Bác Hồ đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II.
Thơ xuân Tân Mão
Mùa xuân năm Tân Mão 1951 có ý nghĩa đặc biệt với Tuyên Quang. Vì năm ấy Trung ương Đảng đã chọn Tuyên Quang là nơi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II - quyết định đường lối kháng chiến và kiến quốc, đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, bắt đầu công khai hoạt động. Đây là Đại hội Đảng đầu tiên được tổ chức ở trong nước kể từ khi thành lập Đảng và là Đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức ở ngoài Thủ đô Hà Nội.
Cũng mùa xuân này, từ núi rừng Việt Bắc, Bác viết bài thơ Mừng xuân Tân Mão (1951) gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước:
“Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công,
Toàn dân ta quyết một lòng,
Thi đua ta chuẩn bị tổng phản côngkịp thời”
Tính từ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ mùa Đông năm Bính Tuất (1946) đến mùa xuân Tân Mão, cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện đã qua 5 năm gian khổ, hy sinh. Nhưng qua 2 chiến dịch Thu Đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950), ta đã giáng cho thực dân Pháp xâm lược nhiều đòn chí mạng, kết thúc giai đoạn phòng ngự, cầm cự và chuyển mạnh sang tổng phản công.
Năm xuân kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhưng Bác khẳng định: “Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công”. Chỉ có một câu 8 chữ trong thơ chúc Tết của lãnh tụ đã có tác dụng to lớn giải quyết tư tưởng cho cán bộ đảng viên và nhân dân lúc bấy giờ. Để kháng chiến “càng gần thành công”, toàn dân ta phải “quyết một lòng”, phải thi đua chuẩn bị để kịp thời “tổng phản công” khi thời cơ đến.
Ngày 11-2-1951, tại núi rừng Kim Bình, Chiêm Hóa, tức ngày 6 tháng Giêng năm Tân Mão, Người đọc Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng. Đại hội đã bầu Người làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Sau đó, Người đã chủ trì Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ nhất (tháng 3-1951), thông qua 2 văn kiện quan trọng: Nghị quyết của Hội nghị và bản Báo cáo: “Đánh mạnh hơn nữa để giải phóng Tổ quốc và tích cực bảo vệ hòa bình thế giới”.
Đúng như Bác Hồ chúc “nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công”, chỉ 3 xuân sau đó, năm 1954 quân dân ta đã “chiến thắng Điện Biên, chấn động địa cầu”, miền Bắc được giải phóng xây dựng Chủ nghĩa xã hội cùng đồng bào, chiến sỹ miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.
Thơ xuân Quý Mão
12 năm sau bài thơ chúc Tết Tân Mão của Bác Hồ viết ở núi rừng Việt Bắc, năm Quý Mão (1963), cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ Diệm ở miền Nam đã có dấu hiệu thất bại thảm hại. Thơ chúc Tết của Bác năm Quý Mão chỉ ngắn gọn 4 câu, 17 chữ:
“Mừng năm mới,
Cố gắng mới,
Tiến bộ mới,
Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”.
Ngắn gọn thế, nhưng bài thơ bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa. Chiến thắng Ấp Bắc đã mở đầu cho năm Quý Mão này, rồi từ thắng lợi của quân dân miền Nam, buộc Mỹ phải “thay ngựa giữa dòng”, chỉ huy cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, anh em Ngô Đình Diệm bị giết. Steven - một tướng 2 sao của Mỹ cũng bị bắn trọng thương, tên tướng đầu tiên trong 20 tướng Mỹ xâm lược bị thương vong ở chiến trường miền Nam cho đến khi Mỹ phải cuốn cờ về nước.
Để đến mùa xuân năm Ất Mão (1975), quân dân cả nước đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” - đúng như lời Bác chúc trong một bài thơ xuân.
Trong rộn ràng tiết Xuân Quý Mão này, mỗi chúng ta lại bồi hồi nhớ Bác, nhớ những bài thơ xuân năm Mão của Người. Dù ngắn hay dài, dù được viết theo thể nào, thì những bài thơ xuân của Bác vẫn như những lời hiệu triệu đồng bào chiến sỹ cả nước dốc lòng vì non sông độc lập, vì hạnh phúc nhân dân. Hơn thế, mỗi bài thơ xuân của Bác còn như lời tiên tri về vận mệnh dân tộc, để mỗi chúng ta thêm vững lòng bước tiếp con đường Đảng và Bác đã chọn.
Gửi phản hồi
In bài viết