Tinh hoa đường thêu của người Dao Đỏ

- Ở Tuyên Quang, mùa xuân đi trảy hội du khách không khó để bắt gặp những bộ trang phục rực rỡ của người phụ nữ Dao đỏ. Có lẽ, trong 22 dân tộc trên địa bàn, thì dân tộc Dao được bình chọn có bộ y phục cầu kỳ, tinh tế, đặc sắc vào loại bậc nhất. Trong 9 ngành Dao, mỗi ngành có trang phục khác nhau, song ngành Dao đỏ nổi trội hơn cả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ Tuyên Quang là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo tồn và phát huy.

Trang phục Dao Đỏ với nét hoa văn tinh tế luôn rực rỡ tại các lễ hội.

Vượt một đoạn đường đất gập ghềnh khó đi, băng qua những cánh rừng già, chúng tôi đến được bản người Dao đỏ thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú (Na Hang). Ở đây những nóc nhà lưa thưa trong bản vẫn còn đang bốc hơi sương của mùa đông giá rét. Hứng những tia nắng ấm, chị Bàn Thị Khé đang ngồi bên hiên nhà chăm chỉ thêu bộ trang phục Dao đỏ cho con gái đang theo học Trường nội trú huyện cho biết, một bộ trang phục của người Dao đỏ đầy đủ bao gồm: áo, yếm, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và một số phụ kiện trang sức bạc đi kèm. Chị bảo, đối với người Dao mặc trang phục dân tộc vừa là sự tự hào, hãnh diện, vừa mang yếu tố tâm linh. Ngoài dệt, nhuộm vải bông đã là một kỳ công, thì phần thêu thùa của người Dao đỏ là cả một nghệ thuật công phu. Người phụ nữ sẽ tự thêu hoa văn lên trang phục, ở các phần: cổ áo, lưng áo, đuôi áo, cuối ống quần của chính mình và người thân. Do đó, mỗi bộ quần áo của dân tộc Dao sẽ thể hiện sự khéo léo của người tạo ra chúng.

Qua tìm hiểu các cụ bà cao niên ở thôn Nà Cọn chúng tôi mới biết, cách chọn hoa văn thêu lên trang phục dân tộc Dao thể hiện khát vọng của người thêu. Họa tiết có thể là hình vuông, chữ nhật, ngôi sao, chiếc lá, quả trám, hình con chim, thú được phối theo một quy luật. Tuy nhiên, mỗi người có thể tự chọn cách thêu theo lối cổ hay “biến tấu” khác nhau, miễn sao khi mặc nó thực sự nổi bật, mang đậm sắc thái của dân tộc mình. Người 

Trang phục Dao Đỏ với nét hoa văn tinh tế luôn rực rỡ tại các lễ hội.

Dao đỏ thường thêu trên trang phục từ 5 màu cơ bản: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Bởi theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống. Đối với người Dao trong mọi nghi lễ cúng, nhất là cúng Cấp sắc thì các thành viên của gia đình đều phải mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình. Gia đình nào tự làm được trang phục thì tổ tiên sẽ chứng giám cho lòng thành. Nhờ vậy mà đối với người phụ nữ Dao việc cắt may, thêu thùa trang phục cho gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, không thể không làm.

Cũng giống như ở Nà Cọn, người Dao đỏ thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) rất coi trọng nghề thêu. Chị Triệu Thị Liên chia sẻ, thêu trên trang phục của người Dao là một công việc khó, hoàn toàn phải làm thủ công bằng tay, cần sự tinh tế, kiên trì và tỉ mẩn, khéo léo. Trong thôn Phú Lâm các cháu gái từ 13 - 14 tuổi đều được các bà, mẹ hướng dẫn cách thêu. Đầu tiên là bài học thêu khăn, sau đó được nâng cấp lên những công đoạn khó hơn. Nhiều cháu sáng dạ, chỉ bảo một thời gian ngắn là đã thêu được thoăn thoắt. Với thiếu nữ Dao đỏ khi đi lấy chồng phải tự thêu trang phục cho mình và sau này là gia đình chồng. Qua thêu thùa người đàn ông Dao mới đánh giá cao sự đảm đang của người con gái mình yêu. Do độ khó mà có những bộ chủ nhân phải hoàn tất trong một hoặc hai năm mới xong. Bởi vậy, trên thị trường nhiều bộ trang phục Dao đỏ nguyên bản có giá khá cao lên đến vài triệu một bộ.

Nhiều du khách ngưỡng mộ trước độ tinh tế của trang phục dân tộc Dao đỏ.

Có thể nói không kể xiết biết bao đường kim, mũi chỉ mới hình thành được bộ trang phục của người Dao đỏ. Nên người Dao đỏ rất quý bộ trang phục của mình. Họ thường cất kỹ trong hòm. Chỉ khi làm lễ Cấp sắc hay hát Páo dung, múa màng hoặc đi hội, đám cưới, công to việc lớn họ mới mặc. Còn trong cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày, người Dao đỏ có thể mặc một bộ trang phục chàm với sắc thêu đơn giản. Hay một bộ quần áo bình thường như người Kinh. Qua đó nhiều người cũng lo lắng có nguy cơ mai một trang phục của người Dao. Nhưng đối với người Dao, hiểu người Dao thì trang phục luôn trường tồn vì nó rất linh thiêng, đi theo gắn bó với cuộc đời người Dao.

Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao của tỉnh khẳng định, trang phục dân tộc là hồn cốt của người Dao, không có trang phục sẽ không có lễ Cấp sắc. Ý thức được tầm quan trọng và nét văn hóa độc đáo đó, người Dao nói chung và người Dao đỏ nói riêng luôn chú trọng việc truyền nghề thêu cho con cháu, duy trì cho hậu thế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều câu lạc bộ thêu thùa, hoạt động sôi nổi, thiết thực. Các câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn, qua giao lưu mọi người có thể trao đổi để nâng cao kỹ năng thêu sao cho bền, đẹp, nhanh. Thời gian gần đây nhiều du khách lặn lội lên tận các bản người Dao đỏ xa xôi trong tỉnh, nhất là các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình để tận mắt xem chị em thêu, rồi thuê trang phục mặc để chụp ảnh. Đây là hoạt động vừa bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh, vừa góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển.

Quang Hoà

Tin cùng chuyên mục