Cán bộ vùng cao gần dân

- Ở địa bàn vùng cao, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, để xây dựng đời sống mới cho đồng bào, mỗi cán bộ ở đây không chỉ nỗ lực vượt khó mà phải gần dân, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, cùng dân bàn, cùng dân làm.

Chuyện xưa... 

Nhiều năm trước, vùng đất nơi được coi là "ruộng cuối" Na Hang lại nằm trong "vùng trũng" về đói nghèo của tỉnh. "Cái đói, cái nghèo", gắn liền với tên bản, tên mường và hiện hữu trong từng ngôi nhà. Đi liền với trình độ dân trí thấp là tư tưởng, thói quen sinh hoạt lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong đời sống người dân. Vì thế, giải bài toán xóa đói, giảm nghèo giúp người dân thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất luôn là nhiệm vụ đặt ra với cấp ủy, chính quyền huyện Na Hang.

Cán bộ xã Thanh Tương (Na Hang) kiểm tra tình hình sản xuất vụ xuân tại thôn Bản Bung.

Để các nghị quyết đi vào cuộc sống và tác động thực sự đến cuộc sống của từng hộ dân, những cán bộ của huyện phải thường xuyên "cắm cơ sở". Họ phải dành thời gian để xuống các thôn, bản để nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy đảng cơ sở triển khai các nghị quyết, chỉ thị của các cấp đi vào cuộc sống. Hộ nghèo cần gì các cán bộ bàn bạc với cấp ủy để có phương cách tác động phù hợp, theo phương châm cần gì giúp đấy. Nếu hộ dân đó nghèo do không có đất sản xuất thì đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ đất sản xuất; thiếu vốn làm ăn thì kết nối, hướng dẫn thủ tục vay để người dân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách... Có khi đến thời điểm chuẩn bị mùa cấy, cán bộ phải vào từng nhà xem bà con đã ngâm thóc giống chưa; mạ đã già, cán bộ phải đi nhổ mạ, cấy lúa cho bà con cho kịp thời vụ. Điển hình như đồng chí Đặng Văn Sình, Chủ tịch HĐND huyện Lâm Bình khi còn là cán bộ huyện Na Hang phải nhổ mạ từ thị trấn Na Hang mang lên tận xã Thượng Giáp cấy lúa cho bà con. Đường ngày trước còn khó khăn, 80 km phải đi từ sáng đến chiều mới tới nơi. Đó mới thấy công sức của cán bộ bỏ ra giúp bà con vùng cao lớn thế nào.

Đồng chí Ma Thanh Tân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Na Hang cho biết, không chỉ có đồng chí Sình đâu mà rất nhiều cán bộ huyện Na Hang thời điểm đó muốn tuyên truyền, vận động bà con nghe theo đều phải làm như vậy. Ngày nay, nền nông nghiệp của huyện đã có những bước phát triển mạnh, đã chủ động được lương thực, không còn hộ đói, số hộ nghèo đã giảm mạnh. Gần dân chính là bài học xuyên suốt, hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ. Gần dân, bám dân mới thấu hiểu hết được tâm tư nguyện vọng của dân, muốn vậy cán bộ lãnh đạo phải xuống thôn, bản phải trực tiếp gặp dân, nhất là các hộ nghèo, để vận động, hướng dẫn bà con cách làm ăn, xóa bỏ các hủ tục, không phá rừng làm rẫy, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao... vào chăn nuôi, trồng trọt; làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình để họ thật sự vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của bản thân và gia đình.

Chuyện nay

Chúng tôi theo chân đồng chí Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông đến với bà con thôn Pắc Củng, đây là thôn có đồng bào Sán Chỉ sinh sống thuộc diện khó khăn nhất của cả tỉnh. Đồng chí Hướng là cán bộ huyện được luân chuyển về xã. Con đường lên thôn chừng 12km rất nhiều đoạn dốc cao nay phần lớn đã được bê tông hóa, điện cũng đã được kéo về đến bản. Đồng chí Hướng chia sẻ: Khi mới nhận nhiệm vụ mình phải bỏ phần lớn thời gian để xuống với dân tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, nắm bắt được tiềm năng, lợi thế, những vấn đề nổi cộm của từng thôn để định hướng lãnh đạo cho phù hợp. Nếu mang danh cán bộ xuống hỏi, chưa chắc bà con đã nói hết đâu. Phải hòa đồng, dân dã, biết chia sẻ những khó khăn bà con mới thổ lộ. Có khi sau vài "bi" hút thuốc lào cho dễ nói chuyện, thấy "tâm đầu, ý hợp", bác chủ nhà mới vào trong cầm chai rượu ra rót mời, đó mới là lúc chủ khách mới thổ lộ hết mình.

