Hương vị xứ Tuyên
Bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, khắp các vùng đất Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình đồng bào người Tày, người Dao, người Nùng... bắt tay vào chế biến măng khô - đặc sản của núi rừng, thứ vốn chỉ xuất hiện trong mâm cỗ những ngày trọng đại, lễ, Tết.
Người dân thôn Cường Đạt, xã Tân Long (Yên Sơn) chế biến măng khô.
Bà Nguyễn Thị Thúy, thôn Cường Đạt, xã Tân Long (Yên Sơn), người có nhiều năm kinh nghiệm làm măng khô bảo, dù mỗi vùng có 1 loại măng khác nhau như: măng nứa, măng vầu, măng gộc... song tất cả đều được trồng thuận theo tự nhiên. Theo lời bà Thúy, khoảng tháng 6 - 7 âm lịch, mưa đổ xuống nhiều hơn để giao hòa cùng đất thì những mầm măng từ gốc tre mẹ cũng bắt đầu mặc áo (bẹ, mo) nhú lên. Đây là thời điểm măng ngon nhất, người làm măng cũng bắt đầu công việc chế biến măng khô. Để măng khô bảo quản được lâu, đậm vị, giòn, dai quá trình chế biến vô cùng cầu kỳ. Măng lấy về sẽ được bóc hết lớp áo ngoài, nhặt mắt, rửa sạch, xếp vào những chiếc nồi cỡ lớn, luộc trong khoảng 3-4 tiếng. Quá trình luộc, phải đặc biệt chú ý đến nguồn nhiệt, lửa đều măng mới vàng đẹp. Măng luộc chín được vớt ra làm nguội trước khi cho vào lò sấy. Măng sấy khi chuyển sang màu vàng ruộm, lúc này người làm măng dùng dao tách đôi thân măng, nhặt, tỉa, rửa để tiếp tục đưa vào sấy lần 2. Quá trình sấy luôn phải để mắt trông chừng, dở măng đảm bảo măng được khô đều, lên màu vàng mật, có vị thơm. Khi độ ẩm còn chừng 20%, măng sẽ được đưa lên sàn hong nắng, đây là khâu cuối cùng mà người làm măng gọi là khóa hương (tức là để măng lên hương hết, rồi cất trữ). Bà Nguyễn Thị Thúy khẳng định, trồng, chế biến thủ công, truyền thống, măng khô Tuyên Quang đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm nhất.
Chè xanh Ngọc Thúy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sử Anh đạt 4 sao OCOP.
Tuyên Quang còn nổi danh là vùng đất của nhiều dòng sản phẩm chè sạch, chè đặc sản. Điển hình chè Shan Tuyết Hồng Thái (Na Hang), chè xanh Bát Tiên Mỹ Bằng (Yên Sơn), chè xanh Ngọc Thúy Phú Lâm (Tp Tuyên Quang), chè đặc sản Tân Trào (Sơn Dương)... Mỗi dòng chè lại mang một hương vị riêng biệt lưu luyến thực khách. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sử Anh (Tp Tuyên Quang) “ông trùm” của dòng chè đặc sản chia sẻ, hiện tại hợp tác xã đang có 7 sản phẩm chè xanh Mỹ Bằng, chè xanh Bát Tiên, chè xanh Ngọc Thúy, chè lạnh Ngọc Thúy, chè Ngọc Thúy đinh, chè Ngọc Thúy búp, chè đinh hương nhài, tới đây hợp tác xã sẽ ra mắt thêm 2 sản phẩm chè xanh đặc sản mang phong cách mới, đó là chè macha Ngọc Thúy và chè đen hòa tan. Anh Sử hy vọng với bước đi mới của mình sẽ chiều lòng được cả “tệp” khách hàng trẻ, hiện đại và góp phần làm đa dạng hương vị nông sản xứ Tuyên.
Miền nông sản sạch
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khách quốc tế thăm gian hàng của Tuyên Quang tại Hội thảo về giải pháp phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang năm 2022.
“Tư lệnh” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan rất tâm huyết khi nhắc đến các sản phẩm nông sản sạch hay còn gọi là nông sản hạnh phúc ở khắp các tỉnh, thành phố trong đó có Tuyên Quang. Đây là những sản phẩm an toàn, trách nhiệm và khi nhắc đến cảm thấy tự hào. Vị tư lệnh ngành khẳng định, Tuyên Quang đang có nhiều hơn các sản phẩm an toàn, trách nhiệm được sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGap và được tiêu chuẩn hóa. Thực tế đã cho thấy ở mỗi địa phương đều đã có những sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn và được người tiêu dùng chứng nhận như: Chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); chè xanh Ngọc Thúy (Yên Sơn); Trà túi lọc đậu đen xanh lòng (Chiêm Hóa), dưa chuột bao tử, dưa lưới DUC DUONG FARM (Sơn Dương); cam hữu cơ (Hàm Yên); cá sạch (Na Hang)... Những sản phẩm đã đang tích hợp được đa tầng, đa giá trị tạo ra thương hiệu cho Tuyên Quang. Bởi mỗi sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang hôm nay không những gắn liền với những địa danh lịch sử, nét văn hóa hơn cả là trách nhiệm với sức khỏe của cả cộng đồng.
Vườn chè của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sử Anh được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sử Anh (Tp Tuyên Quang) tự tin khẳng định, giá trị sản phẩm của chè Ngọc Thúy, chè Bát Tiên... không dừng lại ở hương vị đặc biệt của đồ uống, mà mang theo cả dư vị của thời gian, cả tinh túy của đất, của nước, trách nhiệm và tình người vùng đất xứ Tuyên.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn khởi khoe, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích các cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh trên 3.200 ha, với các loại cây trồng: Cam, bưởi, na, chè... chưa kể lĩnh vực chăn nuôi như: Cá đặc sản, lợn nuôi thảo dược, dê núi Thổ Bình. Những người gắn cả cuộc đời mình với ngành nông nghiệp và người nông dân rất hạnh phúc khi tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Gửi phản hồi
In bài viết