Làm bạn với sách

- Ngoài các lớp học ngoại khóa, các chương trình dã ngoại... nghỉ hè là thời gian để các em có thêm những trải nghiệm tuyệt vời từ sách vở. Việc đọc sách không chỉ giúp trẻ củng cố kiến thức đã học, phát triển kỹ năng sống, năng lực cảm thụ, mà qua đó hình thành thói quen tự nghiên cứu.

Khơi dậy hứng thú đọc sách

Ngay khi cậu con trai bắt đầu vào Tiểu học, chị Phạm Phương Thùy, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã cố gắng tìm cách khơi dậy hứng thú đọc sách đối với cháu. Điện thoại thông minh, ti vi kết nối Internet phủ sóng, khiến nỗi lo con bị nghiện công nghệ của chị Thùy cũng như nhiều bậc phụ huynh trở nên “nóng” hơn, đặc biệt là dịp hè về - khi áp lực học hành đã phần nào được giải tỏa và sân chơi cho trẻ cũng chưa được quan tâm thích đáng. Chị Thùy chia sẻ, hiện nay ở lứa tuổi của con mình thì việc đồng hành cùng với các trang sách giấy cũng đã có những sự hạn chế nhất định. Đa phần các con có tìm hiểu các thông tin trên các trang thiết bị điện tử.

Điểm vui chơi tại Siêu thị Tuyên Quang dành một khu vực riêng cho các bạn trẻ đọc sách miễn phí.

Vốn là người được làm quen với sách từ nhỏ, chị Thùy mong muốn truyền được tình yêu sách vở đến với con mình, cũng là cơ hội  để con tìm hiểu thêm nhiều kiến thức, ở nhiều lĩnh vực khác mà sách giáo khoa chưa truyền tải hết được. Mỗi dịp cuối tuần chị đưa con đến các cửa hàng sách, truyện trong thành phố tìm mua các cuốn truyện tranh phù hợp với lứa tuổi và 1 số cuốn sách liên quan đến các kỹ năng sống, giáo dục giới tính. May mắn của chị Thùy là con khá hợp tác trong việc đọc sách, và con cũng hiểu, đọc sách là để tìm hiểu thêm về kho tàng kiến thức và củng cố thêm vốn ngôn từ mà con đang thiếu trong việc áp dụng vào môn Văn học.

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Phạm Thị Kim Thoa đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Không phủ nhận thời điểm này, lượng người đến với thư viện đã giảm nhiều so với trước, nhưng bà Thoa không vì thế mà lo lắng. Bà Thoa cho biết, văn hóa đọc đang được các cấp, các ngành nỗ lực “chấn hưng”, để tạo ra một thế hệ không lười đọc. Vì ở thời điểm nào, ở trình độ nào thì sách vẫn luôn là người bạn tốt nhất, cung cấp những tri thức cần thiết nhất cho người đọc. Mùa hè năm nay, Thư viện tỉnh đã được trang bị 2 điều hòa nhiệt độ và ưu tiên đặt ở phòng đọc sách dành cho thiếu nhi. Theo bà Thoa, đây là nỗ lực của ngành Văn hóa để “kéo” trẻ đến với Thư viện.

Theo bà Phạm Thị Kim Thoa, để trẻ có trải nghiệm vui khi đọc sách là điều quan trọng nhất và muốn tạo dựng được niềm vui ấy, cha mẹ cần phải tìm được sách hay. Trong đó, 3 tiêu chí chọn sách: Nội dung, sự phù hợp với từng độ tuổi và sở thích của trẻ.

Trên thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng có nhu cầu về sách giống nhau. Đặng Thành Công, tổ 8, phường Hưng Thành     (TP Tuyên Quang) vừa tốt nghiệp Tiểu học, nhưng “kho” sách mà cậu bé đã đọc khiến nhiều người lớn cũng phải trầm trồ. Không ham mê truyện tranh như nhiều cậu bé cùng độ tuổi, Công thích đọc sách dày, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới. Công khoe, mình đã đọc các tác phẩm nổi tiếng như Thành Cát Tư Hãn, Napoleon...

Tủ sách của em Đỗ Tuấn Quang, phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang.

Đỗ Tuấn Quang, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cũng có sở thích như Công. Anh Đỗ Tuấn Minh, phụ huynh của em Quang cho biết, không phải ngẫu nhiên mà   con anh thích đọc sách. Ở nhà, anh và vợ rất chú ý đến thói quen của con để có thể nắm bắt kịp thời nhu cầu và nuôi dưỡng nhu cầu đọc. Anh Minh minh chứng, thời điểm đầu, Quang thích tìm hiểu về thế giới côn trùng, anh tìm mua cuốn Côn trùng ký để con thỏa đam mê. Từ cuốn sách này, vợ chồng anh mua thêm Dế Mèn phiêu lưu ký, rồi chuyển sang nhiều cuốn sách khác. Đỗ Tuấn Quang tự hào khoe, con vừa đọc xong bộ truyện về Sherlock Holmes, Chùm nho phẫn nộ, Cây cam ngọt của tôi, Tam quốc diễn nghĩa... Anh Đỗ Tuấn Minh cho biết, thời điểm này có thể con chưa hiểu rõ, hiểu cặn kẽ những ẩn ý sâu xa trong các tác phẩm này mà vẫn cần cha mẹ định hướng, giải thích. Theo anh Minh, đây cũng là cách hay để chính anh và gia đình chủ động tìm đọc thêm các tác phẩm này để “theo kịp” con mình.

Xây dựng “cộng đồng chia sẻ”

Bà Lê Hồng Mai, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Toán học và Văn học, Trường Đại học Tân Trào cho rằng, để trẻ đam mê đọc sách, chủ động tìm đến với sách, thì sự định hướng, hướng dẫn của cha mẹ là điều tiên quyết. Không phải chỉ khi trẻ biết đọc biết viết mới cho trẻ làm quen với sách, mà việc làm quen với sách cần định hướng từ rất sớm. Cụ thể, trong độ tuổi 0-2, cha mẹ nên cho trẻ tiếp cận các cuốn sách với phần hình ảnh đơn giản, rõ nét, không có quá nhiều nhân vật và màu sắc. Từ độ tuổi lớn hơn 2, trẻ bắt đầu hình thành sở thích. Việc tôn trọng sở thích của trẻ cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong khâu chọn sách. Điều đó giúp các bé có hứng thú hơn khi đọc. Lúc này, truyện tranh, truyện vừa là ưu tiên. Càng lớn, nhu cầu và sở thích của trẻ càng được bộc lộ rõ ràng hơn, vì thế, việc lựa chọn sách cũng dễ dàng hơn.

Học sinh Trường PTDTNT THCS Lâm Bình say sưa đọc sách trong giờ ra chơi.

Tuy nhiên, sự định hướng của cha mẹ chỉ là bước đầu tiên để con làm quen với sách. Để con làm bạn với sách về lâu dài, theo bà Lê Hồng Mai, cần hình thành những nhóm chia sẻ, hay chính xác hơn là cộng đồng chia sẻ về sách. Có thể trực tiếp, cũng có thể trực tuyến. Cộng đồng này, nếu trực tiếp, có thể là nơi giao lưu, trao đổi sách, để kho tàng sách của mỗi người được đầy đặn hơn thông qua việc trao đổi giữa người đọc này với người đọc kia. Ngoài ra, hiện nay trên các hội nhóm thông qua các trang mạng xã hội, những nhóm đọc sách Online được hình thành tương đối nhiều, thích ứng với từng độ tuổi khác nhau, để trẻ có thể giao lưu, chia sẻ. Những hội nhóm này không thiên về việc trao đổi sách, mà thiên về trao đổi nội dung, nêu cảm nhận của các thành viên về nội dung một cuốn sách nhất định. Đây chính là cách giúp trẻ có thể cảm nhận sâu hơn, rõ hơn và dụng tâm tìm hiểu hơn về nội dung cuốn sách mà mình đang đọc.

“Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” - như lời Cao Bá Quát xưa đã từng khẳng định. Hãy để mùa hè này, cũng như nhiều mùa hè sau đó trở thành cơ hội để trẻ dành nhiều thời gian, sự quan tâm hơn đối sách. Từ đó, khai mở kho tàng tri thức rộng lớn, đồ sộ của nhân loại.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục