Nhà văn Bảo Ninh, người viết lời giới thiệu cho tác phẩm nhận xét, “phóng khoáng, mạnh bạo, dạn dĩ, không tự gò mình vào những khuôn phép văn chương, không tránh né những chông gai hầm hố của hiện thực từng có trong số phận con người và trong lối sống xã hội một thời, nhưng cũng không tô vẽ, bôi đen phủ hồng sự thật. Tóm lại chân thực, hồn nhiên, tự nhiên nhi nhiên...”.
“Quân khu Nam Đồng” là câu chuyện về những đứa trẻ trong khu gia binh lớn nhất Hà Nội liên kết lại để chống chọi sự thách đấu của những nhóm “anh chị” khác ở khu này khu nọ, tụ bầy tụ bạn mà nên, để thỏa chí “yêng hùng” tuổi trẻ, để chứng tỏ mình con nhà lính. Hai tiếng “quân khu” chỉ được gọi riêng cho khu gia binh Nam Đồng là dấu vết riêng của một thế hệ trai trẻ sống ở đó, mà cũng là dấu vết chung của Hà Nội một thời đạn bom, một thời hòa bình.
Những nhân vật như Việt, Hòa, Thái đen, Hoàng, Khanh hay Hà Tư... với những trò nghịch ngợm “đi vào lịch sử”, góp phần tạo nên đặc hiệu “Quân khu Nam Đồng” nổi tiếng một thời. Đã có những trận đánh nhau sứt đầu mẻ trán để có người phải vào tù, lãnh án. Đã có những mối tình bật cười và day dứt tuổi học trò. Đã có... rất nhiều chuyện mà ai từng qua thời đi học đều có.
Chỉ cần nói “quân khu Nam Đồng” là đủ cho một đời và một thời. Một thời chiến tranh, một lớp trẻ vắng cha mẹ đã tự sống, tự lớn, dẫu có những hung hăng niên thiếu nhưng không bao giờ quên mình là con nhà lính.
Một đời trải những tháng năm khôn dại trưởng thành biết sống đúng phẩm chất con nhà lính, mà những trải nghiệm đầu đời lính quân khu tự gọi, tự phong đã mang theo cả sự tự hào và trách nhiệm.
Nhận xét về tác phẩm này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gói gọn: “Đọc Quân khu Nam Đồng là đọc tâm tư cả một thế hệ”. Chẳng thế mà chỉ trong gần 5 năm kể từ khi sách ra mắt bạn đọc lần đầu tiên, “Quân khu Nam Đồng” đã được tái bản 15 lần và trở thành một hiện tượng cho văn học Việt Nam thời kỳ này.
Gửi phản hồi
In bài viết