Bà Chẩu Thị Sen, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) tâm sự, khi những bông lúa nếp bắt đầu khum ngọn, còn nguyên hương sữa là lúc người ta ra đồng gặt lúa non mang về làm cốm. Lúa được gặt từ sớm, sau khi những hạt lúa nếp được tuốt ra, người ta mang đi đãi cho sạch, để ráo nước rồi cho lên sao. Nhiều nơi, lúa nếp được giữ nguyên thân, bó thành từng bó, hơ lửa sau đó mới được tuốt ra. Nhưng dù làm theo phương pháp nào cũng phải đảm bảo độ lửa để hạt nếp nóng, chín đều và giữ nguyên được độ thơm, dẻo. Sau khi được làm chín, lúa nếp được để nguội và cho vào giã cho bung lớp vỏ trấu, những nếp xanh non lấp ló hiện ra, trong quá trình giã vỏ trấu được làm sạch. Hạt lúa mẩy, đều khi giã cốm sẽ dẻo nhưng không bị nát. Giã cốm và sẩy cốm phải từ 2-3 lần hạt cốm mới sạch lớp vỏ trấu. Cốm làm xong thường được gói bằng lá chuối, lá dong. Trải qua nhiều công đoạn là thế, nhưng chẳng ai thấy mệt mỏi khi được thưởng thức thành quả.
Cốm được sao với lửa nhỏ, đảm bảo các hạt nếp chín đều, không bị khô. |
Đến mùa cốm, tại các buổi chợ phiên ta dễ dàng thấy hình ảnh trẻ con, người lớn háo hức với thứ quà quê dân dã này. Tuy mùa cốm không kéo dài, nhưng cốm được bảo quản cẩn thận có thể dùng quanh năm. Nhiều người vì thế cũng tranh thủ mở rộng thị trường, kiếm thêm thu nhập. Chị Nguyễn Phương Nga làm dâu tại xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, 4 năm nay, năm nào mùa cốm chị cũng bán được khoảng 1 tạ cốm cho bạn bè và du khách. Cốm sau khi làm xong được gói lá dong, hút chân không chuyển đến tận tay người dùng. Cốm được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, chế biến được nhiều món như: Chè cốm, chả cốm, bánh cốm… nên nhiều người khách của chị mua dự trữ vài kg để ăn quanh năm.
Vài năm trở lại đây, vào khoảng tháng 9 âm lịch huyện Na Hang đã tổ chức Lễ hội giã cốm tại xã Côn Lôn, đây là dịp để thế hệ trẻ học tập kinh nghiệm làm cốm và giữ gìn bản sắc ẩm thực truyền thống của địa phương. Từ đó phát triển việc làm cốm trở thành một nghề đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người nông dân. Lễ hội giã cốm đã nhận được sự quan tâm của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Anh Đặng Sơn Nam ở thủ đô Hà Nội nói, năm 2016 anh có dịp được tham gia Lễ hội giã cốm tại xã Côn Lôn, anh đã rất ấn tượng với các công đoạn làm cốm và hương vị cốm ở đây. Năm nay, anh được biết lễ hội sẽ tổ chức vào ngày 13-10 tại xã Côn Lôn, cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ trong Ngày hội Văn hóa du lịch vùng cao của huyện, anh đã sắp xếp công việc để đưa cả gia đình lên chơi hội và thưởng thức hương mùi vị của cốm vùng cao.
Những hạt cốm xanh non, dẻo thơm mang hương vị quê hương làm nao lòng mỗi người xa quê độ thu về. Hy vọng, những hạt cốm vùng cao của Tuyên Quang ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích, ngoài việc phát huy những giá trị văn hóa, còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết