Muốn giàu nuôi cá

- Người xưa có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo...”. Với hy vọng làm giàu từ cá, những người nông dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đã tận dụng mặt nước hồ thủy điện Chiêm Hóa để chăn thả cá lồng. Những mẻ cá kéo lên trong mùa xuân mới mang theo bao ước vọng về một năm sung túc.

Thiên thời địa lợi

Dòng sông Lô thơ mộng không chỉ mang trên mình sứ mệnh đưa dòng điện sáng đến đồng bào cả nước mà còn nuôi dưỡng, chở che cho người dân xứ Tuyên. Từ khi đắp đập dựng xây thủy điện, người dân sinh sống ven sông đã phát triển thêm nghề mới, nghề nuôi cá lồng trên sông Lô. Và vùng đất xã Hùng Mỹ có lẽ là được ưu ái hơn cả. Nói như lời của chị Ma Thị Hiếu, thành viên tổ hợp tác nuôi cá lồng thôn Hùng Cường, có thể nói không còn gì lý tưởng hơn để chăn thả cá lồng.

Nơi này trước đây là khu ruộng của bà con, rộng chừng 30 ha. Khi đắp đập, nước sông Lô ngập tạo thành một nhánh riêng, mặt nước yên bình nên không sợ rủi ro nếu có mưa lũ. Chứ ở một số nơi khác, cứ mùa lũ đến có hộ bị cuốn trôi cả lồng cá. Công sức cả năm trời, chỉ trong chốc lát trôi theo dòng nước, chưa kể có hộ còn vay ngân hàng, có hộ vừa mới chăn nuôi, khó đủ đường. Chị bảo, sự ổn định trong chăn nuôi cũng giống như việc “an cư mới lạc nghiệp”. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cứ thế việc chăn thả cá nơi đây phát triển từng bước vững chắc.

Dẫn chúng tôi thăm khu nuôi cá lồng, chị Hiếu chia sẻ: Nguồn nước sông Lô trong lành, mát rượi là điều kiện lý tưởng để các loài cá sinh trưởng và phát triển. Chính vì thế, bà con ở đây ưu tiên thả các loại cá lăng, trắm, rô phi... Chị so sánh, cùng quãng thời gian sinh trưởng là 1 năm nhưng cá lăng ở đây thịt rất chắc, ngọt. Hay như cũng là cá trắm trọng lượng như nhau nhưng những chú cá trắm ở đây mình tròn, chắc nịch, ăn rất ngọt và thơm.

Rồi để chứng minh điều vừa nói, chị liền dừng lại ở một chuồng nuôi cá rồi dùng sức để kéo một góc lên. Những chú cá lăng đen, to bằng bắp đùi quẫy đạp khiến sức vóc của người phụ nữ như chị không đủ sức giữ nên tuột tay, để mẻ cá chìm nghỉm dưới nước. Chị bảo, đến kỳ thu hoạch thì mỗi chuồng nuôi phải lên tới cả tấn cá. Vì thế, để kéo một mẻ cá phải cần ít nhất hai người, thậm chí 4 người khỏe mạnh. Mình chị nên chỉ bắt lẻ vài, ba con thôi. Trưa nay, mời mọi người thưởng thức để chứng minh cá ở đây là số 1.

Khách hàng mua cá Hùng Mỹ tại cửa hàng cá sạch ở tổ Vĩnh Lim, thị trấn Vĩnh Lộc.

Để nói về ưu điểm của cá, chị Hiếu nói nôm na rằng, các loại động vật khác như trâu, bò, gà, lợn... chế biến được món gì thì cá đủ cả, thậm chí còn nhiều món ngon hơn như: xào lăn, cá hấp, chiên xù, nấu canh, gỏi, kho, nướng... Nhưng chị bảo, giới sành ăn vẫn thích ăn cá tươi để giữ nguyên hương thơm tự nhiên. Ví như cá hấp, nếu cá không ngon, ngọt, chắc thịt thì khi hấp thịt cá sẽ bở, nhạt, không thơm ngon. Chính bởi thế, hôm nay chị sẽ làm món cá hấp thết đãi khách. Bộ lòng dành để nấu canh đắng. Đây là món khai vị tuyệt chiêu của bà con vùng cao. Trước bữa ăn, uống một bát canh đắng sẽ ấm bụng, khiến cả bữa cơm ăn ngon miệng hơn, đặc biệt, nếu ai bụng yếu thì canh đắng cũng là bài thuốc chữa đau bụng.

Liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ

Giữa chòng chành sóng nước, chị Hiếu tâm sự, nghề cá dẫu lắm gian nan nhưng nếu biết liên kết lại để chăn nuôi thì gian khó cũng vơi bớt. Ở thôn Hùng Cường, các hộ không chăn nuôi đơn độc mà liên kết, thành lập tổ hợp tác. Chị Hiếu cho biết, ở đây có 7 hộ nuôi cá lồng, mỗi hộ có từ 3 đến  7 - 8 lồng cá. Tất cả các lồng được kết lại thành một khu chăn thả cá quy củ để tiện cho việc chăm sóc. Mỗi xã viên sẽ luân phiên chăm sóc cá khoảng 1 tuần, chịu trách nhiệm việc cho ăn, kiểm tra tình trạng cá, xuất bán cá sau đó đến phiên người khác. Các xã viên còn lại cùng tham gia thu hoạch cá, vận chuyển cá đi bán. Với cách làm bài bản, các thành viên tổ hợp tác nuôi cá lồng thôn Hùng Cường đã có nguồn thu ổn định. Trung bình mỗi năm mỗi thành viên thu khoảng 3 tấn cá, từ chi phí họ còn lãi khoảng 100 triệu đồng.

Đặc biệt, để việc tiêu thụ cá thuận lợi, tổ hợp tác đã thuê cửa hàng giới thiệu, buôn bán cá sạch ở tổ Vĩnh Lim, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Mở bán được nửa năm nay, cửa hàng cá sạch Hùng Mỹ đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người. Vừa chọn được chú cá lăng ưng ý, chị Nguyễn Thị Phương, tổ Vinh Khang vui mừng nói, bất cứ lúc nào, nhà có khách hay muốn thay đổi thực đơn thì cá sạch Hùng Mỹ luôn là sự lựa chọn của chị. Tết này nhà chị cũng mua vài ba con để thết đãi khách. Ăn mãi thành nghiện bởi cá Hùng Mỹ rất ngọt thịt, lâu không ăn là thấy nhớ.

Ngay cả những người quê ở Hùng Mỹ khi xa nhà đều ưu tiên lựa chọn món cá. Em Ma Văn Lượng, ở xã Hùng Mỹ bày tỏ, em đến thăm anh em ở thị trấn Vĩnh Lộc. Mặc dù bữa ăn đã đủ đầy nhưng em vẫn muốn mọi người thưởng thức thêm cá đặc sản quê em. Hơn nữa, dịp Tết vừa qua, ăn nhiều thịt cũng thấy ngán. Thay đổi thực đơn với các món ngon từ cá sẽ khiến bữa cơm thêm ngon và ấm cúng hơn.

Cá sông Lô nói chung và cá sạch ở Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) nói riêng với những ưu điểm vượt trội đã và đang trở thành thực đơn không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhà hàng, khách sạn. Đó cũng là lý do khiến nghề cá ngày càng phát triển và luôn mang lại nguồn thu ổn định cho người chăn nuôi.

Phóng sự: Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục