Nỗ lực đổi mới
Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, được ví như “bảo tàng sống” với trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng với sự hội tụ trong đa dạng bản sắc văn hóa của 22 dân tộc anh em là tiềm năng, lợi thế rất lớn để phục vụ cho phát triển các hoạt động của Bảo tàng.
Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang được xây dựng năm 2010 và đưa vào sử dụng sau đó 2 năm. Đây là công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng theo hình thái kiến trúc cổ, tọa lạc ở vị trí cao, được bao bọc xung quanh bởi hệ thống cây xanh và hồ công viên. Ở phía trước Bảo tàng tỉnh có các cơ sở dịch vụ ăn uống khá dày đặc. Tọa lạc ở vị trí địa lý đẹp, nếu khai thác tốt, Bảo tàng tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn kết nối với các tua, tuyến, đón khách tham quan trong nước và quốc tế.
Bảo tàng tỉnh nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Việt
Ông Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, Bảo tàng tỉnh hiện đang bảo quản trên 23 nghìn hiện vật, tài liệu lịch sử, trong đó, hiện đang trưng bày 1.000 hiện vật, tài liệu lịch sử. Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều nỗ lực đổi mới hoạt động sưu tầm, trưng bày, thuyết minh về bảo tàng nhằm thu hút khách du lịch.
Ngoài trưng bày cố định, nhân dịp các ngày lễ, sự kiện trọng đại của tỉnh, đất nước, Bảo tàng tỉnh còn trưng bày, triển lãm theo chủ đề. Trước đây, Bảo tàng thường trưng bày để du khách tham quan nhưng nay đã có một số hiện vật không chỉ để khách tham quan mà còn có thể trải nghiệm như một số hiện vật khảo cổ, tư liệu sản xuất của đồng bào dân tộc. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh cử cán bộ, thuyết minh viên tập huấn tại Cục Di sản và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về công tác bảo quản, sưu tầm, thuyết minh bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị Trung ương mời chuyên gia về bồi dưỡng kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Đội ngũ thuyết minh viên của Bảo tàng luôn cố gắng, nỗ lực làm mới các bài thuyết trình lịch sử, giới thiệu về di tích, tài liệu, hiện vật lịch sử để tăng tính hấp dẫn, tạo ấn tượng với du khách.
Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với một số trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian gắn với tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các dân tộc được trưng bày tại Bảo tàng.
Cũng theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, hàng năm, từ ngân sách được tỉnh cấp, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành chỉnh lý 1 phần hoạt động trưng bày, thiết bị trưng bày để đáp ứng nhu cầu tham quan của công chúng.
Bảo tàng tỉnh trưng bày kết quả sưu tầm tư liệu di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đây, vào những năm 2000, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), nhiều người dân và du khách vẫn quen gọi Nhà trưng bày bổ sung hiện vật khu di tích là Bảo tàng Tân Trào. Nơi đây lưu giữ, trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật lịch sử và trung bình hàng năm đón trên 750 nghìn lượt khách đến tham quan. Từ năm 2020, tại đây, UBND tỉnh đã khởi công xây dựng công trình Bảo tàng ATK Tân Trào và phòng chiếu phim thuộc Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Không gian bảo tàng bao gồm: khu triển lãm, các khu trưng bày theo từng chủ đề, khối kỹ thuật, khối văn phòng, kho, sảnh. Hệ thống sân vườn tổng thể và công trình được quy hoạch, bố trí khu cây xanh, hồ nước… tạo thẩm mỹ cảnh quan và không gian mở cho khu vực. Tỉnh đề ra mục tiêu tạo ra một bảo tàng hiện đại, mang tính chuyên nghiệp, hấp dẫn, xứng tầm với di tích và hướng đến thúc đẩy du lịch, hướng về cội nguồn một cách có hiệu quả. Khi Bảo tàng ATK Tân Trào đưa vào sử dụng hứa hẹn sẽ trở thành điểm tham quan, tìm hiểu, khám phá lịch sử hấp dẫn và trở thành điểm nhấn trong hoạt động của Bảo tàng nói chung ở Tuyên Quang.
Những góc nhìn…
Nhận định về hoạt động của các Bảo tàng nói chung trong cả nước, PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng: “Tuyên Quang có tiềm năng về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, về lịch sử giàu có, đa dạng, phong phú. Việc nghiên cứu tài liệu, hiện vật lịch sử để làm phong phú hoạt động trưng bày, hướng dẫn, thuyết minh của bảo tàng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cần khai thác để làm phong phú hơn nữa bản sắc văn hóa của 22 dân tộc anh em. Ngày nay, với sự ra đời của nhiều công nghệ hiện đại đã làm cho hoạt động của các Bảo tàng trong cả nước trở nên sống động, tăng sự kết nối với công chúng, tỉnh Tuyên Quang cần quan tâm nghiên cứu đầu tư để áp dụng”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung đến từ Long Biên (TP Hà Nội) cho biết, chị đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều bảo tàng trong cả nước. Chị cho biết, tại những bảo tàng đó, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để tăng trải nghiệm cho du khách diễn ra khá mạnh mẽ như ứng dụng công nghệ 3D, công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn khách tham quan, thuyết minh đa phương tiện… Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng cũng ứng dụng công nghệ tham quan online, ra mắt tour tham quan trực tuyến 3D, tour tham quan 360 độ… Sự làm mới này làm cho bảo tàng trở nên sống động hơn, công chúng được tương tác, khám phá trọn vẹn hơn. Chị Nhung mong muốn trong thời gian không xa, Bảo tàng ở Tuyên Quang cũng sẽ có sự đầu tư công nghệ để làm mới hoạt động trưng bày của Bảo tàng, tăng sự tương tác, trải nghiệm với du khách.
Các em học sinh tham quan Bảo tàng tỉnh. (Ảnh do Bảo tàng cung cấp)
Thạc sĩ Lịch sử Hoàng Thị Thu Dung, Phó Chánh Văn phòng, Giảng viên Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Tân Trào cho rằng, Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, do đó cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, hiện vật lịch sử. Trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn, tỉnh có thể nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ như quét mã QR Code, ứng dụng đa phương tiện như âm thanh, hình ảnh, các thước phim… để làm phong phú công tác thuyết minh.
Đưa Bảo tàng trở thành địa chỉ văn hóa xứng tầm
Ông Trần Đức Thắng, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng Đề án đổi mới hoạt động trưng bày của Bảo tàng tỉnh nhưng chưa được phê duyệt. Muốn đổi mới hoạt động của Bảo tàng tỉnh phải có nguồn kinh phí khá lớn. Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội thảo luận quy định rất rõ về hoạt động của Bảo tàng. Khi Luật đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để nhiều dịch vụ của Bảo tàng phát triển.
Một nhà nghiên cứu lịch sử đã dành nhiều tâm huyết và thời gian nghiên cứu về lịch sử của Tuyên Quang hiện đang sinh sống ở Hà Nội cho rằng, cán bộ làm công tác bảo tàng cần tăng cường học tập, tìm hiểu cách làm mới của các tỉnh khác để tham mưu ứng dụng phù hợp với điều kiện của Tuyên Quang.
Một số chuyên gia về quản lý và hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng cho rằng, muốn làm mới bảo tàng, trước hết phải thay đổi nhận thức về bảo tàng. Bởi bảo tàng giờ đây không phải chỉ là nơi trưng bày hiện vật, tài liệu lịch sử, văn hóa mà còn phải đến gần với công chúng hơn, là sân chơi, là nơi tương tác, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm. Trong thời đại công nghệ hiện đại như hiện nay, thực tế đã chứng minh, nơi nào càng cập nhập cái mới, càng tăng sự tương tác với công chúng thì nơi đó sẽ thành công.
Theo PGS. TS Phạm Văn Dương: “Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, tỉnh cần chú trọng phát huy các giá trị về bảo tàng, về di sản văn hóa. Trong hoạt động bảo tàng cần hướng tới sự đa dạng về văn hóa trong trưng bày, gắn trưng bày với chủ thể văn hóa địa phương, có sự liên hệ với cộng đồng; tăng cường sưu tầm hiện vật, hình ảnh, thước phim gắn với khai thác những nhân chứng lịch sử sống. Ở tầm nhìn trung hạn, Tuyên Quang cần có một dự án đổi mới toàn diện việc trưng bày bảo tàng tỉnh. Hoạt động trưng bày của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cũng cần sắp xếp theo cách kể chuyện, có sự đầu tư để cập nhật công nghệ trưng bày mới, nhằm nâng giá trị di sản văn hóa và mục tiêu là có sự đầu tư thỏa đáng, đưa Bảo tàng tỉnh trở thành địa chỉ văn hóa xứng tầm”.
Là công trình kiến trúc nằm ở trung tâm thành phố, Bảo tàng tỉnh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn công chúng. Để làm được điều này cần phải bắt đầu từ nhận thức rằng bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là một sản phẩm du lịch, là trung tâm thông tin tư liệu kết nối các di tích lịch sử khác.
Gửi phản hồi
In bài viết