Khát vọng đầu xuân

- Ngay sau Tết, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất, không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Với phương châm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 được triển khai quyết liệt, tất cả tạo nên một sinh khí mới đầy lạc quan ngay những ngày đầu năm.

Phố phường thành phố Tuyên Quang rộn ràng đón xuân sang. Ảnh: Cảnh Trực

Khởi động từ xã, thôn

Lạc quan, đó là tâm lý chung của người dân Tuyên Quang trong những ngày đầu năm 2022.

Xã Thượng Ấm (Sơn Dương) năm 2022 đăng ký về đích nông thôn mới. Kết thúc năm 2021, xã đạt 12/19 tiêu chí. Chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm, xã đã hoàn thành thêm 2 tiêu chí  nữa là Môi trường và An toàn thực phẩm và tiêu chí Tổ chức sản xuất, nâng tổng số tiêu chí đã hoàn thành lên 14/19 tiêu chí.

Môi trường và An toàn thực phẩm - tiêu chí vừa dễ vừa khó, vì chủ yếu phụ thuộc vào ý thức người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Lương Trung Sơn cho biết, may mắn là Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, tổ chức ở huyện, ở tỉnh đến 3 cùng cùng với nhân dân. Vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng các tuyến đường hoa, hỗ trợ xây dựng công trình đường điện thắp sáng đường quê… từ năm 2021 đã thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen của người dân. Các tuyến đường thôn được cán bộ, người dân cùng chung tay vệ sinh, giữ gìn sạch đẹp, việc thu gom rác thải cũng được hướng dẫn tận tình để đạt được kết quả cao nhất.

Ngay sau Tết nguyên đán Nhâm Dần, Thượng Ấm đã có thêm 2 hợp tác xã mới là Hợp tác xã chăn nuôi trâu bò vỗ béo và Hợp tác xã trồng và chế biến dược liệu Thượng Ấm, nâng tổng số hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn lên 3 hợp tác xã. Anh Vương Văn Ngấn, Giám đốc Hợp tác xã trồng và chế biến dược liệu Thượng Ấm cho biết, thôn Khuôn Lăn có gần 21 ha sả và cây hương nhu. Bà con trong thôn cũng đã xây dựng 4 lò chưng cất tinh dầu để cung cấp cho thị trường, nhưng vì chưa có người đứng ra tổ chức, chưa có thương hiệu, tên tuổi nên hầu như chỉ xuất bán thô, bán lẻ cho các hộ có nhu cầu. Giữa tháng 1-2022, anh Ngấn quyết định đứng ra thành lập hợp tác xã, mong muốn vừa là tạo ra sản phẩm OCOP của xã Thượng Ấm, vừa tìm được đầu ra ổn định và thuận lợi hơn.

Người dân bản Dao Phia Xeng, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) thêm một mùa cam bội thu. Ảnh: Bàn Thanh

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu nâng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 21.000 tỷ đồng; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,33%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hơn 10.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp hơn 17.500 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng; bê tông hóa 227 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn…

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng mốc thời gian ngay từ đầu tháng 1-2022. Theo kế hoạch, ngay trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần (từ ngày 6 đến ngày 24-1), ngành phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát thực tế các vị trí đề nghị xây dựng cầu, thống nhất danh mục trình UBND tỉnh phê duyệt và phân bổ kinh phí thực hiện; đồng thời, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các cầu trên đường giao thông nông thôn địa bàn huyện.

Các phần việc như lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trình UBND tỉnh phê duyệt dự án cầu hoàn thành trong quý I-2022. Trong quý II sẽ hoàn thành các phần việc  trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án xây dựng các cầu trên đường giao thông nông thôn địa bàn các huyện năm 2022; lập và trình phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu xây lắp trên địa bàn các huyện; Ký hợp đồng, tổ chức bàn giao mặt bằng thi công và khởi công xây dựng công trình. Song song với việc thực hiện chuẩn bị đầu tư các cầu trên đường giao thông nông thôn năm 2022, Sở Giao thông vận tải sẽ hoàn thiện định hình móng, cọc, mố và định mức để đảm bảo áp dụng và sử dụng lâu dài cho các năm tiếp theo; các công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu xây lắp, ký kết hợp đồng và khởi công xây dựng 39 cầu sẽ được hoàn thành chậm nhất vào tháng 6-2022 và thi công hoàn thành trong năm kế hoạch.

Ngay sau hội nghị giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, Hàm Yên cũng đã tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Năm 2022, huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40,8 triệu đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 2.500 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 1.400 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 124 tỷ đồng; Số lao động được tạo việc làm trên 3.000 người; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 4,65%.

Để hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới, năm 2022, Hàm Yên có 3 xã đăng ký về đích nông thôn mới là Minh Khương, Bạch Xa, Yên Phú.  Tại hội nghị giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, đồng chí Đỗ Đức Chiến, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, trước những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, Hàm Yên xác định nắm chắc thời cơ, tranh thủ thuận lợi để tập trung tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, đúng với chủ đề điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”.

Doanh nghiệp vững tin

Không may mắn khởi động năm mới thuận lợi, Tuyên Quang bước vào năm 2022 khi dịch bệnh đã bắt đầu lan đến một số nhà máy sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, tin tưởng những giải pháp phòng chống dịch của chính quyền, các doanh nghiệp vẫn vững tin sẽ có một năm mới với những thành tựu mới, kết quả đạt được khả quan hơn năm cũ.

Công ty TNHH MTV MSA-YB, Khu công nghiệp Long Bình An bắt đầu năm mới 2022 với nhiều khó khăn hơn, khi nhiều công nhân trong công ty mắc Covid-19. Tuy nhiên, khắc phục khó khăn, đơn vị tập trung lao động theo phương châm 3 tại chỗ. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH MTV MSA-YB, hiện đơn vị vẫn đang thực hiện theo phương châm 3 tại chỗ. Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, ngày 7 - 8 tháng Giêng âm lịch, công nhân của Công ty bắt đầu quay trở lại làm việc, với mục tiêu  sẽ hoàn thành hơn 2 triệu sản phẩm may mặc các loại trong năm 2022.

Công nhân Công ty Woodsland Tuyên Quang sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Sau nhiều năm gặp khó, năm 2022, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương khởi động với nhiều kỳ vọng mới. Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, tháng đầu tiên của năm, sản lượng mía đơn vị thu mua được trong dân để sản xuất là 51 nghìn tấn mía nguyên liệu. Đơn vị dự kiến, kỳ 1 của vụ ép sẽ kết thúc ngày 18-1 và kỳ 2 của vụ ép dự kiến bắt đầu ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, 16-2, tức ngày 16 tháng Giêng.

Để đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đang cử cán bộ kỹ thuật đến tất cả các xã, thị trấn nằm trong vùng nguyên liệu mía đường, để đạt mục tiêu trồng mới năm 2022 lên trên 600 ha. Đây là một con số không dễ gì thực hiện, nhưng ông Dũng cho biết, với những thay đổi về mặt chính sách thu mua, hỗ trợ, doanh nghiệp hy vọng người trồng mía sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong năm mới này.

Bên cạnh sản xuất đường, năm 2022, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương dự kiến sẽ sản xuất 57 - 59 triệu kWh điện, tăng 17 - 19 triệu tấn so với năm 2021. Ngoài nguyên liệu bã mía sau vụ ép, Nhà máy điện sinh khối mua thêm nguyên liệu là gỗ dăm, mùn cưa… để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất điện trong cả năm.   

Woodsland Tuyên Quang kết thúc năm 2021 với doanh thu đạt trên 1.400 tỷ đồng. Trên đà thắng lợi, năm 2022 các nhà máy của công ty sẽ sản xuất khoảng 120 nghìn m3  sản phẩm các loại, dự tính doanh thu sẽ đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với năm 2021. Ông Lê Quang Khánh, Phó Giám đốc sản xuất, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang phấn khởi cho biết, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng thời điểm này, doanh nghiệp đang tập trung tối đa các biện pháp phòng dịch, đồng thời xây dựng phương án để có thể chủ động ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Mục tiêu là không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Cuối năm 2019, Công ty TNHH May xuất khẩu Thành Danh tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm túi xách siêu thị tự hủy, xuất khẩu ra thị trường các nước châu Âu. Khi nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn do dịch bệnh, đơn vị vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, từ 1 cơ sở lên thành 3 cơ sở đặt tại các xã Phúc Ứng, Vĩnh Lợi và Hợp Thành, tạo việc làm cho 70 lao động địa phương. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp sản xuất 10 nghìn túi xách siêu thị tự hủy, xuất khẩu đi thị trường châu Âu, đảm bảo thu nhập cho người lao động bình quân đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Thích ứng, linh hoạt trong điều hành, sản xuất kinh doanh, nhịp sống, sản xuất, kinh doanh trong năm mới trở nên nhộn nhịp hơn, hối hả hơn. Các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp bước vào năm mới với niềm tin sẽ đạt được những thắng lợi mới, khi tất cả đồng lòng!.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục