Bệnh nhân phải nhập viện vì uống nước kiềm theo quảng cáo trên mạng xã hội.
Hậu quả tai hại
Các quảng cáo chữa bệnh trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện dưới nhiều hình thức: từ những bài viết chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, các video hướng dẫn, đến những bài viết bán sản phẩm “thần dược” hoặc phương pháp trị liệu tự nhiên “thần kỳ”. Các nội dung này thường dễ khiến người dùng bị lôi cuốn vì đánh vào tâm lý mong muốn khỏi bệnh nhanh chóng, tiện lợi và giá cả phải chăng.
Đáng chú ý, những quảng cáo này thường không có cơ sở khoa học vững chắc, thiếu sự giám sát từ các cơ quan y tế hoặc chuyên gia uy tín, dẫn đến nguy cơ sai lệch thông tin cao. Những người đăng tải không phải lúc nào cũng là chuyên gia y tế mà nhiều khi chỉ là người bán hàng hoặc những người dùng không có kiến thức chuyên môn nhưng được thuê quảng bá sản phẩm.
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh do uống nước ion kiềm được quảng bá có khả năng chữa bách bệnh. Có bệnh nhân 60 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật..., được chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali. Bệnh nhân cho biết, do có nhiều bệnh lý dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân… nên khi nghe mạng xã hội quảng cáo địa chỉ uống “nước” chữa bách bệnh, bà đã tìm đến và xin được chữa trị. Theo hướng dẫn, hằng ngày, bà sẽ phải uống tối thiểu khoảng 5 - 6 lít nước lấy từ máy lọc, có thể pha thêm 1 chút muối và uống trong khoảng 10 - 15 ngày. Nhưng chỉ sau chưa đầy 5 ngày uống loại nước này và nhịn ăn, bà đã không thể đứng vững, bắt đầu nôn liên tục, phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng bị rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do tìm đến một địa chỉ ở huyện Thanh Oai để uống “nước thần” với cách thức giống như bệnh nhân nói trên.
Một bác sỹ khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, đã có bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu tin vào các phương pháp “trị ung thư không cần hóa trị” quảng cáo trên mạng, uống các loại nước ép “giải độc” và ăn kiêng theo chế độ cực đoan. Sau vài tháng không điều trị chính thống, bệnh tình của người này đã tiến triển đến giai đoạn nặng, giảm cơ hội chữa trị. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.
Lại có một thiếu nữ ở Sơn Dương đã phải nhập viện cấp cứu do tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi dùng thuốc giảm cân được quảng cáo trên Facebook. Loại thuốc này cam kết “giảm cân thần tốc trong một tuần” nhưng lại chứa các chất gây kích thích, tăng nhịp tim, làm mất nước nghiêm trọng, gây tổn thương đến tim và hệ thần kinh.
Những quảng cáo về công dụng “thần thánh” của nước ion kiềm trên mạng xã hội Tiktok.
Cần tỉnh táo
Những dẫn chứng trên cho thấy các thông tin quảng cáo y tế trên mạng xã hội có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng người dùng. Đây là một vấn đề rất đáng báo động, đòi hỏi người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác và tìm đến các nguồn thông tin y tế đáng tin cậy.
Vì tin tưởng mù quáng vào các lang băm trên mạng, nhiều người bệnh đã trì hoãn việc điều trị chính thống, tốn kém thời gian và tiền bạc, mất đi những thời cơ vàng để chữa khỏi bệnh. Dân gian ta có câu: có bệnh thì vái tứ phương, nhưng rất cần mỗi người tỉnh táo để bảo vệ bản thân.
Trước hết, cần thận trọng với quảng cáo không rõ nguồn gốc, tốt nhất là tìm hiểu từ các nguồn chính thống hoặc tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Bởi việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thực phẩm chức năng, cần được tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tránh rủi ro cho sức khỏe. Đồng thời, cần cập nhật kiến thức y tế từ nguồn đáng tin cậy. Có thể truy cập thông tin về sức khỏe trên mạng xã hội, nhưng cần chọn lọc thông tin từ các nguồn uy tín như trang web của Bộ Y tế, các bệnh viện lớn, hoặc các trang web chuyên khoa có chuyên gia y tế kiểm duyệt nội dung.
Mặt khác, cũng cần khuyến khích gia đình, người thân tỉnh táo với thông tin quảng cáo trên mạng. Những người lớn tuổi bị hạn chế về thông tin thường dễ tin vào những quảng cáo có lời hứa ngọt ngào. Hãy chia sẻ với ông bà, cha mẹ mình những kiến thức y tế chính xác và nhấn mạnh sự cần thiết của việc khám và điều trị từ các cơ sở y tế đáng tin cậy.
Chữa bệnh là một vấn đề nghiêm túc và liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mỗi người. Vì vậy, thay vì mạo hiểm sức khỏe qua các thông tin quảng cáo không được kiểm chứng, chúng ta nên đến các cơ sở y tế chính thống để nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia. Cảnh giác với các quảng cáo “thần kỳ” trên mạng xã hội chính là cách bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu.
Gửi phản hồi
In bài viết