Mỗi cây mỗi hoa…
Vợ chồng anh Hoàng Văn Thành và chị Trần Thị Thùy ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) làm việc ở huyện Xín Mần (Hà Giang) nên phải gửi các con cho ông bà nội ở quê trông nom. Hè này, các cháu được nghỉ học thì ông bà cũng phải nghỉ làm ở nhà để trông cháu. Tuy tất bật, vất vả nhưng ông bà vẫn vui vẻ trông cháu. Anh Hoàng Văn Thành chia sẻ: “Do làm ăn xa nên một năm cũng chỉ về được đôi lần. Anh cũng mong muốn công việc ổn định sau tích lũy được ít vốn về quê sinh sống, mở cửa hàng kinh doanh để cả gia đình đoàn tụ chứ đi làm xa các nhớ con lắm, thèm cảm giác những bữa ăn quây quần đầm ấm của cả đại gia đình mình".
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa tiêu biểu.
Ở các vùng nông thôn trong tỉnh, chuyện vợ hoặc chồng hay cả 2 vợ chồng đều phải đi làm ăn xa để lại các con ở quê nhà gửi ông bà. Có gia đình vì hoàn cảnh neo người, các con tự ở với nhau, đứa lớn chăm đứa bé. Cô giáo Hoàng Thị Tươi, Trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết: “Dạy học ở các điểm trường lẻ, thấy nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhất là trong mấy năm gần đây, giá cam sành bấp bênh nên nhiều gia đình bỏ vườn, bố mẹ mải đi làm ăn xa, có những gia đình chỉ có 2 chị em ở với nhau, tự trông nhau. Chính vì hoàn cảnh các em như vậy nên khi vào thôn dạy học, tôi thường dành thời gian đến tận nhà học trò để tìm hiểu, động viên các em chăm chỉ đến trường. Có em định xin nghỉ học để ở nhà nhưng được thầy cô, bạn bè động viên, giúp đỡ các em đã quay trở lại trường học tập".
Trong thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra không ít những vụ việc thương tâm cũng như câu chuyện đáng buồn liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em từ gia đình và cộng đồng. Điển hình như trường hợp 2 anh em trong cùng một gia đình ở thôn 16, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) được nghỉ hè lên quê nội ở huyện Lâm Bình và ra suối chơi thì bị đuối nước dẫn đến tử vong; vụ việc 2 cháu ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bỏ nhà ra đi vào ngày 21-4; vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngày 2-6 vừa qua tại hồ Thủy Đình, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) khiến bé trai 5 tuổi tử vong...
Gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh
Thực tế có những gia đình vì bố mẹ mải lo làm ăn mà bỏ bê dẫn đến con cái không được học hành đến nơi đến chốn; dù hàng ngày ở cùng các con nhưng bận rộn với công việc, mải mê mưu sinh mà lơ là chăm sóc con cái.
Gia đình ông Lý Văn Tàn, thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang thường xuyên gắn kết gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.
Ảnh: Cảnh Trực
Chị T.T.T. ở thị trấn Sơn Dương thừa nhận: "Gia đình chị có cửa hàng kinh doanh điện tử vợ chồng thường xuyên xuôi ngược lấy hàng, trước kia mải lo làm ăn quá chỉ nghĩ rằng mình cung cấp cho con đầy đủ về vật chất tiền bạc là con vui còn đâu nhờ cậy tất vào thầy cô, nhà trường. Học đến cấp 2 thì con chị có biểu hiện của bệnh tự kỷ, cũng may khi ấy chị phải nghỉ kinh doanh một thời gian để tập trung chăm cháu, cha mẹ gần gũi trò chuyện thường xuyên đã giúp con vượt qua khó khăn và giờ thì cu cậu đã trở thành sinh viên năm cuối của một trường đại học".
Theo các chuyên gia tâm lý, khi con cái thiếu vắng tình thương, sự quan tâm từ gia đình, đặc biệt là thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý. Từ đó việc học tập bị sa sút, trẻ dễ bị mắc các chứng bệnh như: chậm nói, tự kỷ, trẻ lớn lên dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội...
Mỗi gia đình là tế bào của xã hội, nếu mỗi gia đình đều đầm ấm, hạnh phúc thì xã hội mới ổn định và phát triển được. Chính vì thế việc xây dựng tổ ấm gia đình luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đối với mỗi gia đình, dù hoàn cảnh ra sao cũng nên có những giải pháp để nuôi dưỡng tình thân. Dù ở xa nhưng cũng phải thường xuyên giữ mối liên lạc, hỏi thăm, động viên nhau hàng ngày.
Vợ chồng ông Hoàng Văn Thạch ở thành phố Tuyên Quang động viên, chúc mừng các cháu nội ngoại đạt thành tích học tập tốt trong năm học 2023 - 2024.
Chị Trần Thị Vinh ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) dù chồng đi làm xa ở nước ngoài nhưng ở nhà chị vẫn lo chu toàn mọi việc, giờ mạng xã hội đã phát triển nên hàng ngày 2 vợ chồng chị và các con đều kết nối trực tuyến trò chuyện, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống. Chị Vinh tâm sự: “Dù xa nhau về địa lý nhưng tình cảm, sự thân thiết phải được duy trì mỗi ngày, chỉ một lời động viên, lời chúc ngủ ngon cũng khiến mọi người thấy cảm động. Chồng đi vắng, chị đã đăng ký tham gia các phong trào, hoạt động do Hội LHPN ở xã tổ chức như thi bóng chuyền, dân vũ, văn nghệ… Đồng thời, ngoài học ở trường chị đăng ký cho các con tham gia các lớp học kỹ năng sống, hiện 2/3 người con của chị đều là học sinh giỏi toàn diện”.
Có thể khẳng định việc xây dựng gia đình hạnh phúc đã góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển. Gia đình cũng là nơi lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết