Thi trèo cây chuối thu hút đông đảo người dân và du khách về với bản làng vùng cao vào dịpTết. Ảnh: Lê Đức
Kéo co
Thi kéo co được chia làm hai bên, mỗi bên có số người bằng nhau, có khi cả hai bên đều là nam hoặc nữ, có khi bên nam, bên nữ hoặc cả nam lẫn nữ. Trọng tài kẻ một vạch ở giữa làm tâm, còn hai đội dùng dây thừng dài khoảng 20 m căng đều ra hai phía và có đánh dấu khoảng giữa trùng với tâm vạch. Trọng tài cầm trịch ra hiệu lệnh để hai bên ra sức kéo, bên nào kéo sao cho sợi dây thừng có phần đánh dấu về bên mình là chiến thắng.
Đẩy gậy
Môn thể thao không thể thiếu trong ngày hội xuân đầu năm ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là môn đẩy gậy. Để tổ chức thi đấu môn thể thao này chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng loại gỗ tốt, thẳng hoặc tre già có chiều dài 2 m, được sơn 2 màu khác biệt; thân gậy được làm nhẵn và có đường kính bằng nhau (khoảng 5 cm). Sân thi đấu là một vòng tròn có đường kính 5 m, có vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân. Trọng tài môn này thường mặc trang phục đồng bào dân tộc hoặc trang phục màu đen có thắt lưng bằng vải đỏ. Khi các vận động viên đã ở tư thế sẵn sàng, đúng luật, trọng tài một tay cầm chính giữa gậy, hô “chuẩn bị”, sau đó thổi một hồi còi phát lệnh cho hiệp đấu bắt đầu, đồng thời buông tay cầm gậy ra.
Môn đẩy gậy thu hút mọi lứa tuổi tham gia tại các lễ hội, giải thể thao.
Cà kheo
Là môn thể thao dành cho tập thể, chủ yếu là nam nữ thanh niên. Khi bắt đầu trò chơi, người chơi sẽ đi trên cây cà kheo để thi đấu. Để đi được trên cà kheo đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khỏe tốt và phải khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Trong quá trình thi đấu nếu ai ngã hoặc chậm hơn đối thủ sẽ là người thua cuộc. Đi cà kheo thường có các kiểu thi như thi đi bộ, thi chạy.
Bước chạy cà kheo. Ảnh: Quang Minh
Đánh yến
Trò đánh yến cũng gần giống như đánh cầu lông. Quả yến được làm bằng tre mai, giữa đế nối một ống trúc ngắn cắm từ ba - năm chiếc lông gà. Cũng là thao tác tung con yến (hay còn gọi là quả yến) lên không trung, dùng bàn yến hoặc bàn tay đánh qua lại giữa hai người chơi với nhau để con yến không bị rơi xuống đất. Chơi đánh yến để rèn luyện sức khỏe, nhưng không tổ chức thành giải thi đấu, không có luật chơi, không phân thắng thua giữa những người chơi.
Đánh yến ngày Xuân.
Đánh quay
Đánh quay (đánh cù) là trò chơi dân gian của người Mông ở nhiều địa phương trong tỉnh như Yên Lâm (Hàm Yên), Hùng Lợi (Yên Sơn), Đông Thọ (Sơn Dương) và nhiều xã của huyện Na Hang, Lâm Bình. Sự độc đáo của đánh quay là người chơi tự làm cho mình một con quay bằng gỗ tốt, có độ dẻo cao. Gỗ được đẽo nhẵn, tạo ra một hình tròn, đầu có khấc để người chơi cuốn dây vào con quay để quay. Con quay nào quay tít hơn, lâu hơn chứng tỏ người đó khéo tay và có độ thẩm mỹ cao. Người già, người trẻ, thiếu nữ trong bản váy áo thướt tha xem các chàng trai đánh quay. Từ những cuộc chơi đó, không ít người bén duyên nhau, thành vợ thành chồng.
Xuân đến trên các bản làng quê hương Tuyên Quang rộn rã với những môn thể thao giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Chúng ta hãy chọn cho mình một chuyến hành trình đầu xuân với các trò chơi dân gian lý thú.
Gửi phản hồi
In bài viết