Tri thức trồng lúa của người Tày

- Tháng 6-2023, Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày của thị trấn Lăng Can, các xã Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên, huyện Lâm Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn và phát huy. Đây là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào Tày địa phương khi một di sản về lĩnh vực "tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng" được vinh danh.

Cây lúa nước và cuộc sống của người Tày 

Dân tộc Tày là cư dân bản địa, cư trú lâu đời nhất trên vùng đất Lâm Bình, chiếm 62% dân số toàn huyện. Bản của người Tày thường ở những vùng thấp, ven chân núi, gần sông, suối nên hoạt động kinh tế cơ bản của đồng bào dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng lúa nước là hoạt động chủ đạo và trở thành nghề truyền thống. Canh tác lúa nước không chỉ làm ra nguồn lương thực nuôi sống con người, mà còn tạo ra không gian văn hóa, bề dày lịch sử mang bản sắc riêng của đồng bào Tày nơi vùng núi cao. Đó là trí tuệ, sức chinh phục thiên nhiên và thái độ sống thuận tự nhiên của người miền núi.

Mùa lúa chín ở thôn Bản Bon, xã Phúc Yên.

Bà Chẩu Thị Hòa, dân tộc Tày thôn Nà Vàng, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, đối với đồng bào Tày ở Lâm Bình thường trồng 2 vụ lúa, vụ xuân và vụ mùa. Mỗi vụ đều tiến hành các kỹ thuật canh tác. Đầu tiên người dân tiến hành phân loại ruộng nước thành ruộng nước khô, ruộng nước ngâm, ruộng rộc, ruộng đầm lầy. Sau vụ thu hoạch, đồng bào tiến hành phát cây cỏ ở ruộng, trải rơm, rạ xung quanh thửa ruộng. Khi cỏ, rơm, rạ trong ruộng khô thì tiến hành đốt. Lượng tro bùn làm tăng độ màu mỡ cho đất, đồng thời đốt rạ sẽ đốt cháy cả trứng các loại côn trùng, sâu bọ làm hại lúa. Sau khi đốt xong, đồng bào chặt cây chó đẻ ủ kín trên lớp tro, để tro bùn ngấm dần xuống đất, không bị gió thổi làm bay bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đồng thời cây chó đẻ phân hủy tạo thành phân hữu cơ rất tốt cho đất.

Sau khoảng 10 ngày, đất tiếp tục được cải tạo qua các khâu cày, phơi đất, bừa. Tổ tiên người Tày ở Lâm Bình từ xa xưa đã biết dùng sức trâu để cày, bừa. Cày phổ biến là cày chìa vôi, sử dụng để làm cho lớp đất trên mặt ruộng lật xuống dưới, lớp đất cày sâu không quá 10 cm, ngâm đất trong nước và phơi ải khoảng 20 ngày, khi đất mềm ra thì tiến hành bừa.

Chiếc bừa cổ truyền là bừa răng làm bằng gỗ hoặc tre bao gồm bừa đơn và bừa kép. Đồng bào tiến hành bừa 2 lần trước khi cấy lúa: Lần 1 là bừa đất nhuyễn, lần 2 là bừa đất tạo mặt phẳng để thực hiện cấy lúa. Riêng với loại ruộng đầm lầy thì không cần cày bừa, mà cho trâu sục nát bùn trước khi cấy. Việc "dẫn thủy nhập điền" của người Tày cung cấp nguồn nước cho ruộng nước được thực hiện qua hệ thống: Mương, phai, kè, lạch nước, ống dẫn nước, máng nước và cọn nước. Người Tày ở Lâm Bình ngày nay còn lưu truyền câu thành ngữ "ở đâu có nước ở đó có cây lúa. Ở đâu có cây lúa ở đó có bản".

Bà Quan Thị Tuyền, dân tộc Tày thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm khẳng định, là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ rất sớm, đồng bào Tày ở Lâm Bình đã thuần hóa nhiều loại lúa hoang, trong đó có hai loại giống gồm giống lúa tẻ và lúa nếp. Giống lúa tẻ thì có giống ngắn ngày, giống dài ngày, tùy thuộc ruộng đất nhiều hay ít, tốt hay xấu, đồng bào cấy các giống lúa cho phù hợp.

Chiếc cọn dẫn nước quen thuộc từ suối lên các thửa ruộng của người Tày xứ Tuyên.

Ngoài ra người Tày còn có kỹ thuật làm mạ, cấy lúa, chăm sóc, giữ nước, làm cỏ, sục bùn, bón phân, bảo vệ sâu bệnh, thu hoạch. Ở Lâm Bình, lúa nếp thường được gặt trước. Thu hoạch lúa nếp xong, đồng bào tiến hành thu hoạch lúa tẻ. Theo tập quán xưa, đồng bào Tày dùng nhíp cắt từng bông lúa. Sau này, đồng bào dùng liềm để gặt lúa, rồi bó vào thành từng cum và vận chuyển về nhà. Các cum lúa được phơi trên những sàn bằng tre, hoặc nứa khoảng từ 3 - 4 ngày, sau đó tiến hành đập lúa. Dụng cụ đập lúa là máng đóng bằng thân cây gỗ to, khoét sâu ở lõi gọi là loỏng, có gia đình dùng trâu quần trên sân cho đến khi thóc rụng hết ra khỏi rơm. Thóc được loại sạch rơm rác, phơi trên sân cho khô rồi dùng quạt tay, hoặc quạt hòm quạt sạch trấu, hạt lép, sau đó cất vào bồ, hoặc bao để trên sàn.

Trong năm, đồng bào Tày thường tổ chức 4 nghi lễ liên quan đến chu kỳ mùa vụ, đó là: Lễ hội Lồng Tông, Tết Đắp Nọi, Tết Đoan Ngọ, Tết Cơm Mới. Truyền thống trồng lúa nước đem đến những món ẩm thực đặc sắc như bánh chưng, bánh dày, làm xôi ngũ sắc, bánh khảo, bánh gai, bánh chứng kiến, bánh gio, cốm, bún, cơm lam, mắm cá ruộng. Cuộc sống thuần nông được thể hiện thông qua niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của người Tày trong đời sống lao động sản xuất. Đồng thời, phản ánh sự ngưỡng vọng về một cuộc sống "phong đăng hòa cốc", nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt...

Bảo tồn và phát triển

Truyền thống trồng lúa nước Lâm Bình gắn bó với cộng đồng người Tày ở đây từ buổi đầu sơ khai lập bản cho đến nay, cơ bản được đồng bào thực hành, bảo tồn và truyền bá cho các thế hệ trẻ. Ông Quan Văn Sứ, dân tộc Tày thôn Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình) chia sẻ, khoảng 20 năm trở lại đây, truyền thống trồng lúa nước Lâm Bình được bổ sung những yếu tố mới và một số yếu tố truyền thống có nguy cơ mai một. Cụ thể như trước đây, để đưa nước lên các khu ruộng cao, đồng bào sử dụng cọn. Ngày nay, đồng bào dùng máy bơm đưa nước trực tiếp từ suối lên ruộng. Các địa phương còn sử dụng cọn nước ở huyện Lâm Bình hiện nay có các xã: Lăng Can, Thượng Lâm, Phúc Yên. Phần lớn các hộ gia đình đã sử dụng máy cày thay cho sức kéo của trâu, sử dụng máy gặt, máy tuốt lúa, máy xay xát. Do đó, một số dụng cụ truyền thống như cối giã gạo bằng sức nước, cối giã gạo bằng chân, quạt hòm, loỏng, nhíp... ít được sử dụng.

Kỹ thuật cấy lúa nước của đồng bào Tày thị trấn Lăng Can.

Trao đổi về một số tập quán canh tác truyền thống, bà Ma Thị Toán, dân tộc Tày thôn Bản Tha, xã Hồng Quang (Lâm Bình) khẳng định, kỹ thuật làm cỏ, sục bùn bằng việc thả cá chép xuống ruộng chỉ còn 2 xã duy trì, là Khuôn Hà và Phúc Yên. Thêm vào đó, là tình trạng sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu, phân hóa học trong việc phòng trừ sâu bệnh cho lúa đã ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Trước đây, gạo ở Lâm Bình là đặc sản của địa phương, được biết đến là sản phẩm sạch, ngon, dẻo, thơm. Nhờ đó, các món ăn được chế biến từ gạo Lâm Bình cho chất lượng cao, được du khách ưa chuộng. Ngày nay, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một phần nào làm giảm chất lượng của gạo, đặc biệt là tiêu chuẩn gạo sạch không còn được đảm bảo. Một số món ăn truyền thống như mắm cá chép ruộng có nguy cơ mai một. Một số yếu tố văn hóa truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán như lễ giã cốm trong Tết Mừng cơm mới không còn duy trì nữa. Một số xã như Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm không ăn Tết Đắp Nọi như xưa.

Việc áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất như máy gặt, máy cày, máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy xát gạo làm phá vỡ cảnh quan bản Tày truyền thống. Hình ảnh quen thuộc trong các bản Tày xưa, như: Cọn nước, cối giã gạo bằng sức nước, máng lần đưa nước về nhà sàn và các dụng cụ sản xuất truyền thống dần vắng bóng.


 Người Tày Lâm Bình tự hào về Tri thức và tập quán canh tác lúa nước của mình.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, huyện Lâm Bình xác định cây lúa nước là cây trồng chủ lực, đồng thời có giải pháp vực dậy tiềm năng cây lúa, khẳng định thương hiệu lúa Lâm Bình trên thị trường. Hàng năm, huyện phối hợp các cấp, các ngành khuyến khích đồng bào tổ chức các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp gắn với phát triển du lịch như: Tổ chức các trò chơi dân gian (thi ném còn, cấy lúa, kéo); tổ chức các cuộc thi về văn hóa ẩm thực để giới thiệu các món ăn truyền thống được chế biến từ lúa gạo của địa phương, từ đó xây dựng thương hiệu cho các món ăn đặc sản của quê hương. Huyện cũng tập trung xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Tày tiêu biểu ở các xã, phục dựng không gian truyền thống về nghề trồng lúa nước, như cọn nước, máng lần dẫn nước, cối giã gạo bằng sức nước, các dụng cụ sản xuất truyền thống: Loỏng, cối giã gạo, quạt hòm, quang gánh. Từ đó từng bước đưa truyền thống canh tác lúa nước trở thành sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch, cải thiện nâng cao đời sống Nhân dân.

Phấn khởi với di sản mới được ghi danh, đồng bào Tày Lâm Bình cần nâng cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; trong đó phát huy vai trò của trưởng bản, trưởng dòng họ và vai trò của nghệ nhân dân gian trong việc tuyên truyền, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hiện nay, Lâm Bình đang trên đà phát triển du lịch, các sản phẩm ẩm thực từ lúa sẽ tạo cho bữa cơm thêm ấn tượng, đậm đà chất miền núi. Hy vọng qua việc vinh danh này, các sản phẩm gạo ngon của Lâm Bình sẽ được du khách tìm mua, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng canh tác hữu cơ bền vững.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục