Nhớ ơn tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến, chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Tục thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp góp phần giáo dục con cháu luôn luôn ghi nhớ công lao dưỡng dục, xây đắp của các bậc tiền nhân; răn dạy con cháu hãy giữ lấy nếp nhà.
Theo truyền thống, Tết Nguyên đán là dịp con cháu từ khắp nơi về sum họp, đoàn tụ dưới mái ấm gia đình. Không chỉ quây quần bên những người trên dương thế mà mọi người đều mong muốn gia tiên tiền tổ, ông bà, cha mẹ đã mất được về bên con cháu.
Những lễ cúng quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán là lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp; lễ cúng tất niên vào trưa hoặc chiều 30 Tết; lễ cúng giao thừa vào đêm 30; lễ cúng đón Tết Nguyên đán vào ngày mùng 1 và cuối cùng là lễ cúng hóa vàng kết thúc Tết Nguyên đán.
Với đồng bào Nùng, Tết là dịp để cảm ơn thầy Tào (thầy cúng) đã ban phước lành cho con trẻ.
Sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Táo chầu trời thì trong ngày 30 Tết, vào buổi sáng, trưa hay chiều tối, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng tất niên, thỉnh mời gia tiên tiền tổ về ăn Tết với con cháu.
Mâm cỗ cúng tất niên là mâm cỗ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén hương (nhang) lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất. Ngoài việc tỏ lòng thành kính với gia tiên thì đó là dịp các thế hệ trong gia đình quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Ý nghĩa của Tết đoàn viên là ở chỗ này.
Cùng với nghi lễ cúng tổ tiên, tục Tảo mộ cuối năm cũng là nét đẹp của người Việt. Vào những ngày này, dù bận rộn đến mấy, con cháu dù gần hay xa vẫn sắp xếp thời gian thăm viếng phần mộ gia đình, dòng họ với tấm lòng thành kính. Theo thông lệ, từ ngày 16 đến 29 tháng Chạp, tùy theo điều kiện từng gia đình mà con cháu sẽ cùng nhau hẹn ngày tảo mộ ông bà, tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.
Tết của chữ Hiếu
Dân gian có câu: Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Đó là đạo hiếu từ ngàn xưa của dân tộc. Cha mẹ, thầy cô. Đó là những người quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Cha là đấng sinh thành, cho chúng ta kiếp người hiện tại để có tương lai đang đến. Tết Cha, vì nhờ có Cha, chúng ta được lớn lên mỗi ngày. Mẹ chính là người đã mang nặng, đẻ đau và sinh chúng ta ra trong cuộc đời này. Vì vậy, mẹ xứng đáng có trọn vẹn ngày mồng Hai Tết để đón nhận nơi chúng ta, những người con, tình yêu thương như một sự bù đắp cho những hy sinh to lớn và sự tần tảo của mẹ.
Dân gian ta có câu, “Không có thầy đố mầy làm nên”. Thầy khai sáng trí tuệ chúng ta để chúng ta hiểu về giới hạn của chính mình, và sự bao la của thế giới. Sâu thẳm hơn, thầy dạy chúng ta trở thành những con người có ích cho xã hội.
Và để bày tỏ tấm lòng hiếu kính cha mẹ, thầy cô, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi người có cách thể hiện riêng. Tuy nhiên, hầu hết, sáng ngày mùng 1 Tết, con cháu đều tề tựu đến chúc Tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều gia đình vào buổi sáng mồng 1 đến thắp hương ở đình, chùa, miếu mạo. Đầu giờ chiều mùng Một, con cháu họ mạc tập trung tại nhà thờ, từ đường để thắp hương cụ tổ. Sau đó, mọi người tập trung thành đoàn đến từng nhà trong họ để mừng tuổi ông bà, lì xì cho trẻ con.
Ngày Tết Nguyên Đán là lễ hội của dân tộc và cũng là ngày hội của gia đình. Đây cũng là ngày mang ý nghĩa đoàn tụ những người sống trong cùng mái ấm: ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà. Vì vậy, dù có việc đi xa, bạn cũng hãy cố gắng trở về với lòng hiếu thảo.
Gửi phản hồi
In bài viết