Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập
Đồng chí Nguyễn Văn Việt
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 40 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương cấp tỉnh, 1 phòng chuyên môn cấp huyện, 89 đơn vị sự nghiệp công lập và 249 đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 452 lãnh đạo, quản lý so với quy định. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được bố trí, sắp xếp lại theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu.
Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục tập trung tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh khẩn trương cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời, chủ động rà soát cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị để kịp thời xây dựng phương án sáp nhập, giải thể một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện theo chỉ đạo của Trung ương. Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo mục tiêu giảm 10% đơn vị so với năm 2022 và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo số lượng, chất lượng, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải trở thành việc tự giác, tự nguyện
Đồng chí Trần Việt Hùng
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu được những biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân. Và đối với Tổng Bí thư thì tham ô đã có hại nhưng lãng phí còn có hại nhiều hơn nữa. Tôi thấy hết sức tâm đắc với bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Để xây dựng việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí trở thành văn hóa công vụ, trở thành việc tự giác, tự nguyện như “cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày” như Bác Hồ đã nói và được Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại thì cần phải tập trung xây dựng chuẩn mực đạo đức trong mỗi cán bộ, đảng viên và chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Phải nâng cao việc thực thi trách nhiệm công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp như: việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật trong thực thi chức trách, nhiệm vụ; cán bộ, công chức phải trung thực, không vụ lợi và phải vì sự nghiệp chung. Mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, phải lấy danh dự trong thực thi nhiệm vụ công vụ; phải có tính tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp và có sản phẩm, kết quả cụ thể. Trong các cơ quan, đơn vị phải xây dựng được các nội quy, quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan, tổ chức, kể cả tổ chức đảng, đoàn thể và quản lý nhà nước phải đưa việc phòng, chống lãng phí vào hướng dẫn, quy định, đánh giá để việc thực hiện văn hóa trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu tốt hơn. Việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu cần phải được cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị thực hiện và từng người dân, cán bộ, đảng viên phải vào cuộc.
Tạo sự minh bạch trong việc sử dụng ngân sách
Đồng chí Vũ Đức Thọ
Phó Chánh Thanh tra tỉnh
Một trong những giải pháp phòng, chống lãng phí là tạo sự minh bạch hơn trong việc sử dụng ngân sách. Để đạt mục tiêu trên, Thanh tra tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công khai minh bạch trong việc sử dụng ngân sách; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng dự toán, thẩm định dự toán.
Cùng đó, Thanh tra tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, chú trọng thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách. Thanh tra tỉnh sẽ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách.
Chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất
Ông Nguyễn Hữu Thập
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí là một thông điệp sâu sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Bài viết nêu rõ tính cấp bách của việc chống lãng phí và chỉ ra cách tiếp cận mới mẻ, toàn diện, coi đây là nhiệm vụ cần được thực hiện liên tục, kiên trì, và mang tính trách nhiệm từ mọi cấp, mọi ngành đến từng cá nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng chống lãng phí phải trở thành thói quen, được thực hiện hằng ngày như việc đánh răng, rửa mặt - một hình ảnh giản dị nhưng rất gần gũi, dễ hiểu. Điều này cho thấy đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ của từng cá nhân trong cuộc sống thường nhật, từ những hành động nhỏ nhất. Với những nội dung trong bài viết thì chúng ta thấy rằng đây là sự quan tâm rất lớn của một người đứng đầu của Đảng về công tác chống lãng phí, coi việc chống lãng phí là rất cần thiết.
Gửi phản hồi
In bài viết