế đó. Chiến tranh phía Bắc nổ ra, những người ở cái tuổi “sắp phải lấy vợ” như Quang Khánh phải ra trận. Sau trận mạc trở về, “yêu muộn” cũng là một chủ đề lớn của các cựu binh. Tuổi thanh xuân đi qua, cống hiến cho Tổ quốc, yêu muộn song vẫn vui, vẫn hạnh phúc.

Vọng khúc người lính là tuyển tập truyện ngắn tiêu biểu của Quang Khánh.

Trong giới văn chương, anh Quang Khánh thường đọc và bị ảnh hưởng trước bút lực của nhà văn Nam Cao, Nguyễn Tuân. Ở văn đàn tỉnh anh thích giọng văn thơ Mai Liễu, Tạ Bá Hương. Anh thường xuyên cộng tác với Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Tuyên Quang, Tạp chí Tân Trào. Anh Quang Khánh tâm sự, anh viết là đam mê, khẳng định cái tôi cá nhân. Viết để học hỏi, trưởng thành, viết với anh cũng là giải trí, đàm đạo văn chương. Anh từng giành giải C Cuộc thi viết về thiếu nhi Tuyên Quang. Gần đây anh được trao giải nhì với tiểu phẩm “Tính Cong” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Theo anh Quang Khánh, “Tính Cong” là một vấn đề cần bàn nghiêm túc trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Những thuật toán tài chính anh còn lạ gì “tính cong” là một kiểu ăn gian của cán bộ cơ sở cần bị lên án. Yêu con số trung thực, yêu nét bút bay bổng, anh Quang Khánh đã thể hiện tác phẩm “Tính Cong” thật thành công.

Nhiếp ảnh gia Phi Khanh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tỏ ra rất vui khi có người bạn Quang Khánh học cùng lớp hồi phổ thông giờ lại cùng nhau trong mái nhà chung văn nghệ sỹ xứ Tuyên. Hàng ngày thấy Quang Khánh xách giỏ đi câu là Phi Khanh đoán ngay ông bạn sắp có một truyện ngắn ra đời.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục