Thanh niên thời 4.0

- Trong thời kỳ 4.0, thanh niên với sức trẻ, sự sáng tạo, năng động phải là lực lượng tiên phong, đi đầu chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của thanh niên trong chuyển đổi số, Nghị quyết số 22 ngày 3-7-2022 của HĐND tỉnh về phát triển thanh niên tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2030 đã đề ra nhiều mục tiêu đến năm 2023 nâng cao tỷ lệ, kỹ năng, khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong thanh niên. Cụ thể hóa các mục tiêu này, các cấp bộ Đoàn và lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh cần mạnh dạn, phát huy vai trò tiên phong, không sợ khó để đẩy mạnh chuyển đổi số, thực sự trở thành những thanh niên thời 4.0.

Kết quả bước đầu

Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của thanh niên tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; phối hợp phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thanh niên. Ở nhiều địa phương, đoàn viên, thanh niên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong Tổ công nghệ số cộng đồng.

Đoàn Thanh niên các cấp đã phát động các cuộc thi trực tuyến trên nền tảng số để trang bị kỹ năng và tạo điều kiện cho thanh niên được trải nghiệm trên nền tảng số thu hút hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia trên nền tảng website, fanpage của Tỉnh đoàn.
Hiện nay, số đoàn viên, thanh niên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng toàn tỉnh có trên 3.000 người (chiếm tỷ lệ 30% tổng số thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng).

Thanh niên xã Thái Sơn (Hàm Yên) hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng thanh toán trực tuyến.

Đoàn thanh niên các cấp đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số, trong đó tập trung vào thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, hộ kinh doanh; triển khai ứng dụng VNeid định danh điện tử; từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số. Tuổi trẻ trong tỉnh cũng là lực lượng xung kích tuyên truyền, hỗ trợ việc khai sinh trực tuyến.

Chuyển đổi số trong thanh niên bước đầu cũng đã được chú trọng trong công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên thông qua ứng dụng i-HR. Đến nay, mỗi huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc đã được cấp 1 mã quản trị trong i-HR. Mã số này là nền tảng theo dõi kết quả hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng tự tạo việc làm và kỹ năng làm việc cho thanh niên thông qua các website, fanpage do tổ chức Đoàn, Hội quản lý.

Ở một số địa phương, đoàn viên thanh niên đã xung kích đi đầu, sáng tạo trong chuyển đổi số để phát triển kinh tế như các mô hình tưới nhỏ giọt tự động từ công nghệ thủy canh được điều khiển bằng điện thoại thông minh, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử, quảng bá, phát triển các dịch vụ du lịch lên mạng xã hội, nền tảng số…

Tháng Thanh niên 2023 với chủ đề “Thanh niên tiên phong chuyển đổi số” đã được khởi động với nhiều hoạt động phong phú, tạo sức lan tỏa, nâng cao nhận thức và tinh thần tự giác ứng dụng chuyển đổi số trong thanh niên.

Không chỉ là khẩu hiệu

Theo đồng chí Hoàng Trần Trung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, bên cạnh kết quả bước đầu, thực tế chuyển đổi số trong thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thanh niên biết đến ứng dụng nền tảng số trong kết nối cung, cầu còn hạn chế; số lượng mô hình thanh niên ứng dụng chuyển đổi số chưa nhiều. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là thanh niên không được đào tạo chuyên môn bài bản. Các chương trình tập huấn về công tác chuyển đổi số còn chưa đi sâu, cụ thể hóa nhất là với đối tượng là thanh niên.

Thanh niên thị trấn Sơn Dương hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trực tuyến.

Đồng chí La Thị Giang, Bí thư Đoàn xã Thái Sơn (Hàm Yên) chia sẻ, hiện nay 100% các bí thư chi đoàn đều đã cài đặt phần mềm quản lý đoàn viên thanh niên trực tuyến nhưng việc duy trì chưa thường xuyên, hiệu quả ở các chi đoàn. Tỷ lệ hướng dẫn người dân cài đặt sổ sức khỏe điện tử do lực lượng thanh niên làm nòng cốt hướng dẫn, tuyên truyền vẫn chỉ đạt 50% kế hoạch huyện giao. Một số mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên dù đã được tập huấn nhưng vẫn chưa đưa được sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử do vẫn còn lúng túng trong việc cài đặt, quy mô còn nhỏ lẻ. Những khó khăn này theo đồng chí Giang có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đó là cơ sở vật chất phục vụ cho chuyển đổi số trong thanh niên ở khu vực nông thôn còn hạn chế, lực lượng thanh niên đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ lớn, kỹ năng ứng dụng công nghệ của thanh niên còn hạn chế, thanh niên chưa chịu khó học tập, trau dồi kỹ năng về công nghệ số vẫn còn.

Từ thành công của việc ứng dụng chuyển đổi số, đưa các sản phẩm chè của Hợp tác xã Thảo Mộc Việt của mình lên sàn giao dịch, quảng bá các sản phẩm qua nền tảng số, đồng chí Lương Văn Tuyên, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Thành, Giám đốc Hợp tác xã Thảo Mộc Việt (Hàm Yên) cho biết, nhận thức, kỹ năng tiếp cận công nghệ chuyển đổi số của thanh niên một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Đây là rào cản lớn để thúc đẩy chuyển đổi số trong thanh niên.

Sâu sát thực tiễn

Không ít cán bộ Đoàn cho rằng để khắc phục những khó khăn chuyển đổi số trong thanh niên hiện nay, tổ chức Đoàn cần sâu sát hơn nữa trong thực tiễn, từ công tác tập huấn, hướng dẫn đến việc triển khai, kiểm tra kết quả triển khai chuyển đổi số ở cơ sở. Từ đó nắm rõ những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ. Đồng thời nhân rộng những mô hình, cách làm sáng tạo, kinh nghiệm thành công ứng dụng chuyển đổi số trong thanh niên.

Đồng chí Đỗ Ngọc Hoàn, Bí thư Đoàn huyện Hàm Yên cho rằng, công tác phối hợp giữa Đoàn thanh niên và các cơ quan liên quan cần chặt chẽ, việc hướng dẫn cài đặt các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số trong thanh niên cần bài bản, cụ thể hơn nữa. Tổ chức Đoàn cần rà soát đoàn viên thanh niên có nhu cầu được đào tạo về công nghệ, chuyển đổi số để tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cần có trọng tâm về những nội dung, kỹ năng mà thanh niên đang cần, đang yếu, thiếu. 

Theo đồng chí Hoàng Trần Trung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, BCH Tỉnh đoàn đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Thanh niên Tuyên Quang tham gia chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2022 - 2027”, trong đó đề ra những giải pháp, lộ trình cụ thể về chuyển đổi số trong thanh niên. Khi Đề án được ban hành, BCH Tỉnh đoàn sẽ chỉ đạo triển khai tốt hơn nữa các hoạt động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong chuyển đổi số, tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực số và vai trò của tổ chức Đoàn trong chuyển đổi số đối với đoàn viên thanh niên, khắc phục bằng được những hạn chế, khó khăn, rào cản chuyển đổi số trong thanh niên.

Đông đảo đoàn viên, thanh niên tham dự hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn với thanh niên, vừa được tổ chức ngày 21-3.

Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Thanh niên tỉnh Tuyên Quang với chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", thanh niên trong tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi về chính sách hỗ trợ thanh niên tiếp cận công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên, thanh niên về chuyển đổi số; kiến nghị, đề xuất thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử; sàn thương mại điện tử khởi nghiệp (Sàn khởi nghiệp Online)… 

Trả lời những câu hỏi của thanh niên trong tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ thanh niên cần quan tâm đào tạo thanh niên thành lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; khuyến khích, huy động thanh niên tham gia phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Đồng thời triển khai các khóa học, tập huấn, đào tạo mở, các hội thi, giải thưởng, hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng chí đề nghị thanh niên cần nắm bắt xu hướng thời đại, chủ động nghiên cứu để đa dạng kênh bán hàng trên các nền tảng công nghệ mới, đa dạng sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất; chú trọng hơn việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm; xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu trên môi trường mạng...

Thuỷ Châu

Tin cùng chuyên mục