Xin chữ đầu Xuân

- Xin chữ - một trong những phong tục đầu năm của người Việt Nam, trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới thuận lợi, may mắn và bình an.

Người trẻ xin chữ đầu năm với ước nguyện vạn sự như ý.

Xin chữ - cho chữ đầu năm

Cứ độ Tết đến, Xuân về “thầy đồ” Trần Thành Trung, tổ 5, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), ăn vận khăn xếp, áo the cùng bàn, giấy, mực và bút viết tọa một góc trên trục đường Chiến thắng sông Lô, niềm nở đón người qua đường ghé xuống xin con chữ. Trần Thành Trung học nghề kiến trúc sư chuyên thiết kế nội, ngoại thất, nhưng vì yêu cái đẹp của chữ nghĩa, hơn nữa muốn lưu giữ thú chơi chữ truyền thống của dân tộc, trân quý tình cảm của người chơi mà anh cho chữ. Trần Thành Trung bảo, đầu xuân, mọi người thường thích xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ, Tài... ước vọng về một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc, giàu có, sung sướng và tài đảm. Ngoài ra,  tùy theo  mỗi ngành nghề, đối tượng, lại có ước muốn xin những chữ khác nhau. Học sinh thường xin các chữ Trí, Tuệ, Vinh, Hiển, Công, Trạng... với mong muốn thông minh, giỏi giang, đỗ đạt. Hay người đã đi làm thì xin Phú, Quý, Thịnh, Vượng, đôi khi là Dũng, Lực, Kiên, Nhẫn hằng mong làm được nhiều tiền, vượt qua khó khăn vươn lên. Theo anh Trung, chữ được viết trên nền giấy bản đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất, là biểu tượng của sự may mắn trong ngày đầu xuân năm mới.

Anh Đào Xuân Tuấn, tổ 12, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) một người có thú chơi chữ chia sẻ, anh rất thích chữ nên Tết nào cũng cất công đi xin chữ về để trang trí, những năm trước chủ yếu xin chữ Nho với các chữ Nhẫn, Tín, Tâm, gần đây anh Tuấn chơi thêm dòng chữ Quốc ngữ viết theo lối thư pháp. Anh Tuấn bảo, chơi chữ cũng là cách để anh răn mình và là cách để truyền cảm hứng cho con bởi “nét chữ nết người”. 

Tiến sĩ Văn học Vũ Quỳnh Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào cho rằng, từ xa xưa, việc xin chữ, đặc biệt là chữ Nho đầu năm treo trong nhà đã là một việc làm quan trọng của mỗi gia đình. Điều này thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người xưa, cũng là ước vọng được gửi vào chữ nghĩa mong cả năm may mắn, tốt lành, bình an. Phong tục ấy vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

“Thầy đồ” Trần Thành Trung, phường Hưng Thành (Tp Tuyên Quang) cho chữ đầu Xuân.

Nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hiện đại

Theo Tiến sĩ Vũ Quỳnh Loan, dù việc xin - cho chữ đầu năm ít nhiều đã thay đổi theo thời gian, song về ý nghĩa thì vẫn còn vẹn nguyên. Xưa, xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người xin chữ thường chọn ngày, chọn hướng, tìm đến ông đồ tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng để noi theo học tập. Ông đồ cho chữ phải là những nho sĩ, thầy giáo có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp hay là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông”. Đối với người xin chữ ngoài mong được phúc của người cho chữ, còn là mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. 

Cuộc sống càng hiện đại, những tưởng phong tục tốt đẹp này sẽ phai nhạt, nhưng số người xin chữ ngày càng nhiều hơn. Họ mong muốn được nói lên mong ước của mình trong năm mới nên gửi gắm qua nghệ thuật thư pháp dân tộc. Do vậy mà những “ông đồ” trẻ hiện nay không chỉ thỏa sức với chữ Nho, mà còn sáng tạo thêm chữ Quốc ngữ viết theo lối thư pháp, vừa thấu đạt những chuẩn tắc trong thư pháp, vừa định hình được phong cách riêng của mình, thể hiện sự phóng túng trong ý tưởng, cẩn trọng trong việc bồi giấy, chọn bút.

Anh Trần Thành Trung thổ lộ, nguyện vọng của người xin chữ giờ đa dạng lắm! Thay vì một dòng chữ Nho truyền thống với các chữ đơn như Nhẫn, Tín, Tâm, Tài... hiện nay nhiều người có xu hướng chơi chữ Quốc ngữ viết theo lối thư pháp với những câu cầu chúc: “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song toàn”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”… để đón chào năm mới, biểu thị cho những ước vọng đầu Xuân.  

Những con chữ như “rồng bay phượng múa” hiện lên qua các nét bút lông điêu luyện ngoài ý nghĩa xin được chữ, thể hiện ước vọng còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của người cho chữ.

Cùng với không khí, vạn vật hòa vào mùa mới, những nét bút của ông đồ, sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực làm cho ngày Tết thêm màu sắc và hương vị và cũng là một nốt nhạc Xuân được tấu lên trong lòng người dân Việt.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục