Vườn hoa trên không
Bấy nay, hội viên phụ nữ thôn Phố Dò, xã Thiện Kế (Sơn Dương) đã tích cực thu gom chai, can nhựa và các loại bánh xe cũ để làm “Vườn hoa trên không”.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình được làm từ vỏ chai nhựa, chị Hoàng Thị Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phố Dò chia sẻ: Sau khi được xã giao nhiệm vụ thực hiện làm vườn hoa từ rác thải nhựa, chị đã họp bàn với chị em và được mọi người hưởng ứng rất nhiệt tình. Chỉ trong 1 tuần, các chị em đã thu gom can nhựa, chai nhựa và cùng tập trung làm ra các chậu hoa nhựa. Với sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên phụ nữ, Phố Dò đã xây dựng được 12m2 vườn hoa với hơn 150 chậu hoa lớn nhỏ, được treo đan tại khuôn viên nhà văn hóa thôn.
Mô hình vườn hoa trên không của hội phụ nữ thôn Phố Dò, xã Thiện Kế (Sơn Dương).
Không chỉ ở thôn Phố Dò, phong trào làm “Vườn hoa trên không” đã được chị em trên địa bàn xã Thiện Kế hào hứng thực hiện. Bà Mai Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thiện Kế cho biết, cùng với việc duy trì thực hiện phương châm “Sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ”, hội viên phụ nữ xã còn tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường thôn, xã, nhất là mô hình “Vườn hoa trên không”. Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hội viên phụ nữ hiểu rõ ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, từ đó, vận động gia đình cùng thực hiện mô hình. Chị em hội viên phụ nữ đã hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình và thi đua tạo ra những bình hoa, chậu hoa đẹp.
Với cách làm hiệu quả, phong trào thu gom rác thải nhựa để làm “Vườn hoa trên không” ở Thiện Kế đã lan tỏa tới nhiều địa phương. Đến nay, phong trào phát triển theo nhiều cách trên cơ sở phù hợp với từng địa phương trong toàn tỉnh.
Gạch sinh thái
Đến xã Tri Phú (Chiêm Hóa), điều chúng tôi bất ngờ là rác thải nhựa nguy hại ngày thường vứt khắp nơi lại trở nên rất hữu ích. Từ những chiếc túi nilon, chai nhựa thừa được người dân ở đây tái chế làm thành những bồn hoa, chiếc ghế hay những bức tường sinh thái trông thật bắt mắt. Bà Ma Thị Hải, thôn Khun Mạ cho biết, từ ngày được cán bộ xã tuyên truyền chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, gia đình bà không còn vứt bỏ túi nilon, chai nhựa nữa. Dù đi làm ngoài đồng thấy rác thải nhựa bà cũng gom về để cho mọi người xây thêm nhiều công trình mới, làm đẹp làng, đẹp xóm.
Nói về phong trào này, đồng chí Hà Thị Xuyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tri Phú cho biết, ở đây mọi người gọi các công trình này là gạch sinh thái bởi nó được chế tạo hoàn toàn từ rác thải nhựa. Mỗi hộ sẽ thu gom những túi nilon đã qua sử dụng và vỏ chai nhựa, ngày 10 hàng tháng sẽ mang đến nhà văn hóa rồi tất cả cùng nhau làm. Những chiếc chai nhựa được thu gom sau đó nhồi bằng những túi nilon đã qua sử dụng. Công việc này rất kỳ công nên phải huy động hết nhân lực từ người già đến trẻ nhỏ. Từ năm 2021 đến nay, toàn xã đã thu gom được trên 20.000 viên gạch sinh thái, xây dựng nhiều công trình như vườn hoa, tường rào, khuôn viên nhà văn hóa…
Khi bắt tay vào làm các mô hình từ gạch sinh thái cũng không đơn giản chút nào. Anh Ma Văn Yên, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Khun Mạ, xã Tri Phú chia sẻ: Ban đầu việc thực hiện mô hình này không được người dân hưởng ứng, bởi họ nghĩ rằng vấn đề xử lý rác thải nhựa không quan trọng, tiện ở đâu vứt ở đó là được. Để thay đổi suy nghĩ và cách làm của người dân, anh Yên đến từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa. Nhận thức của bà con dần được thay đổi khi MTTQ xã phối hợp với các đoàn thể tổ chức cuộc thi tái chế sản phẩm nhựa. Mục tiêu là mỗi thôn sẽ thu gom chai, lọ nhựa để tái chế thành các sản phẩm như chậu hoa, đồ dùng sinh hoạt, trang phục bằng túi nilon… Những đồ dùng làm bằng chai nhựa được hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Từ những vỏ chai nhựa vứt khắp ngoài đường hay sọt rác lại được dùng để làm đẹp. Từ đó, mọi người dần thay đổi nhận thức, nhiều vườn hoa, tuyến đường được làm từ rác thải nhựa xuất hiện.
Người dân thôn Khun Mạ, xã Tri Phú tận dụng chai nhựa, bao bì nilon làm gạch sinh thái xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn.
Thùng rác gia đình
Chung tay phòng chống rác thải nhựa không chỉ là câu chuyện hô biến rác thành vườn hoa, tường rào bằng gạch sinh thái… mà còn là việc giảm thiểu rác thải nhựa ngay từ việc phân loại rác tại gia đình. Ở xã Kim Quan (Yên Sơn), bộ mặt nông thôn như được “thay da đổi thịt”, đường làng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Từ hơn một năm nay, việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày với gia đình chị Đỗ Thị Lệ Thùy, thôn Làng Hản. Chị Thùy cho biết, rác thải như gốc và lá rau, củ, cơm, thức ăn thừa được chị đem bỏ vào thùng rác, rác vô cơ như chai nhựa, túi nilon được thu gom để bán phế liệu. Việc áp dụng mô hình thùng rác gia đình này vừa giúp sạch nhà vừa đem lại lợi ích về kinh tế.
Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, quá trình thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới nên đến nay người dân thực hiện việc phân loại rác thải rất tốt. Giờ đây, tới Kim Quan không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên đường, dưới khe suối hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ đưa tới nơi quy định để xử lý.
Mô hình đã được nhân rộng ở 4/7 thôn của xã Kim Quan, với hơn 250 thùng rác, trong đó 50% thùng rác do người dân tự nguyện đóng góp. Các thùng rác được bố trí theo sơ đồ, vị trí thích hợp, mỗi vị trí được đánh dấu và có số thứ tự để người dân thuận tiện thu gom rác thải. Từ đó, mỗi người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm và nhà ở.
Chống rác thải nhựa là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta, hãy cùng hành động và nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và các vật liệu bằng nhựa để môi trường sống tốt hơn, tạo động lực cho sự phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết