Tháng Mười hai

- Tháng Mười hai, bắt đầu có những đợt rét đậm kéo dài kèm theo mưa phùn rả rích, đêm lấn ngày, trời ngái ngủ âm u. Tháng Mười hai, tháng ngủ đông, giữa những công việc hối hả ngày cuối năm vẫn cho phép ta lười một chút, thức dậy muộn một chút, chui ra khỏi chăn ấm vẫn còn cảm giác nuối tiếc giấc ngủ ngon. 

Tháng Mười hai, chợt nhận ra lịch treo tường đang mỏng đi, vơi dần, ai ai cũng tất bật, bận rộn với vô số chuyện. Lặng lẽ bóc từng tờ lịch cũ thấy ngày trôi đi thật nhanh. Có lẽ lúc này ngoài kia nhiều dòng cảm xúc cũng trào dâng, trong khi người này háo hức chờ đợi thì người kia loay hoay với một mớ hỗn độn của quá khứ sắp khép lại một năm cũ. 

Tháng Mười hai, ở quê cũng là vào vụ cuối. Nhà nào cũng ước sao cho mưa đừng quá dầm dề để những cánh đồng được xanh mướt, gió chỉ khẽ vỗ về cho cây trái trĩu quả, hoa có đủ nắng để ươm mầm đậm nụ, cho người nông dân góp nhặt đón một cái tết tinh tươm hơn sau những tháng ngày vất vả.

Tháng Mười hai, cũng là khi bà nội tôi và người dân trong làng chuẩn bị sửa soạn những sản vật của một năm làm lụng vất vả cho mâm lễ cúng tạ trời đất, Thành Hoàng làng đã ban phúc lành cho gia đình và dân làng của một năm cũ sắp qua đi. Bà nội tôi bảo, Thành Hoàng làng là người có công giúp vua dẹp giặc, là người có công khai khẩn mở đất, truyền dạy nghề, hướng dẫn dân làng này cách làm ăn, ngài hiển linh phù hộ cho dân làng. Dâng lễ để thỉnh cầu ngài giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống của dân trong làng bình an.

Thành Hoàng làng đã trở thành biểu tượng tâm linh, một chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân làng tôi như thế. Ai dù ở gần hay xa quê, sinh sống ở đâu mỗi khi trở về đều thành kính dâng nén hương thơm lên Thành Hoàng làng để bày tỏ lòng tri ân và cầu mong Thành hoàng, các bậc tiền nhân phù hộ, độ trì cho con cháu, người dân của làng ở khắp mọi nơi được bình an, hạnh phúc, cho quê hương ngày càng phát triển.

Giờ đình làng tôi đã được xếp hạng cấp quốc gia, trở thành di sản. Nhớ về quê tôi lại nhớ về đình làng với những ngày nhộn nhịp của hội làng đầu năm và lời bà nội tôi nhắn nhủ: mỗi phiến đá, viên gạch ở đây đều có ý nghĩa sâu xa. Xây dựng đình làng các cụ xa xưa đã gửi gắm ước vọng vào các tác phẩm chạm khắc của mình nơi đình làng. Nếu hiểu được thì từng đường nét kiến trúc, các bức chạm khắc trang trí ở đình đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử của ông cha, chứa đựng ý nghĩa nhân sinh vũ trụ cùng những thăng trầm lịch sử của làng. 

Năm tháng trôi qua một cách lặng lẽ, cây đa đầu đình vẫn bình thản xanh ngát giữa đất trời, mặc kệ những thăng trầm của thời cuộc. Dường như mọi phong cảnh quê tôi, từ con đường làng, ngõ xóm nhỏ, mái đình ngói phủ rêu phong đều đã trở thành di sản. 

Bà nội tôi giờ đã không còn, bố tôi là trưởng tộc thay bà lo việc thờ tự trong nhà. Và vẫn không quên cuối năm chuẩn bị sửa soạn cho mâm lễ cúng tạ thần linh, rồi chờ các con về nhà đoàn tụ trong bữa cơm chiều cuối năm. 

Bất chợt tôi nhận ra, Tháng Mười hai dường như kéo ngắn thời gian được trở về nhà đối với những người con xa quê mong ngày đoàn tụ

Minh Minh

Tin cùng chuyên mục