Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu

- Xác định nhãn hiệu, thương hiệu là “chìa khóa” để các sản phẩm của tỉnh khẳng định chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho nhiều sản phẩm, dịch vụ của tỉnh.

Sản phẩm cà chua của Hợp tác xã Cà chua Thành Long (Hàm Yên) đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

“Chìa khóa” nâng tầm sản phẩm

Những ngày này, cánh đồng cà chua ở thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên) đang nhuộm màu vàng, màu đỏ của những quả cà chua chín cây. Cà chua thu hoạch đến đâu là hết đến đấy. Ông Nguyễn Văn Bắc, Trưởng thôn Hưng Long, đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cà chua Thành Long chia sẻ, vốn nghề trồng cà chua ở Hưng Long đã có từ hơn 30 năm, dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng giá trị vẫn thấp, do sản phẩm cà chua sau khi thu hoạch chỉ bán được cho các thương lái nhỏ lẻ trong huyện. Từ năm 2022, HTX được Dự án Koica thuộc chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang đầu tư sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP, có nhãn hiệu tem mác sản phẩm. Đặc biệt, tháng 1 - 2023, sản phẩm cà chua Thành Long đã được công nhận là sản phẩn OCOP hạng 3 sao. Với nhãn hiệu cà chua Thành Long được giới thiệu và quảng bá rộng rãi, các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch như OCOP Tâm Hương, Sáng Nhung và một số tỉnh Yên Bái, Hà Giang, TP Hà Nội… Giá trị tăng 25 - 30% so với trước. Giá trung bình 10.000 đồng/kg, có thời điểm giá cà chua lên tới 40.000 đồng/kg. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng vùng trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hơn 2 năm nay, người trồng bưởi Soi Hà của huyện Yên Sơn thuộc các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực, Quý Quân, Tân Long, Kiến Thiết, Tân Tiến, Lang Quán, thị trấn Yên Sơn không còn cảnh sản phẩm bưởi bị đánh tráo, trà trộn với các bưởi cùng loại trên thị trường. Bởi bưởi Soi Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Sản phẩm Bưởi Soi Hà huyện Yên Sơn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, xây dựng thành công nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp: Gạo đặc sản Tân Trào, lạc Chiêm Hóa, bưởi Phúc Ninh, chè xanh Trung Long, rau an toàn Hồng Thái... Còn có các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu như: Quả cầu chữa cháy, sản phẩm giấy, rượu 9 chum, nước khoáng Phú Lâm, dịch vụ taxi Thành Uyên... Các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã thực sự phát huy hiệu quả, 100% sản phẩm sau bảo hộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên thị trường.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Với tầm quan trọng và để khuyến khích, hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 102 ngày 31/5/2022 về thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2022, tỉnh cũng triển khai Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025”. 15 mã số vùng trồng được chứng nhận, đảm bảo đủ các điều kiện để xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ và các nước EU.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang được tỉnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu khẳng định vị thế trên thị trường.

Để làm được điều này, tỉnh có chính sách tín dụng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân 100% kinh phí xây dựng và quản lý nhãn hiệu và cấp mã số, mã vạch cho sản phẩm, dịch vụ... Đồng thời, tạo điều kiện cho các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế kết nối phát triển thị trường trong nước tiến tới thị trường xuất khẩu.

Riêng năm 2023, toàn tỉnh có 16 hàng hóa, dịch vụ được cấp Văn bằng bảo hộ. Nâng số sản phẩm, dịch vụ của tỉnh được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đến nay lên 307 sản phẩm, dịch vụ. Trong đó có, 4 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết Na Hang và Rượu ngô men lá Na Hang.

Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đang cùng với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ huyện Chiêm Hóa hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trâu, thịt trâu Chiêm Hóa gửi về Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đang phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 03, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất cho 24 nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, việc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh được bảo hộ đã góp phần tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Nhiều sản phẩm của tỉnh đã đi vào thị trường và khẳng định vị thế, trong đó 1 số sản phẩm đã vươn tầm khu vực, xuất khẩu ra thị trường thế giới như chè, mật ong, cá đặc sản, gỗ rừng trồng... Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh về hỗ trợ các địa phương, cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của tỉnh, như: Vịt bầu Minh Hương, hồng ngâm Xuân Vân, lạc Lâm Bình, chè Sơn Dương. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, Tuyên Quang sẽ xây dựng Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu quốc gia.


Siết chặt quản lý thực phẩm

Ông Lê Xuân Vân

Trưởng Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đây cũng là lúc nhiều gian thương lợi dụng trà trộn hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm... vào thị trường tiêu thụ để trục lợi.  Nắm rõ quy luật của thị trường, Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu với Sở Y tế thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo luật định, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Phòng cũng tiến hành kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; kiểm tra điều kiện sản xuất, cơ sở chế biến, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... bảo đảm an toàn nhất cho người tiêu dùng.


Ưu tiên sử dụng hàng Việt

Bà Bùi Thị Phúc Hoa

Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương

Hàng năm, Sở Công Thương triển khai hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam, điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ và tạo thói quen tiêu dùng hàng trong nước, khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm nông sản địa phương đến bà con nhân dân. Riêng năm 2023, Sở hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 6 điểm bán hàng OCOP và 1 điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương.

Cùng với các hoạt động tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” cũng được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa lớn. Các hoạt động tuyên truyền tập trung vào xây dựng thói quen tiêu dùng lành mạnh, lựa chọn hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo phù hợp với thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân…


Ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ông Nguyễn Ngọc Bình

Đội trưởng Đội QLTT số 2 huyện Khu vực Hàm Yên, Chiêm Hóa

Thực hiện sự chỉ đạo Cục QLTT tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Đội QLTT số 2 huyện Khu vực Hàm Yên, Chiêm Hóa xác định công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.  Đội tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, kết hợp với các lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn. Bên cạnh hoạt động chuyên môn thanh kiểm tra, xử lý, Đội cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân; vận động người dân không tham gia tiếp tay, vận chuyển và tích cực tố giác các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoạt động kinh doanh trái pháp luật.


Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh qua mạng

Bà Trần Thị Phương

thôn Làng Thiện, xã Thiện Kế (Sơn Dương)

Ngày nào mở mạng xã hội zalo, facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Lúc có nhu cầu, thấy mẫu mã họ bán đẹp, giá rẻ nên tôi mày mò mua một vài thứ nhưng khi mình nhận thì hoàn toàn không đúng màu sắc và chất lượng như hình ảnh cũng như lời giới thiệu trên mạng. Chính vì vậy,  tôi rất mong các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả... và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các sai phạm.


Tăng cường phối hợp tuyên truyền

Đồng chí Vũ Xuân Quỳnh

Chủ tịch UBND phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)

Tân Quang là một trong những phường trung tâm của thành phố, nơi có Chợ Tam Cờ và nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất với đa dạng các ngành hàng, mặt hàng. Để kiểm soát thị trường, phường đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố, của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất chấp hành, thực hiện tốt hoạt động kinh doanh, sản xuất; nâng cao nhận thức, ý thức trong đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Dịp Tết nguyên đán, lượng tiêu thụ hàng hóa tăng cao, phường tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, ngành chuyên môn và lực lượng chức năng, chỉ đạo các tổ dân phố tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở, thông qua họp tổ dân phố để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân không tham gia, không tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhân dân phát hiện cơ sở, hộ kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng báo tin, tố giác đến các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Dương Châu

Tin cùng chuyên mục