Mùa cọ ỏm

TQĐT - Trong chuyến đi công tác vùng cao ngày đầu đông, những thúng cọ ỏm có sức hút mãnh liệt khiến tôi không thể kìm lòng. Cả bầu trời ký ức tuổi thơ quay lại. Tôi nhớ ngày nhỏ, mỗi khi đợt gió lạnh đầu mùa về cũng là lúc tôi được ăn những trái cọ bé xíu, vàng ruộm ấy…

Món quà của tuổi thơ

Theo chân bà Hoàng Thị Tương, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đi hái cọ, quanh câu chuyện phiếm về món ăn dân dã này tôi học được cách chọn cọ, ỏm cọ và chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Bà Tương chia sẻ, vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, những cây cọ đơm hoa, kết trái. Đến khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 quả cọ bắt đầu chín. Khi màu vỏ quả cọ chuyển sang hơi nâu và đen, người dân hái về rửa sạch bụi đất, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Mặc dù cọ không phải là thứ gì xa lạ với người dân ở đây, nhưng bao giờ cũng vậy, cứ đến mùa, trẻ nhỏ, người lớn lại háo hức đi lấy quả cọ mang về ỏm và cùng nhau thưởng thức. 

Cây cọ thường được mọc ở trên cao, thân cây to, gồ ghề, nên việc hái cọ cũng sẽ trở nên khó khăn. Vì vậy, thường thì chỉ có những người đàn ông mới có thể trèo lên tận ngọn để hái, còn phụ nữ thì chỉ đứng bên dưới đập cho cọ rụng rồi nhặt. Quả cọ có 2 loại, cọ nếp và cọ tẻ, chỉ những người sành mới có thể phân biệt được. Sau khi lấy về, cọ được rửa sạch rồi đem đi ỏm. Công đoạn này được coi là quan trọng nhất bởi cọ có ngon mà làm không khéo cũng sẽ không ăn được. Nước để ỏm cọ nhất định không được quá nóng vì quả cọ sẽ bị nhiệt làm cho quắt lại và cứng, chát. Sử dụng nước khoảng 70 độ C và ỏm trong khoảng 5-7 phút, kiểm tra thấy mặt nước nổi mỡ váng vàng, ấn hơi mềm tay là được. Nếu người ỏm cọ biết căn được đúng nhiệt độ và thời gian thì sẽ có được những quả cọ mềm, ăn bùi bùi, ngầy ngậy.  


Cây cọ là hình ảnh thân thiết đối với người dân ở các huyện vùng cao và món cọ ỏm (ảnh nhỏ).

Quả cọ sau khi ỏm xong được gọt vỏ ăn ngay hoặc chấm với muối vừng hay nước mắm… Ngoài ra, cọ còn chế biến được nhiều món như làm xôi cọ, cọ kho với thịt, cá. Bà Tương nói, với bà cách để có món xôi cọ thơm ngon là sử dụng gạo nếp nương, sau khi ngâm gạo nếp mang đi đồ, gần chín thì cho cọ đã được ỏm vào trộn, bóp nhuyễn với xôi. Khi gạo chuyển sang màu vàng sẫm, cho lên bếp đồ lại đến chín hẳn. Món xôi cọ được dùng chung với muối vừng là món quà thời thơ ấu mà dù thời gian hay những bộn bề của cuộc sống cũng khiến mỗi người khi nhớ về quê hương không sao quên được.

Lợi ích từ cây cọ

Từ xa xưa, hình ảnh cây cọ gắn bó với đồng bào miền núi và trở thành biểu tượng của sự kết nối bền chặt thiêng liêng. Đã có rất nhiều thế hệ lớn lên dưới mái nhà sàn được lợp bằng lá cọ, những chiếc nón lá cọ cũng trở thành biểu tượng của người Tày ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cành cọ còn được sử dụng làm vật liệu để sản xuất chiếu, rèm và lõi cọ có thể sử dụng để chế biến món ăn... Vì thế, chẳng có gì lạ khi bắt gặp những cây cọ cao vút trên mỗi đoạn đường vùng cao.

Hiện nay, trái cọ đã trở thành “đặc sản” được nhiều người săn lùng, người dân cũng tranh thủ mùa cọ chín để kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, hình ảnh những thúng cọ trong các buổi chợ là món ăn quen thuộc không chỉ ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Anh Chẩu Văn Phùng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) cho biết, ngày trước khi đến mùa cọ anh thường đi hái về phục vụ gia đình. Những hôm hái được nhiều, gặp được cây cọ nếp, mẹ anh thường ỏm rồi đem đi chợ bán. Cọ sau khi ỏm chín, sẽ được chia sẵn thành các túi, mỗi túi khoảng nửa cân bán với giá 10 nghìn đồng. Vì mọi người yêu thích đến mức thúng cọ khoảng 20 - 25 kg mà một loáng đã bán hết. Có thêm nguồn thu nhập, anh cũng chịu khó đi hái cọ hàng ngày. Theo kinh nghiệm hái cọ của anh, những cây chưa bị ngắt lá, cao, to, dùng dao gọt phần thịt của quả thấy có màu vàng óng, thớ quả mịn, ít thô là cây cọ ngon. Thông qua bạn bè trên mạng xã hội, nhiều người ở miền xuôi cũng đã liên lạc với anh để đặt hàng. Vì vậy, để kiếm được những quả cọ ngon và đủ đơn hàng cho khách anh rủ thêm người trong gia đình cùng đi hái. Tính ra sau mỗi mùa cọ, chịu khó một chút gia đình anh cũng có khoản thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng. 

Mùa cọ đến, những “con nghiện” cọ thường phải lùng mua cho bằng được. Nhất là những người xa quê, nhìn những trái cọ vàng ruộm, bất chợt sẽ thấy nao nao, cồn cào nhớ hương cọ. Chị Nguyễn Hoàng Linh, người Đà Vị (Na Hang) hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội tâm sự, 5 năm xa nhà cứ áng chừng mùa cọ là chị lại về nhà để ăn cho thỏa thích. Nếu bận chưa kịp về thì mẹ chị sẽ đi tìm những quả cọ ngon để gửi xuống cho chị. Mỗi lần như vậy, sau khi ăn cho thỏa cơn thèm, số cọ còn lại chị sẽ đem đi ỏm, gọt sạch cất ngăn đá để dành, và một hũ cọ muối là món không thể thiếu trong nhà chị mỗi mùa cọ đến.

Mỗi mùa cọ đến, bao nhiêu người lại nhớ về kỷ niệm của một thời học sinh cắp sách tới trường, cái thời lá cọ được dùng làm ô che nắng, mưa, che cả những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ…

“Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi”.

Ghi chép: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục