Phát huy nguồn lực đất đai

- Hết ngày 15-3, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kết thúc sau hơn 2 tháng thực hiện. Trên địa bàn tỉnh, việc góp ý vào dự thảo luật đã thực sự phát huy được tính dân chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, với kỳ vọng xây dựng được một đạo luật chất lượng, khoa học, khả thi, hiệu quả, phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của địa phương.

Tập trung gỡ những nút thắt  

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Đây là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Sau gần 10 năm tổ chức thi hành, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản. Đồng thời, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Trên địa bàn tỉnh, công tác tổ chức, thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực. Tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo phân cấp của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; hoàn thành lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định.

Tuyên Quang thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xây dựng nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm (Trong ảnh: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua xã Nhữ Khê (Yên Sơn) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong 10 năm, Tuyên Quang đã thu hồi trên 1.260 ha đất của các tổ chức, hộ gia đình cá nhân để thực hiện 486 công trình, dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội với nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được triển khai thực hiện như: Đường dẫn vào cầu Bình Ca, cầu Tình Húc, Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường Hồ Chí Minh, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, công trình thủy điện Chiêm Hóa…  Các địa phương đã cấp 6.128 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, đạt 99,8% diện tích cần cấp và 535.297 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt 91% diện tích đất cần cấp.

Ngành Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát, thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai; giải quyết được trên 2.500 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Tổ chức 104 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định.

Các khoản thu từ đất đai đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh trên 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một số quy định còn chồng chéo, không thống nhất giữa Luật Đất đai với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, đấu giá tài sản, quản lý, sử dụng tài sản công, lâm nghiệp, khoáng sản… 

Quy định về điều tra cơ bản, đánh giá đất đai hiện hành chưa được đầy đủ, chưa cụ thể để triển khai thực hiện. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao.

Hợp tác xã Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) sản xuất, chế biến dược liệu mong muốn điều chỉnh chính sách giao đất, cho thuê đất cho Hợp tác xã.

Việc thực hiện thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập; việc giao đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện còn hạn chế, còn lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa được kịp thời tháo gỡ; một số công trình, dự án thực hiện còn chậm, chưa đúng với quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi.

Chính sách tài chính về đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; các phương pháp định giá đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế; giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường…

Cụ thể hóa nội dung để Luật bám sát cuộc sống

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn và được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân từ ngày 3-1 đến hết ngày 15-3.

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức ngày 11-3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã khẳng định, việc đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo nhằm bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, hiệu quả; tạo sự đồng thuận của nhân dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của địa phương.

Bà Tăng Thị Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, việc lấy ý kiến được triển khai rộng khắp trên toàn hệ thống, tập trung vào các vấn đề trọng tâm trong dự thảo. Các ý kiến thực sự xuất phát từ thực tiễn các địa phương, các ngành, phản ánh đúng thực trạng, khó khăn trong thực tiễn của Tuyên Quang.  

Chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân
(Trong ảnh: Người dân thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, Lâm Bình phát triển dịch vụ du lịch).

Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và thu hút nhiều ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Ngay tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua, trong số 12 ý kiến đóng góp trực tiếp, có 6 ý kiến liên quan đến nội dung này. Theo bà Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, các quy định của luật, chính sách của pháp luật về đất đai cần quan tâm đến phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư vùng dân tộc thiểu số vì đây là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương...

Bà Thắm cho rằng, đối với địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Tuyên Quang, những chính sách liên quan cần được xem xét, quy định cụ thể, đảm bảo  tính khoa học và thực tiễn, hướng tới phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua nghiên cứu, bà Thắm đề xuất, nên bổ sung thêm danh mục đất rừng cộng đồng vào danh mục chính sách đất đai mà nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Khoản 1, Điều 17, cùng với danh mục đất ở và đất sinh hoạt cộng đồng. Vì trên thực tế, tại các thôn, bản, làng xã có những khu rừng ven làng, ven sông suối, sát với cộng đồng dân cư có những cánh rừng, bìa rừng thuộc vùng đệm giữa cộng đồng dân cư với 3 loại rừng đã được nhà nước phân loại và quản lý, thông thường, những khoảnh rừng này tạo thành bãi chăn thả tự nhiên, những khu vực có liên quan đến yếu tố tinh thần của bà con như nơi đặt miếu, đình làng, nơi đầu nguồn nước, nơi bảo tồn những cây thuốc quý... Đồng thời, cũng nên quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, bổ sung trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng của cộng đồng dân cư.

Ông Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, sau khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến tại cơ sở, đã có 30 ý kiến tham gia tập trung vào các nội dung liên quan.

Là một trong những Hợp tác xã sản xuất, chế biến dược liệu, Hợp tác xã Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) hiện đang tập trung cho ra thị trường nhiều loại sản phẩm. Tuy nhiên, vì không có trụ sở, không có cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nên việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn. Mong muốn có đất xây dựng trụ sở, nhà máy chế biến và cửa hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm là mong muốn lâu nay của Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Đức Thuận. Tuy nhiên, theo ông Thuận, có vẻ mong muốn này ngày càng khó trở thành hiện thực, vì một trong những nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là hướng tới hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nông nghiệp. Trong khi hợp tác xã không có tư cách để đấu giá. Nếu lấy tư cách cá nhân để đấu giá đất, thì theo ông Thuận, so với các doanh nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã không đủ tiềm lực kinh tế để có thể thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nông nghiệp. Nên chăng, phải có chính sách cụ thể, riêng biệt đối với khu vực hợp tác xã, có thể giao đất, hoặc vẫn thực hiện đấu giá, nhưng có cơ chế riêng để Hợp tác xã còn tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, qua nghiên cứu, một số quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của Tuyên Quang. Đơn cử như tại Điểm a khoản 1 Điều 53 này quy định: “Đối với khu vực đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô” là chưa hợp lý và không phù hợp với thực tiễn. Theo ông Hưng, việc không cho phép phân lô bán nền chỉ nên áp dụng đối với các đô thị lớn (đặc biệt, loại I) ở khu vực đồng bằng, khu vực có kinh tế xã hội phát triển, mật độ dân số lớn; đối với các đô thị loại II, III, IV, V và khu vực phát triển đô thị (có thể là trung tâm các xã nhưng chưa được công nhận là đô thị) nếu không cho phân lô bán nền sẽ phát sinh vướng mắc, tạo điểm nghẽn cản trở việc phát triển kinh tế xã hội. Do đó đề nghị chỉnh sửa theo hướng đối với đô thị miền núi còn chậm phát triển, mật độ dân số thấp thì chỉ nên quy định các khu vực thuộc các phường nội thành thuộc đô thị loại II trở lên hoặc dọc các trục đường chính, khu vực cảnh quan thì không được phân lô. Mặt khác hiện nay nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng của các địa phương vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nên nếu cấm phân lô bán nền sẽ ảnh hưởng đến việc thu ngân sách và thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. 

Với những ý kiến đóng góp tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, kỳ vọng đạo luật sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả, nguồn lực đất đai, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục