Nơi cha nằm lại

- Ngày ông nhập ngũ, vợ ông mới mang thai ba tháng. Cô ấy đứng bên cổng làng, đôi mắt ngấn lệ nhìn theo bóng chồng khuất dần trên chuyến xe chở đầy những người lính trẻ. Cô không dám khóc to, chỉ khẽ nói trong lòng: “Anh đi mạnh khỏe, em và con sẽ chờ anh về”.

Minh họa: Cảnh Trực

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, ông cùng đồng đội phải vượt qua biết bao trận mưa bom, bão đạn. Ông luôn giữ lá thư của vợ trong túi áo ngực, như một lời nhắc nhở: “Hãy sống để trở về”. Nhưng rồi, vào một trận đánh lớn, ông đã ngã xuống khi cố che chắn cho đồng đội. Lá thư chưa kịp gửi về nhà trong túi ngực dính đầy máu, nhưng chữ vẫn còn vẹn nguyên 
“Con ơi, ba nhất định sẽ về với con”.

Ngày ông hy sinh cũng là ngày vợ ông lâm bồn. Bé gái cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà nhỏ giữa làng quê thanh bình, nhưng người cha mãi mãi không thể nghe được. Đôi mắt người mẹ trẻ đỏ hoe, ôm đứa trẻ vào lòng thầm thì: “Con ơi, ba con đã về trong giấc mơ của mẹ”.

Ba tháng sau, gia đình nhận được tin báo tử. Vợ ông ôm con, nước mắt lăn dài.

Con bé lớn lên trong sự tần tảo của người mẹ. Bao nhiêu mùa lúa trổ bông, bao nhiêu mùa gió bấc thổi về làng, người vợ trẻ vẫn đau đáu chờ tin chồng. Nhưng chiến tranh tan, hòa bình lập lại, người trở về lác đác, riêng ông vẫn bặt vô âm tín.

Cô lặng thinh, nhìn con gái lớn lên từng ngày. Năm tháng trôi qua, cô đã quen với nỗi đau lặng lẽ ấy, quen với việc không biết nơi chồng mình nằm lại. Cô không trách gì, chỉ luôn thầm mong có một ngày tìm được mộ chồng, để báo cho ông biết về con gái rất giống cha và ngoan ngoãn.

Cô con gái lớn lên trong những câu chuyện về cha, về người lính đã ra đi khi chưa một lần được thấy mặt con. Cô bé mang nỗi khát khao cháy bỏng: “Con sẽ tìm cha, để mẹ không phải khóc thầm nữa”.

Gần 40 năm sau ngày ông ra đi, cô con gái nhỏ đã trưởng thành. Cô mang tên cha đi khắp các đơn vị, chiến trường xưa, thậm chí nhờ cả nhà ngoại cảm để tìm nơi yên nghỉ của cha. Rồi ông trời thương, cho cô tìm thấy mộ cha trong nghĩa trang tận Tây Ninh. Những người trong đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại chiến trường xưa cho biết, ngôi mộ vô danh nằm lại giữa cánh rừng năm ấy, bên trong chiếc áo còn có bức thư đã nhòe máu. Những dòng chữ vất vả được phục dựng: “Con ơi, ba đây. Ba nhất định sẽ về với con”.

Cô con gái ôm mặt khóc nức nở. Đó là nét chữ của cha, giống chữ trong bức thư mà mẹ cô đã kể lại hàng trăm lần suốt tuổi thơ. Ngày đưa hài cốt cha về quê, cô nắm tay mẹ, hai người đàn bà - một già, một trẻ - đứng lặng bên chiếc quan tài phủ lá cờ Tổ quốc. Người mẹ run rẩy đặt bó hoa trắng lên mộ và nghẹn ngào “Anh ơi, em tìm được anh rồi... Con gái chúng ta giỏi lắm, nó đã đưa anh về nhà”.

Gần 40 năm, nỗi đau khắc khoải ấy cuối cùng cũng có lời đáp. Ngôi mộ không còn vô danh, người vợ già có thể yên lòng vì chồng mình đã trở về quê hương, nằm lại giữa nghĩa trang liệt sỹ quê nhà - nơi mùa gió bấc thổi về mỗi khi đông sang. Người con gái nhìn lên bầu trời, thì thầm “Ba ơi, ba yên nghỉ nhé. Con và mẹ đã đưa ba về...” n

Minh Tuyên

Tin cùng chuyên mục