Điểm sáng về phát triển kinh tế
Năm 2023, trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn so với dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, linh hoạt của BCH Đảng bộ tỉnh, các cấp, ngành, các địa phương và Nhân dân trong tỉnh kiên định mục tiêu, đoàn kết, tích cực, chủ động, khắc phục khó khăn triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tuyên Quang là điểm sáng của cả nước và khu vực về phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,46% so với năm 2022. Với kết quả này, Tuyên Quang xếp thứ 2/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng đầu trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố.
Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch. Trong đó GRDP bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm (kế hoạch 55,7 triệu đồng/người/năm). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.287,42 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán (kế hoạch 3.200,45 tỷ đồng).
Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tại Lâm Bình. Ảnh: Ngọc Hưng
Trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị trên diện tích đất canh tác được nâng lên, tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,6% so với năm 2022. Trồng rừng 11.570,5 ha, đạt 114,6% kế hoạch. Toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể, trong đó 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá).
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã; lũy kế đến nay toàn tỉnh có tổng số 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt trong năm tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2023 - 2025.
Về phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, năm 2023 là một năm có nhiều điểm nhấn quan trọng. Tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động lễ hội, quảng bá điểm đến của tỉnh: Tổ chức thành công Chương trình Khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và trao “Giải thưởng phong cảnh thành phố Châu Á” năm 2022 cho “Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng” và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II - năm 2023; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 quy mô cấp quốc gia; phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch. Tỉnh thu hút 2.650 nghìn lượt khách du lịch, đạt 106% kế hoạch; tổng thu từ khách du lịch 3.200 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch.
Công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường được tăng cường; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu cho một số sản phẩm chủ yếu. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9% (kế hoạch tăng 9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 34.000 tỷ đồng, đạt 117,2% kế hoạch, tăng 12,8% so với năm 2022. Hệ thống hạ tầng dịch vụ, thương mại, viễn thông, thông tin; bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin có bước phát triển nhanh.
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh đã chủ động, phối hợp với các cơ quan Trung ương cân đối, bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục; đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về kết nối giao thông để liên kết vùng, tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điểm nhấn quan trọng về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; khởi công dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); hoàn thành đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi Suối khoáng Mỹ Lâm; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) đến ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang). Cùng với đó, trong năm 2023 nhiều công trình xây dựng trọng điểm của tỉnh cũng đã được khởi công xây dựng như: Trường Trung học phổ thông Chuyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại địa điểm mới, Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm...
Trong phát triển công nghiệp, tỉnh thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; duy trì công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn, như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Nhà máy sản xuất gang thép, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Woodsland... Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7% so với năm 2022 (kế hoạch 15,4%). Đặc biệt tỉnh tiếp tục thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Lĩnh vực đầu tư cũng có tín hiệu tích cực. Trong năm tỉnh đã tiếp nhận 123 hồ sơ dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay có 08 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 19.911 tỷ đồng (trong đó có 02 dự án FDI, 1 dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, vốn đầu tư 18.200 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Tiền đề vững chắc để tăng tốc
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh về những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Theo đó năm 2024 toàn tỉnh phải tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian, động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững. Nhiệm vụ trong thời gian tới, tỉnh hoàn thành các kết nối 2 hành lang phát triển vùng.
Toàn cảnh Lễ cắt băng khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Năm 2024 là năm bứt phá tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên 9%, thu ngân sách 3.862 tỷ đồng đó là những mục tiêu thách thức rất lớn đòi hỏi cần phải thống nhất là chỉ đạo điều hành một cách quyết liệt mạnh mẽ toàn diện đảm bảo tăng trưởng cao trên cả 3 lĩnh vực, trong đó giá trị tăng thêm của khu vực nông nghiệp phải được 4,85%; khu vực công nghiệp phải đạt 14,16% và khu vực dịch vụ phải tăng 8,22% theo kế hoạch mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh được HĐND tỉnh thống nhất.
Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phải tập trung cao độ vào các vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng xây dựng nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu biểu và liên kết chặt chẽ doanh nghiệp hợp tác xã với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Tỉnh tập trung xây dựng Đề án Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch cả nước, cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia. Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm là Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế. Xây dựng, nâng cấp Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội có quy mô, thương hiệu quốc tế.
Về phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên phát triển sản phẩm dựa vào công nghệ mới, giá trị gia tăng cao, như: chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện tử, sản xuất năng lượng sạch... Đẩy nhanh giải quyết thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ, thu hút các dự án đầu tư mới. Thường xuyên nắm tiến độ sản xuất, kinh doanh của các sản phẩm công nghiệp, đôn đốc các doanh nghiệp phát huy tối đa công suất, hiệu quả hoạt động của các nhà máy, bảo đảm hoàn thành vượt chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp.
Với những kết quả quan trọng, nổi bật trong năm 2023 và nhìn lại hơn nửa chặng đường triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, có thể khẳng định Tuyên Quang đã tận dụng tốt cơ hội, chủ động vượt qua các khó khăn, thách thức, đoàn kết, giữ vững sự ổn định, đổi mới và phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả hơn. Chúng ta có quyền tự hào đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh khá toàn diện, bền vững khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết