Chống lãng phí: Cơ hội gia tăng nguồn lực cho tỉnh

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, phát triển bền vững các nguồn lực. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, công tác phòng, chống lãng phí hơn lúc nào hết, rất khẩn trương và cấp bách, như “chống giặc nội xâm”.

Lời hiệu triệu phòng, chống lãng phí

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về “chống lãng phí” đây là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta để thức tỉnh việc sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Việc chống lãng phí, không những vì lợi ích trước mắt của quốc gia, dân tộc, gia đình, xã hội mà còn vì tương lai của đất nước.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bài viết của Tổng Bí thư đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì đây là một vấn đề có ý nghĩa thời sự quan trọng, giúp mọi người nhìn nhận lại tình trạng lãng phí trong xã hội và nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức làm việc trong bộ máy nhà nước phải nghiêm túc xem xét trong việc sử dụng nguồn lực của xã hội, đó là những hạn chế trong cơ chế, chính sách đến cuộc sống thường ngày trong Nhân dân.

Việc lãng phí xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách nhà nước cho đến nguồn nhân lực, thời gian và sức lực của con người, trong khi nguồn lực của địa phương, đất nước còn nhiều hạn chế và cần được sử dụng tối ưu để đạt hiệu quả cao nhất. Khắc phục và tích cực chống lãng phí để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Lãng phí có thể do thiếu quy hoạch, sự không hiệu quả trong đầu tư công, các dự án bị bỏ hoang không được sử dụng, sự lãng phí này không đơn giản là mất đi tài sản mà còn tạo ra sự bất công trong xã hội. Nếu nguồn lực bị lãng phí, những cơ hội phát triển sẽ bị thu hẹp, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và gây mất lòng tin trong Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bài viết “Chống lãng phí” Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, các cấp, các ngành và mỗi người dân ra sức phòng, chống lãng phí, đẩy lùi “giặc nội xâm” khơi dậy sức dân và tăng cường nguồn lực cho đất nước.

Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó góp phần phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của Nhân dân...

Tháng 9 năm 2024, xã Hồng Sơn (Sơn Dương) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hồng Lạc và Vân Sơn theo Nghị quyết số 1106/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước khi thực hiện sáp nhập, cùng với việc kiện toàn bộ máy của xã Hồng Sơn mới thì việc rà soát, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công dôi dư sau sáp nhập luôn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh yêu cầu địa phương thực hiện nhằm phát huy hiệu quả tài sản công, tránh thất thoát lãng phí.

Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát về hoạt động tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách tại huyện Lâm Bình.

Theo đó, khi thành lập xã mới Hồng Sơn, trụ sở làm việc của UBND xã Vân Sơn được bàn giao cho Công an xã quản lý và sử dụng. Đối với trụ sở Trạm Y tế xã Vân Sơn được xây dựng từ năm 2002 đến nay, cơ sở vật chất đã xuống cấp sẽ được kiểm kê, thanh lý tài sản hoặc bàn giao cho đơn vị khác.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ; xây dựng văn hóa liêm chính, thực hành tiết kiệm, không tiêu cực, lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; đồng thời chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm.

Trên cơ sở Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kịp thời, toàn diện công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hiện tốt công tác phổ biến, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và của tỉnh về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Cơ quan thuế, các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở đã tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các văn bản, kế hoạch hướng dẫn chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước. Phân bổ dự toán thu ngân sách năm cho từng đơn vị; tích cực thu các khoản nợ đọng ngay trong những ngày đầu năm. Thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng dự toán được duyệt; triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác.

Tổ chức thực hiện quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết. Chỉ đạo tập trung giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư, đất đai, vật liệu, đất đắp, bãi đổ thải, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư,… của các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Tổ chức làm việc với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất; các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai sử dụng không đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng cán bộ, công chức. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ và biên chế để bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu công việc, thực hiện cải cách hành chính, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc chống lãng phí được thực hiện từ những khâu nhỏ nhất. Ngay từ khâu ban hành văn bản, các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng đảm bảo không vượt định mức, tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình tại địa phương và trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện, không chứa đựng các quy định không phù hợp, tiêu cực, lợi ích nhóm hoặc gây lãng phí, thất thoát tài sản, nguồn lực nhà nước. Không tham mưu ban hành các chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, chỉ ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh khi cân đối được nguồn lực ngân sách địa phương. 

Ban thanh tra nhân dân xã Chi Thiết (Sơn Dương) tổ chức giám sát việc thi công xây dựng tuyến đường bê tông tại thôn Ninh Phú.

Hay như việc tiết kiệm chi thường xuyên, trong 10 tháng đầu năm 2024, số dự toán đã thẩm định giảm gần 79 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tiết kiệm chi thường xuyên 10% của các cơ quan đơn vị khối tỉnh, đã tiết kiệm chi được gần 17 tỷ đồng; tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của các đơn vị dự toán khối tỉnh hơn 10,5 tỷ đồng;  tiết kiệm 5% từ nguồn thu được để lại năm 2024 của các đơn vị dự toán khối tỉnh hơn 3,6 tỷ đồng.

Cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lãng phí. Trong năm 2024 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát đối với 9 đảng viên thuộc 4 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy về việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên. MTTQ các cấp tổ chức 120 hội nghị phản biện vào các dự thảo kế hoạch, nghị quyết của tỉnh và các địa phương về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển; ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức các cuộc giám sát theo đúng quy định để các công trình, dự án đầu tư được triển khai đảm bảo, hạn chế tình trạng lãng phí.

Trong báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 2 đến ngày 5-12 vừa qua, giải pháp được tỉnh tăng cường trong công tác chống lãng phí năm 2025 và những năm tiếp theo, đó là: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả, thực chất; tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội, cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm, phản ánh; xây dựng kế hoạch và tập trung tổ chức kiểm tra, thanh tra một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách. Quyết liệt trong xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra để thu hồi tối đa cho Nhà nước tiền, tài sản bị vi phạm, chiếm đoạt, sử dụng sai quy định, lãng phí phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục là nhiệm vụ được các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh. Công tác này đã giúp Tuyên Quang có thêm nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục