Du Xuân xưa và nay

- Du xuân ngày Tết là một tục lệ, thú vui không thể thiếu của người Việt xưa và nay. Dù hình thức, nội dung và mục đích du xuân của người Việt xưa và nay có biến đổi ít nhiều nhưng đều hướng đến những giá trị cốt lõi làm nên tính cách, nét văn hóa riêng có của người Việt.

 

Chuyến du xuân đầu tiên dưới triều Nguyễn

Việc du xuân đầu năm vốn là truyền thống của người Việt. Theo một số tài liệu lịch sử, vua Đồng Khánh của triều Nguyễn là bậc đế vương nước Việt khởi phát tục du xuân đầu năm mới. Thông thường, các vua Nguyễn bắt đầu du xuân từ ngày 5/1 Âm lịch. Tuy nhiên, việc này không ghi thành điển lễ. Chỉ từ triều Đồng Khánh về sau, các vua nhà Nguyễn mới có lệ “du xuân” ngay trong ngày mùng 1 Tết.

Tết cũng là dịp để các công chúa, hoàng tử dưới triều Nguyễn gặp gỡ giới văn nghệ sĩ, cùng nhau sáng tác thi ca và ngâm vịnh thi phú tại phủ đệ. Họ đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm văn chương đồ sộ, góp phần tạo ra hiện tượng văn chương tiêu biểu của giai đoạn này.

Tái hiện lễ dựng cây nêu dưới triều Nguyễn tại Thế miếu - Đại nội Huế.

Cuộc vui chơi, du xuân kéo dài đến ngày mùng 7 tháng Giêng, các ông hoàng, bà chúa tổ chức lễ hạ nêu tại phủ đệ, bắt đầu một năm làm việc mới. Phủ đệ trở về với không gian và nhịp sống kín đáo, thâm nghiêm như cũ.

Nét đẹp văn hóa

Đến nay, du xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người Việt. Du xuân, được tính từ giờ phút giao thừa, khi mọi người đi hái lộc, hiểu một cách giản dị nhất là đi chơi vào dịp xuân về. Vì thế từ phút đi hái lộc đầu năm, rồi đi lễ cha mẹ, lễ thầy cô, lễ chùa, dự hội xuân… là những giờ phút du xuân đẹp nhất trong năm.

Đầu xuân năm mới, mọi người thường lựa chọn các địa điểm tâm linh cho chuyến xuất hành đầu năm của mình như đi lễ tại các đền, chùa với mong muốn một năm mới được thuận hòa, may mắn và ngập tràn những điều hạnh phúc.

Tuy nhiên, đó là phong tục của Tết xưa. Với Tết của thời nay, giới trẻ lại lựa chọn chuyến du xuân của mình tới các vùng đất mới; để khám phá những văn hóa hay có những trải nghiệm mới vào dịp đầu năm. Thậm chí, nhiều gia đình hiện nay, còn lựa chọn đi du lịch thay vì ở nhà đón Tết như trước; đây cũng là một cách đón Tết khá mới lạ và thú vị.

Nhiều gia đình thường du xuân trên vùng đất mới để có giây phút thư giãn ý nghĩa.

Phút giây đoàn viên

Dù ai đi ngược về xuôi thì ngày Tết vẫn là dịp hồi hương, đoàn tụ với gia đình. Ngày xưa hay ngày nay nhiều người vẫn chọn việc du xuân tại quê như là một cách giữ gìn mối quan hệ. Tuy nhiên cũng có một bộ phận, đặc biệt là người dân ở các thành phố chọn đi du lịch như một kỳ nghỉ xả stress sau một năm làm việc vất vả.

Tết xưa là mỗi khi xuân về, tất cả thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau sum họp, chúc nhau những “lời hay ý đẹp” và ăn bữa cơm đầm ấm. Tết nay thì xu hướng đi du lịch ngày Tết càng phát triển, nhà nhà tranh thủ dịp Tết để lên kế hoạch đi chơi.

Ngày còn bé, ai ai cũng thích được mẹ dẫn đi chợ Xuân, không khí Tết ngày xưa đông vui, nhộn nhịp lắm! Còn Tết ngày nay thì bạn chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ một cuộc điện thoại thì bạn muốn mua gì cũng có.

Du xuân xưa hay nay, vui hay đang buồn là do cảm nhận, cách đón Tết riêng của mỗi người. Tuy nhiên, có những điều không thể thay đổi: Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, người người nhà nhà đều mong muốn Tết để về với gia đình, dành cho bố mẹ, ông bà những lời chúc từ tận trái tim.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục