Độc đáo tranh đá cuội

- Những viên đá sỏi vô tri vô giác, qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của cô, trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Thanh Tương (Na Hang) đã trở nên sống động và có hồn hơn bao giờ hết. Với khách du lịch, mỗi bức tranh lại giống như một câu chuyện kể về huyền tích đất và người nơi này, bình dị mà lưu luyến, khó quên.

Mỗi viên đá, một câu chuyện

Hương sắc hoa lê, Du xuân, Những cô gái vùng cao... là những bức tranh được nhóm học sinh trong Câu lạc bộ Mỹ thuật Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Thanh Tương hoàn thành. Những viên đá cuội được lựa chọn tỉ mỉ, sắp xếp theo bố cục hợp lý, hài hòa màu sắc... như dẫn dắt người xem bước vào từng chủ đề của bức tranh.

Gian hàng của Câu lạc bộ Mỹ thuật thu hút rất đông khách du lịch, trong đó có khách du lịch nước ngoài tại Lễ hội Hương sắc Na Hang.

Câu lạc bộ có 35 thành viên đều là những học sinh yêu thích hội họa. Cô giáo Quan Thị Hiếu, Giáo viên phụ trách câu lạc bộ chia sẻ, ban đầu câu lạc bộ chỉ sinh hoạt như những câu lạc bộ khác trong trường học như âm nhạc, thể thao. Những bức tranh cũng chủ yếu được vẽ trên giấy, trên tường. Một lần dẫn học sinh đi thực tế, thấy những viên sỏi nhỏ có thể tạo hình được, cô Hiếu nghĩ sao không thử dùng đá cuội, sỏi để làm thành chất liệu mới cho tranh?

Nghĩ là làm, tranh thủ ngày nghỉ, cô và trò lại cùng nhau lọ mọ ra bờ suối, bờ sông nhặt từng viên, về cọ rửa sạch sẽ rồi phân loại theo từng kích cỡ, hình thù. Những viên sỏi nhẵn nhụi, tròn trịa kích cỡ như quả trứng gà được lựa chọn để tạo hình người, những viên nhỏ hơn dùng để tạo hình hoa hay con vật…

Những bức tranh đầu tiên thành hình, đó là tranh về chủ đề gia đình, rồi kỳ công hơn, là tranh về phong cảnh, văn hóa Na Hang...

Chủ  nhiệm Câu lạc bộ Hoàng Phi Băng, lớp 8B chia sẻ: Vẽ tranh trên đá cuội không giống như vẽ trên chất liệu giấy, vải như thông thường. Đá cuội thường có kích thước nhỏ nên không hề dễ dàng trong việc vẽ, cần sự tỉ mỉ rất cao. Khi bắt tay vào làm, chúng em cũng ngại lắm vì nếu so với vẽ tranh thông thường, vẽ tranh trên đá cuội tỉ mỉ hơn, qua nhiều công đoạn hơn. Nhưng khi nhìn những viên đá vô tri thành hình hài, có hồn, chúng em lại say mê hơn... Băng bảo, như bức tranh Hương sắc hoa lê, ngoài tạo hình cho sỏi thành những thiếu nữ dân tộc thiểu số, chúng em còn tỉ mỉ lựa chọn những viên sỏi nhỏ màu trắng để gắn lại thành những bông hoa lê trắng muốt nữa. Thời gian trung bình để tạo ra một bức tranh như này có khi kéo dài cả ngày nghỉ.

Tranh Hương sắc hoa lê của nhóm học sinh làm từ đá cuội.

Sứ giả du lịch

Năm 2022, những bức tranh từ đá cuội của Câu lạc bộ Mỹ thuật Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Thanh Tương được trao giải Ba.

Cô giáo Quan Thị Hiếu bảo, sau cuộc thi này, Câu lạc bộ bắt đầu tính đến chuyện “thương mại hóa” đam mê của cô và trò. Đúng thời điểm này, Chợ đêm Na Hang hoạt động trở lại, những bức tranh của cô trò Năm 2022, những bức tranh của Câu lạc bộ Mỹ thuật Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Thanh Tương cũng đã bắt đầu có khách. Ở Tuyên Quang, đến thời điểm này, Câu lạc bộ Mỹ thuật cũng là nơi đầu tiên có sản phẩm từ tranh đá cuội được bày bán như một quà tặng du lịch. Hiện các thành viên Câu lạc bộ ưu tiên vẽ những bức tranh đá cuội khổ nhỏ, để khách du lịch có thể dễ dàng đem về làm quà. Những  bức tranh khổ lớn cũng đã bắt đầu có đơn đặt hàng làm quà tặng lưu niệm.

Đầu tháng 3-2023, khi huyện Na Hang tổ chức Lễ hội Hương sắc Na Hang, cùng với những bức tranh từ đá cuội, Câu lạc bộ có sản phẩm mới là túi xách với những bức tranh về phong cảnh Na Hang được vẽ tay theo đúng kiểu “độc bản” - mỗi chiếc túi là một hình vẽ, không chiếc nào đụng hàng chiếc nào.

Cô giáo Quan Thị Hiếu khoe: Những chiếc túi này được bày bán và hết hàng ngay đêm đầu tiên. Đây thực sự là động lực để cô và trò tiếp tục sáng tạo và cháy hết mình với đam mê của mình. Giá bán sản phẩm cũng khá đa dạng, những bức tranh nhỏ có giá 200 nghìn đồng, túi vải có giá bán 60 nghìn đồng.

Các thành viên Câu lạc bộ Mỹ thuật vẽ tranh từ đá cuội.

Hiện, Chương trình vùng Na Hang cũng đang kết nối, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của Câu lạc bộ Mỹ thuật Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Thanh Tương. Ngoài ra, những bức tranh, túi handmade của Câu lạc bộ được ký gửi tại các điểm bán hàng OCOP, các điểm bày bán sản phẩm du lịch trong huyện để du khách có thêm lựa chọn khi tìm kiếm quà tặng từ Na Hang.

Theo cô giáo Hiếu, thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh để giới thiệu sản phẩm, đồng thời mở gian hàng Online tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Để những món quà dung dị ấy sẽ thay lời người sáng tác, thủ thỉ kể câu chuyện văn hóa, con người miền sơn cước với khách phương xa.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục