Nhìn những cuốn lịch tôi lại nhớ cái Tết năm ấy (cũng thật lâu lắm rồi) ngồi xé lịch sau khi xem bà và mẹ chẻ lạt để chuẩn bị gói bánh chưng Tết, vì muốn nhanh Tết đến nên tôi đã xé trước vài tờ. Tôi đang lúi húi xé thì bị mẹ phát hiện mắng cho một trận, vội chạy nhanh ra nép sau lưng bà. Bà xoa đầu tôi nở nụ cười hiền…
Chao ôi, ước gì được quay về cái ngày xưa ấy, nhớ lắm hương vị Tết xưa. Vẫn là vị Tết đó thôi, nhưng Tết quê xưa mang hương vị riêng biệt. Bởi vậy tôi mới nhớ đến nao lòng cái Tết quê mình ngày xưa ấy, nhất là nhớ hương vị bánh chưng Tết, thơm ngon đến tận bây giờ.
Ngày ấy, chẳng nhiều thì ít, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là nhà nào cũng nhất định phải có nồi bánh chưng thì mới gọi là có Tết. Trước là để cúng tổ tiên, vài chiếc để mang đi biếu, sau là bày ra cho mâm cỗ những ngày xuân đủ đầy hương vị quê hương. Và hơn thế, cũng bởi cái ấm áp tròn đầy của thứ bánh truyền thống này đã trở thành một đặc trưng cho cả nước Việt mình.
Minh họa: Cảnh Trực.
Hồi còn đi học, đứa nào mà chẳng biết đến sự tích bánh chưng - bánh giầy Lang Liêu. Rồi có đứa chăm chỉ hơn thì còn tìm đọc cả những đoạn tản văn nói về gói bánh chưng biết bao thi vị. Lúc ấy tôi đã thấy việc gói bánh chưng là một cái gì đó thú vị lắm. Trong ký ức của nhiều đứa trẻ chúng tôi ngày xưa, gói bánh chưng dịp Tết mỗi năm là điều gì đó thiêng liêng lắm, quý giá lắm. Ừ thì đó, cả năm mới có một lần mà.
Còn nhớ, nội tôi là người rất kỹ tính trong việc chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng Tết. Kỹ từ việc chọn gạo nếp cái hoa vàng vụ mùa, đậu xanh lòng vàng, thịt lợn ba chỉ; kỹ đến từng sợi lạt giang, lá dong bánh tẻ… để góp hương trong cái bánh chưng Tết dâng cúng tổ tiên. Vốn làm nghề hàng sáo nên nội rất thông thạo các loại gạo. Nội bảo, hạt gạo nếp cái càng tròn càng quý. Quý vì hạt gạo tròn thì hương thơm, vị đậm. Còn quý ở chỗ, hạt tròn là hạt nắng, hạt mưa từ trời tròn gửi xuống cho con người. Nội còn nói đến âm dương gì gì nữa nhưng lúc ấy tôi chưa hiểu, đại khái chỉ nhớ rằng trong hạt lúa nếp tròn có cả đất và trời, nắng hanh và gió rét. Cũng theo lời nội, lúa nếp dùng cho việc làm bánh chưng dâng cúng dịp Tết được chọn gặt khi lúa vừa chín đỏ, thân lúa còn đủ sức đứng thẳng, lá lúa dù đã ngả vàng sậm nhưng chưa nỏ khô thành rơm lúa rũ xuống. Nghe nội nói, tôi lờ mờ hiểu rằng khoảng thời gian này lúa cho gạo trắng, trong, thơm ngon nhất. Vả lại, lúa cũng như người, ấy là lúc nó sung mãn đến tận cùng, bông lúa tuy đã cong nhưng dáng lúa vẫn thẳng băng, khí khái. Lúa như người thành kính, khoe dáng người lòng ngay dạ thẳng khi cúi mình trình diện trước tiền nhân, tiên tổ.
Ngày xưa, mỗi nhà đều tự gói bánh chưng Tết cho gia đình mình. Bởi vậy, năm nào bọn trẻ chúng tôi cũng được trải nghiệm công việc mang đậm chất truyền thống này. Cứ chiều 28 Tết (sau giỗ ông ngoại), cả nhà tôi lại quây quần trên một chiếc chiếu giữa nhà hoặc giữa sân. Tôi và chị được phân công rửa lá, lau lá, vo gạo, mẹ và bà thì thái thịt... Mấy đứa em quây quần xung quanh, cũng xăm xắn ra cái điệu quan trọng lắm, rằng mình cũng gói bánh chưng đấy nhé!
Các công đoạn gói bánh chưng trông thì không hề phức tạp chút nào. Đầu tiên cứ xếp hai chiếc lá chồng ngang lên nhau, rải một lần gạo, đặt một lớp nhân đỗ, thêm thịt lợn đã ướp sẵn, lại rải một lớp đỗ và một lớp gạo nữa rồi gói lại, sau đó đặt lên lớp lá thứ hai gói lại, buộc lạt là xong. Nhìn bà nhìn mẹ thoăn thoắt đôi tay, thấy việc gói bánh chưng có gì khó chứ? Nhưng không hề dễ chút nào đâu nhé... Nhưng được mẹ và nội hướng dẫn tỉ mỉ nên mấy chị em tôi đều biết gói bánh. Và mỗi mùa Tết đi qua tay nghề gói bánh của chị em tôi cũng được rèn giũa nên bánh cũng đẹp hơn...
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác xốn xang, háo hức được cùng bà, cùng mẹ gói bánh, luộc bánh, vớt bánh, rồi thưởng thức những chiếc bánh chưng Tết. Chao ôi, hương vị thơm ngon đậm đà của hạt nếp cùng với đậu xanh, thịt ba chỉ, hạt tiêu hòa quyện cùng mùi lá dong thơm ngậy trong miếng bánh chưng xanh thật quyến rũ làm sao.
Hồi đó, bánh nấu xong thường là lúc gần đến giao thừa. Pháo nổ rộn ràng, mùi hương trầm tỏa dịu, trên bàn thờ tổ tiên đêm giao thừa, những chiếc bánh chưng vẫn còn ấm nóng. Cái ấm áp, ngọt bùi từ năm này qua năm khác đi cùng những chiếc bánh chưng xanh, đi cùng truyền thống ngàn đời nay của đất Việt Nam mình. Ngắm nhìn những chiếc bánh chưng Tết thấy như tinh hoa của đất trời được hòa quyện trong ấy và cả tài hoa của con người cũng được gói gọn trong ấy. Hương vị của quê hương được đem vào trong chiếc bánh chưng Tết, cho mỗi mùa Xuân lại thơm ngọt lòng người...
Có lẽ tôi là người hướng nội nên tôi vẫn yêu đến quặn thắt những vẻ đẹp, những giá trị cổ truyền. Mai sau, dù có bao giờ thì Tết trong tim tôi vẫn luôn là hình ảnh đêm giao thừa cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng cùng với ngọn lửa bập bùng, đỏ rực, ấm áp!.
Gửi phản hồi
In bài viết