Đưa trẻ về nguồn cội

- “Hè đến vui lắm, chúng con được trở về quê, được thăm khu di tích lịch sử, được ngắm thắng cảnh quê mình”... Đó là những lời thủ thỉ của nhiều trẻ em trong mùa hè này. Với các em, hoạt động trải nghiệm thực tế, được trở về nguồn cội của mình sau quãng thời gian xa cách chính là những kỷ niệm đẹp, hành trang đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Trường Tiểu học Đăng Châu (Sơn Dương) tổ chức cho học sinh
tham quan Di tích lán Nà Nưa, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Giữ lấy truyền thống

Lấy chồng xa quê nhưng năm nào vào dịp các con được nghỉ hè, chị Nông Thị Gái ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình) hiện đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội cũng cố gắng thu xếp thời gian để đưa các con về thăm quê, thăm họ hàng, anh em. Chị bảo, chị là người Tày nên dù các con sống ở thành phố lớn ít giao tiếp bằng tiếng dân tộc nhưng chị vẫn hay dạy các con tiếng nói của dân tộc mình để giữ lấy cái gốc. Các con chị đều được mẹ chuẩn bị cho các bộ trang phục truyền thống để vào mùa lễ hội du lịch, hay trở về quê các con không bị lạc lõng và cảm thấy gần gũi với mọi người ở quê. Chị bảo, bọn trẻ nhà chị càng lớn chúng càng yêu thương, mong nhớ về quê hương, gốc gác là bởi chị thường xuyên nhắc nhở, giáo dục chúng...

Thể hiện rõ quan điểm phải giữ lấy những nét đẹp văn hóa truyền thống, dù đã chuyển về thành phố Tuyên Quang được gần 20 năm nhưng gia đình anh Hoàng Văn Hữu, dân tộc Tày quê gốc ở Na Hang vẫn duy trì thói quen chào hỏi nhau giữa những người trong gia đình bằng tiếng dân tộc mình. Những câu quen thuộc mời chào như: “tuộng căn” (chào hỏi), “kin khẩu” (ăn cơm), “kin nặm” (uống nước)... được các con anh thuộc nằm lòng. Bé Hoàng Thanh Hiền, 11 tuổi con anh Hữu nói, ở trên quê con có bà nội sinh sống, mỗi lần trở về là cả nhà con lại lên hồ thủy điện ngắm núi Pắc Tạ, con được bà kể chuyện ngày trước bà đi rừng lấy măng, dạy con nhuộm áo chàm, cách làm xôi ngũ sắc… Con luôn tự hào vì quê hương mình tươi đẹp và có nhiều món ngon, trang phục đẹp như vậy.

Học sinh huyện Lâm Bình múa, hát Then phục vụ khách du lịch.

Trái với hình ảnh của những đứa trẻ cắm cúi vào chiếc điện thoại trên thế giới ảo mà thiếu đi sự quan tâm, giáo dục về vốn sống thực tế thì hình ảnh những trẻ em hoạt bát, thích thú khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham quan du lịch, tham gia các trò chơi dân giã ở quê như: chơi thả diều, chơi kéo co, chơi đu... là những hình ảnh đẹp đẽ, đúng với lứa tuổi hồn nhiên của các em. Chính vì thế việc giáo dục trẻ thông qua những hoạt động, hành động, việc làm ý nghĩa sẽ giúp các em được trở về với nguồn cội để các em phát triển toàn diện hơn.

Theo Cử nhân tâm lý học Phạm Thị Nhạn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều bậc phụ huynh treo thưởng cho các con bằng những lựa chọn đi ăn uống hay đến những địa điểm du lịch hiện đại mà thường không có lựa chọn cho việc về quê thăm ông bà, họ hàng. Đó là quan điểm sai lầm bởi sự xa cách cùng với thái độ coi nhẹ của bố mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy rất xa lạ với những người họ hàng thân thích ở quê. Chúng sẽ không thể cảm nhận được ý nghĩa của tình thân và sự gắn kết trong đại gia đình. Trẻ sẽ không có cảm giác cần hay nhớ nhung những người thân này, đơn giản vì chúng không có kỷ niệm và trải nghiệm, không được dạy về ý nghĩa và sự thiêng liêng của cội nguồn.

Cùng quan tâm, giáo dục trẻ

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế đối với trẻ em trong thời gian gần đây được nhiều trường học và gia đình quan tâm như: tổ chức cho trẻ đi tham quan các di tích lịch sử, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, thi tìm hiểu văn hóa dân tộc, tổ chức kết nạp Đội tại các khu di tích, lịch sử trên địa bàn tỉnh... Thông qua đó vừa giúp trẻ em, học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử, vừa bồi đắp trong các em lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Em Ma Ngọc Trà My, học sinh Trường  Tiểu học Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) vừa được bố mẹ thưởng một chuyến du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào vì đạt thành tích học tập xuất sắc. Lần đầu đến đây, Trà My rất hào hứng và thích thú, em được các chị hướng dẫn viên du lịch kể những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Trà My nói, em khóc mãi khi chứng kiến nơi Bác ở thật đơn sơ và giản dị. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sang năm bố mẹ lại đưa em đi du lịch để được tìm hiểu nhiều hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mình…

Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tổ chức hoạt động ngoại khóa.

Đối với mỗi học sinh Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) thì một trong những sự kiện được các em chờ đón nhất trong năm học chính là “Ngày hội văn hóa các dân tộc dành cho học sinh nhà trường”. Sự kiện này sẽ diễn ra nhiều hoạt động bổ ích như giới thiệu trang phục các dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian, thi kéo co, múa sạp, tìm hiểu ẩm thực các dân tộc... Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với việc trang bị kiến thức thì hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa và truyền thống luôn được nhà trường quan tâm. Từ đó đã nhắc nhở, giáo dục học sinh biết nhớ về nguồn cội, biết yêu quý trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay để các em ra sức học tập và rèn luyện sau này trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Tại nhiều địa phương, việc truyền dạy tiếng dân tộc, dân ca dân vũ... cho thiếu nhi cũng đang được đặc biệt quan tâm. Chị Đặng Thu Hiền, công chức văn hóa - xã hội xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, trên địa bàn xã hiện đang duy trì các CLB văn hóa văn nghệ với thành viên là những người am hiểu văn hóa truyền thống. Đây là những lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người, mọi nhà giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một. Đặc biệt là truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ về những nét văn hóa truyền thống như về trang phục truyền thống, tiếng nói, chữ viết... từ đó sẽ giúp các em sau này đi đâu làm gì vẫn giữ được gốc gác của mình và luôn tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên.   

Nhịp sống hiện đại đang kéo những đứa trẻ rời xa truyền thống. Do đó, việc giáo dục con trẻ biết hướng về nguồn cội càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi, như cha ông ta đã dạy “Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”, quê hương đã hào hiệp cho ta tất cả những gì tươi đẹp, vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đem tình yêu đó vun đắp, làm đẹp, làm giàu cho quê hương.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục