Vị Tết

- Một cái Tết Nguyên đán nữa lại đang về với biết bao cảm xúc khó diễn tả thành lời. Trong cảm nhận của bọn trẻ vùng cao, hương vị Tết dường như có thể sờ thấy, chạm vào.

Vào tuần cuối cùng trước khi Tết có lẽ mãi là những ngày không thể nào quên của trẻ nhỏ. Ngày ấy, không ai bảo ai bọn trẻ đều tự rủ nhau vào rừng lấy lá dong để gói bánh chưng xanh. Chúng lùng sục cả buổi trên rừng mặc cho vắt cắn, muỗi đốt. Thậm chí cái bụng đói cồn cào chúng vẫn háo hức vì nghĩ đến chiếc bánh chưng sẽ được thưởng thức trong đêm giao thừa. Lấy lá dong về, chúng lại kéo nhau ra bờ sông, bờ suối rửa từng chiếc lá trong cái lạnh tê tái của mùa đông vùng cao. Mặc cho bàn tay lạnh cóng, bờ môi khô rát..., chúng vẫn hồn nhiên cười đùa hết cỡ cho đến khi môi đứa nào cũng rỉ máu vì nứt nẻ. Có sao đâu, bởi Tết bọn trẻ mới thực sự được ăn ngon, mặc đẹp.

Đúng thế. Chỉ Tết chúng mới có quần áo mới. Có đứa, cứ ngày ngày mang bộ quần áo ra ngắm rồi lại cất đi và đếm ngược thời gian chờ sáng mồng Một. Cái ngày đó sao mà lâu đến thế! Ngày nào cũng thế, cứ sáng thức dậy, dù bố mẹ không bảo nhưng chúng cũng tự lấy chổi quét sân, quét cổng cho đến khi nền đất sáng bóng, không còn một cọng rác... Vậy mà Tết vẫn chưa đến!.

Những gia đình nào nuôi nhiều lợn, thì cả nhà phải dành mấy ngày để chuẩn bị đủ lương thực cho đàn lợn. Nào củi để đun cám lợn. Nào cây chuối rừng để đủ cho lợn ăn ít nhất 3 ngày Tết. Chỉ khi nào đống củi cao bằng đầu bọn trẻ, những cây chuối có thể đóng thành mấy cái mảng, thì lúc ấy là Tết đến.

Niềm vui của trẻ nhỏ cũng là nỗi lo của người lớn. Trong câu chuyện của bố mẹ bọn trẻ hóng được, nào là đàn lợn bán đi chắc cũng đủ sắm Tết. Nhà mình để lại một con ăn Tết. Năm nay nhà mình mổ lợn sớm để gói bánh chưng, còn mang ra phần mộ tổ tiên thắp hương, mời ông bà về ăn Tết. Mình nghèo nhưng vẫn phải chu toàn...

Tết chúng tôi không thấy mẹ có quần áo mới. Mẹ bảo mẹ già rồi, quần áo mới chỉ bọn trẻ con mới mặc thôi. Chúng tôi vẫn hồn nhiên tin thế và hưởng trọn vẹn những cái Tết trong biết bao khó nhọc của mẹ, mà chỉ sau này lớn lên tôi mới hiểu.

Những ngày này, đường phố dường như đông hơn. Các chợ cũng nhộn nhịp hơn bởi người mua, người bán, bởi cả những mặt hàng phục vụ Tết. Trong sự nhộn nhịp ấy, chúng ta dễ bắt gặp những ánh mắt lo âu, khắc khoải của những người bán hàng dong. Những mong hàng hóa vơi đi để cái Tết đủ đầy hơn. Nỗi niềm ấy còn đặt cả trong dòng người sắm Tết. Nào là, Tết này vợ chồng thằng con cả về ăn Tết; hay Tết này đón các cụ ở quê ra chơi... Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đó còn là một cái Tết chất chứa khoảng trống không thể lấp đầy bởi thiếu vắng một người thân, mãi mãi...

Vị Tết - có lẽ đầy đủ nhất trong từ đoàn viên. Một từ thôi nghe dường như đơn giản nhưng hàm chứa trong đó bao cảm xúc của tình yêu, tình thân và những giá trị cốt lõi của gia đình. Cũng bởi thế, Tết với người Việt luôn khắc khoải trong nhịp đập mỗi con tim!

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục