“Lật mặt” hàng giả
Thực hiện Kế hoạch về việc cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Ngày 15/12/2023, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thời trang trên đường Quang Trung (TP Tuyên Quang). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 103 sản phẩm là quần áo may sẵn các loại và tất đeo chân có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của hãng Louis Vuitton, Dior, Adidas. Tổng giá trị hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là 33,22 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.
Ngày 25/12/2023, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại trên địa bàn phường Tân Quang (TP Tuyên Quang). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 500 sản phẩm linh, phụ kiện điện thoại bao gồm củ sạc, dây sạc, kẹp điện thoại, kính cường lực các loại không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2023, Cục QLTT đã thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 657 vụ, tổng số vụ vi phạm 329 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,219 tỷ đồng, đạt 111% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023; thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 240 triệu đồng, số tiền thu lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là hơn 42 triệu đồng; trị giá hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy là hơn 1,3 tỷ đồng; trị giá hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu chờ xử lý là gần 1,4 tỷ đồng.
Nỗi lo thực phẩm “bẩn”
Nhiều năm qua, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn là bài toán khó cho cơ quan quản lý không chỉ riêng Tuyên Quang mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước.
Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ có chiều hướng gia tăng khiến người tiêu dùng bất an. Tại Tuyên Quang, mới đây nhất, vào ngày 2-1-2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh và Ban Quản lý chợ thành phố Tuyên Quang kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 45 kg chân gà đông lạnh, 30,6 kg Hotdog phomai loại 900 g/gói, 58 kg trân châu, 30 gói bánh bao loại 400g/gói là hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và thu giữ số thực phẩm trên chờ xử lý.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa của một số hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Trước đó, vào tháng 2-2023, tại Km 18 thuộc địa phận xã Đội Bình (Yên Sơn), Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra, phát hiện ông Đ.Đ.D, trú tại phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) vận chuyển 188 kg xúc xích không có nguồn gốc xuất xứ, một số sản phẩm đã hư hỏng. Theo khai nhận của ông D., số lượng xúc xích trên được mua từ Lào Cai về để bán lẻ cho người tiêu dùng chủ yếu là vùng sâu, vùng xa.
Tiếp đến, khoảng 19 giờ ngày 6/3/2023, tại khu vực tổ 7, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), Phòng Cảnh sát Môi trường và Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Đội QLTT số 1 của Cục QLTT tỉnh phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 22A-074.36 do bà N.T.N, sinh năm 1971, trú tại tổ 6 phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang điều khiển, vận chuyển 378 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc. Số thực phẩm trên gồm 278 kg xúc xích và 100 kg chả mực, toàn bộ là hàng đông lạnh. Khi làm việc với cơ quan chức năng, bà N. không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của số hàng nêu trên. Số thực phẩm này cũng không ghi hạn sử dụng và bốc mùi hôi thối.
Bà N. khai nhận đã mua số thực phẩm trên tại thành phố Yên Bái với giá rẻ, vận chuyển về Tuyên Quang để tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, bàn giao cho Đội QLTT số 1 để xử lý và tiêu hủy theo quy định.
Chị Tạ Thùy Giang, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết: “Dịp gần Tết, hàng hóa tràn ngập, nhưng rất khó lựa chọn. Tôi chỉ dám mua hàng ở những nơi quen biết, rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng vì những thông tin cơ sở sản xuất bánh kẹo, thực phẩm vi phạm bị xử lý gần đây. Không dám chắc những hàng hóa mình mua đều bảo đảm chất lượng”.
Ông Nguyễn Thành Chung, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh cho biết, năm 2023, Đội đã kiểm tra, phát hiện 134 vụ, trong đó có nhiều vụ liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy lên tới 300 triệu đồng. Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh chân chính, lực lượng QLTT đã tích cực đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, buôn lậu. Thời gian tới, các kiểm soát viên thị trường tiếp tục trinh sát, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm.
Quyết liệt tuyên chiến
Theo Kế hoạch số 02, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu; hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm,… góp phần ổn định thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Các sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn và lĩnh vực quản lý chủ động nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trị giá 600 triệu đồng.
Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra nhóm hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và các sản phẩm chế biến từ động vật… Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho Nhân dân.
Về phía Công an tỉnh, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp tuần tra, kiểm tra để chủ động phát hiện xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng kém chất lượng vận chuyển vào địa bàn dịp Tết 2024; phối hợp với các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm.
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ sở kinh doanh và ý thức cảnh giác cho người dân trước các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong dịp mua sắm Tết.
Đồng chí Lê Mạnh Thao, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục QLTT Tuyên Quang yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc cần tập trung quán triệt, triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT; xác định rõ tuyến, địa bàn trọng điểm, các nơi tập kết, bốc xếp vận chuyển hàng hóa vi phạm; bố trí công chức tham gia trực 24/24 giờ để tiếp nhận, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Theo đó, người tiêu dùng có quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho mình và cộng đồng. Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để mua được những sản phẩm đúng chất lượng, người tiêu dùng chủ động lựa chọn mua hàng ở các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín; mua hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, nhãn mác rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, sản xuất; kiên quyết tẩy chay với các hàng hóa thiếu các thông tin, xuất xứ theo quy định.
Gửi phản hồi
In bài viết