Đồng chí Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông trao đổi với bà con thôn Pắc Củng về phát triển cây chè Shan tuyết.

Đồng chí Hướng chia sẻ, thôn Pắc Củng muốn có đủ lương thực thì phải có hệ thống kênh mương. Khi có chủ trương nhà nước hỗ trợ cấu kiện bê tông đúc sẵn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bàn Văn Tranh khá "liều" đăng ký liền một lúc 700m cấu kiện. Lo dân không làm nổi mình phải huy động toàn cán bộ, công chức xã xúm vào làm cùng bà con. Thấy làm được, bà con đăng ký làm thêm 2 đợt nữa vậy là thôn đã có hệ thống kênh mương khá hoàn chỉnh. Bà con thôn Pắc Củng hiện đã phát triển được gần 20ha chè Shan tuyết, chè bán rất chạy lại được giá nên  ai cũng vui. Mình đang giúp thôn làm thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, bản thảo vẫn nằm trong máy tính. Quan niệm giúp dân trước đây giúp dân là lo cho dân có "cần câu cá” bây giờ dân đã câu được cá rồi thì phải tính làm sao để có người mua cá, làm được điều đó dân mới giàu lên được.

Chị Tráng Thị Dện, thôn Pắc Củng cười vui nói đùa: "Mình không biết ông Hướng làm Bí thư xã đâu mà chỉ biết ông Hướng này hay đến giúp bà con, hay nói chuyện với bà con thôi. Bây giờ mình mới biết đấy".

"Lăn lộn" với bà con Thượng Nông gần 4 năm, đồng chí Hướng đã cùng bà con nơi đây xây dựng được thương hiệu gạo nếp Khẩu Láng, Khẩu Pái, phát triển vùng diện tích cây đậu tương, chè Shan tuyết; vận động nhân dân hiến đất làm tuyến đường trên 2km; xây dựng được đội ngũ cán bộ thôn bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hoạt động sinh hoạt các chi bộ trong Đảng bộ xã được nâng cao; an ninh trật tự được đảm bảo, đồng chí đã vận động được nhiều hộ đồng bào không theo tà đạo di chuyển về nơi ở mới... Khó khăn nhất như thôn Pắc Củng, đời sống của đồng bào nơi đây cũng đã được nâng lên rất nhiều.

Đồng chí Ma Thanh Tân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Na Hang cho biết thêm, với đặc thù là huyện vùng cao, cán bộ ở đây luôn phải nỗ lực vượt khó. Gần dân, sát dân, hiểu dân chính là bằng những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể có lợi cho dân. Và những hành động đó cũng phải được xuất phát từ sự hết lòng quan tâm, chăm lo đời sống cho dân để góp phần thay đổi cuộc sống của dân, giúp dân nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu và cải thiện cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Với cấp xã, Ban Thường vụ Huyện ủy giao mỗi đồng chí cán bộ chủ chốt phải có ít nhất 2 việc đột phá. Những việc được giao đều là những việc chăm lo cho dân, nếu không gần dân, vận động được dân thì chắc chắn nhiệm vụ sẽ không hoàn thành. Hầu hết các đồng chí được Ban Thường vụ "nhắm" xuống các xã đều là những xã khó khăn, xã mục tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, công việc sẽ nhiều hơn. Điển hình như đồng chí Lương Xuân Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông; đồng chí Bàn Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tương; đồng chí Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả... Những đồng chí này muốn hoàn thành công việc, trước hết tập thể lãnh đạo ở địa phương phải thật sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo để phát triển kinh tế - xã hội, làm cho đời sống của người dân ở địa phương mình không ngừng được nâng lên.

Gần dân, sát dân, chăm lo cho dân không chỉ ở chuyện vận động, hướng dẫn người dân biết làm kinh tế, cải thiện cuộc sống mà mỗi cán bộ lãnh đạo ở cơ sở cũng phải thật sự quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là trong việc chăm lo bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc của mỗi dân tộc đang sinh sống tại địa phương mình. Bởi vậy, mỗi cán bộ cần thường xuyên tiếp xúc, làm việc với quần chúng nhân dân, hòa mình vào những hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng, để lắng nghe những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của quần chúng để thấu hiểu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của họ. Và khi mỗi cán bộ biết gần dân, sâu sát nhân dân sẽ là nhân tố góp phần tạo nên mọi sức mạnh của Đảng, để lãnh đạo nhân dân, dân tộc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.


Thống nhất ý đảng lòng dân

Đồng chí Nguyễn Thành Trung
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình

Huyện Lâm Bình có 27 tổ chức cơ sở Đảng và 178 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với 3.654 đảng viên. Để tăng cường tính hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình từ cơ sở, cấp ủy huyện đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, cán bộ, chuyên viên các ban Đảng huyện ủy dự sinh hoạt các chi bộ. Các xã, thị trấn phân công các đồng chí đảng ủy viên, cán bộ Đảng ủy dự sinh hoạt chi bộ tại các thôn bản, khu phố.

Thông qua việc dự sinh hoạt chi bộ, các đồng chí cấp ủy viên cấp huyện, cấp xã và cán bộ các ban Đảng huyện ủy đã giúp các chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Từ công tác chuẩn bị, đến các bước tiến hành, việc xây dựng nghị quyết, thảo luận tham gia xây dựng nghị quyết chi bộ... Đồng thời, qua việc dự sinh hoạt trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ cơ sở, cấp ủy huyện đã kịp thời nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; tạo nên sự gắn bó mật thiết, sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân", góp phần phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức Đảng ở cơ sở.


Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc chấp hành phân công dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư

Đồng chí Phùng Thị Tuyết Mai
Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Yên

Thường trực Huyện ủy Hàm Yên đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc việc đi dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở được phân công phụ trách. Hàng quý, Ban Tổ chức Huyện ủy đều tổng hợp báo cáo kết quả đi dự sinh hoạt chi bộ của cấp ủy viên cấp huyện, cấp cơ sở; cán bộ, công chức cấp huyện. Các Đảng ủy cơ sở đã phân công đảng ủy viên dự sinh hoạt chi bộ hàng tháng và thực hiện báo cáo về thường trực đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy chỉ đạo giải quyết các vấn đề vướng mắc, có trách nhiệm giúp đỡ các chi bộ, chi ủy, bí thư chi bộ còn hạn chế trong việc chuẩn bị nội dung, điều hành buổi sinh hoạt chi bộ; giám sát thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng.

Qua đánh giá, việc chấp hành phân công dự sinh hoạt chi bộ dân cư của cấp ủy viên cấp huyện, cấp ủy cơ sở được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tích cực. 9 tháng đầu năm 2023, cấp ủy viên cấp huyện có 33 đồng chí dự 333 lượt chi bộ (tăng 24 lượt so cùng kỳ năm 2022), cán bộ, công chức cấp huyện có 92 đồng chí đã đi dự 380 lượt chi bộ (tăng 112 lượt so cùng kỳ năm 2022) và cấp ủy viên cấp cơ sở có 268 đồng chí đã dự 3.369 lượt chi bộ (tăng 57 lượt so cùng kỳ năm 2022).


Bám cơ sở, sâu sát thực tiễn qua dự sinh hoạt chi bộ

Đồng chí Trần Hữu Hùng
Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn

Qua dự sinh hoạt chi bộ tại các chi bộ trực thuộc các đảng ủy cơ sở được phân công phụ trách, tôi nhận thấy một số chi bộ còn hạn chế trong lãnh đạo công tác phát triển đảng viên, lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động... Tôi đã góp ý với các chi bộ cần quan tâm đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là hội viên, đoàn viên của các đoàn thể. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc việc học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với thực tế của chi bộ. Đến nay, các chi bộ đều làm tốt công tác tạo nguồn phát triển Đảng. Các chi bộ trong sinh hoạt đã chú trọng hơn công tác đánh giá hoạt động của các đoàn thể, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi đoàn thể theo từng tháng. Từ đó giúp các chi bộ khắc phục những hạn chế, thể hiện rõ hơn vai trò của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị của thôn.


Học tập được thêm nhiều kinh nghiệm

Đồng chí Hà Công Cương
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa An (Chiêm Hóa)

Khi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy viên của huyện về dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở, bản thân tôi cũng như các đảng viên ở cơ sở học tập được thêm nhiều kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng. Các đồng chí được phân công dự sinh hoạt với địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo giúp địa phương cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở... Góp phần giúp cho chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt, giúp cán bộ cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành hoạt động của chi bộ đi vào chiều sâu, đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Nhiều đồng chí cấp ủy viên đã linh hoạt chỉ đạo uốn nắn kịp thời những hạn chế, yếu kém ở cơ sở, tạo động lực chuyển biến trên nhiều lĩnh vực như hướng dẫn xây dựng báo cáo và đề ra kế hoạch hàng tháng của chi bộ, phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ nghèo... Đồng thời, qua các buổi dự sinh hoạt cũng là dịp để các đồng chí nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân, lắng nghe, kịp thời chia sẻ và gợi mở các phương án giải quyết, tạo nên sự gắn bó mật thiết, sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân".  Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ở các tổ chức cơ sở đảng.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục