Khó làm trước, dễ làm sau
Bình Nhân có 5 thôn, trong đó nhiều thôn ở xa trung tâm xã, sóng Internet đến với người dân còn khó khăn, nhiều hộ dân không sử dụng điện thoại thông minh, không thông thạo công nghệ, nhất là người cao tuổi. Đây là trở ngại lớn đối với các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn ở Bình Nhân. Thiếu tá Lý Minh Giang, Trưởng Công an xã Bình Nhân cho biết: “Những thôn khó khăn nhất, chúng tôi tập trung làm trước theo phương pháp “cuốn chiếu”, làm đến đâu xong đến đó. Những thôn khó khăn thường là địa bàn xa xôi nhất, sóng Internet kém, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh thấp. Chúng tôi huy động và phối hợp với tất cả các lực lượng tranh thủ làm ngày, làm đêm, thậm chí thường phải đến nhà người dân vào các buổi trưa hoặc buổi tối, bởi khi đó Nhân dân mới đi làm về. Công an xã Bình Nhân có 5 đồng chí đều chia nhau đến từng hộ gia đình cùng với các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng của xã, thôn hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt.
Người dân xã Bình Nhân được Tổ công nghệ số cộng đồng xã hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt tài khoản định danh điện tử.
Đối với những cá nhân không có điện thoại hoặc không có điện thoại thông minh, điện thoại cấu hình thấp, anh Giang và các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng còn dùng điện thoại của mình trực tiếp nhập số điện thoại của người dân hoặc người thân cá nhân đó để lấy mã OTP về cho người dân.
Đồng chí Ma Văn Dự, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đồng Tâm chia sẻ, thôn anh là thôn xa xôi và khó khăn nhất, có tới 30% người dân không sử dụng điện thoại thông minh, nhiều người đi làm ăn xa. Được Tổ công nghệ số cộng đồng xã hướng dẫn, tổ chức tập huấn, anh Dự tự học, nghiên cứu để cài đặt cho mình rồi sau đó cài đặt cho các thành viên trong gia đình, họ hàng, láng giềng. Dần dần anh thành thạo việc cài đặt và sử dụng, từ đó anh hướng dẫn cho thành viên của Tổ công nghệ số của thôn cài đặt và hướng dẫn đến Nhân dân. Với cách làm này, thôn Đồng Tâm đã về đích sớm nhất, 100% người dân trong thôn đã hoàn thành việc cài đặt tài khoản định danh cá nhân.
Còn đối với thôn Đồng Tân cũng là thôn nhiều khó khăn khi triển khai Đề án số 06 nhưng đến nay gần 100% người dân đã hoàn thành việc cài đặt tài khoản định danh cá nhân. Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn chỉ có 4 thành viên, trong khi có trên 400 nhân khẩu cần phải cài đặt tài khoản định danh cá nhân, các thành viên trong tổ đã phân công đến từng hộ ký bản cam kết. Những hộ đi làm ăn xa, thường xuyên vắng nhà, các thành viên trong tổ phối hợp với công an xã, công chức xã vận động người dân về địa phương. Nhiều lần phải đi lại vận động, trực chờ người dân có nhà mới gặp được nhưng các thành viên trong tổ không hề nản. Đồng chí Ngô Thị Chúng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tân cho biết: “Là một trong hai thôn khó khăn nhất khi triển khai Đề án 06 nên chúng tôi xác định phải dốc toàn tâm toàn sức để hoàn thành”.
Cán bộ công an xã Bình Nhân chụp ảnh nhận diện hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Việc triển khai thực hiện Đề án số 06 đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng chí Ngô Văn Phòng, Chủ tịch UBND xã, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng xã chia sẻ: “Chúng tôi có lực lượng đoàn thanh niên khá đông đảo ở địa phương và nhiệt tình, có lực lượng công an xã chính quy nhưng không vì thế chúng tôi phó thác cho các lực lượng này, bởi việc triển khai Đề án 06 ở một xã đặc biệt khó khăn như Bình Nhân nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ không thể thực hiện được”. Bởi vậy, các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng của xã phối hợp với Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”. Tổ công nghệ số cộng đồng của xã còn thành lập nhóm zalo để hàng ngày báo cáo việc triển khai ở các thôn, giải quyết các trường hợp bị vướng mắc. Trưởng các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội có đồng chí tuổi đã cao nhưng vẫn được phân công các nhiệm vụ cụ thể như phụ trách việc vận động, tuyên truyền, rà soát, thống kê những người đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động... Nhờ đó không chỉ có đoàn thanh niên mà cả Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân cũng tích cực thực hiện.
Đồng chí Ngọc Ánh Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nhân cho biết, chị được Tổ phân công phụ trách tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ các hộ gia đình ở thôn Nhân Lý cài đặt tài khoản định danh điện tử, ban đầu có nhiều hộ do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc cài đặt nên chưa muốn hợp tác. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, dân vận của chị Quỳnh và các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn đã đồng thuận và hợp tác trong việc cài đặt. Đến nay, 100% người dân đủ điều kiện ở thôn Nhân Lý đã hoàn thành việc cài đặt tài khoản định danh cá nhân.
Đến nay, Bình Nhân đã có 1.674/2002 người đủ tuổi theo quy định đã được thu nhận hồ sơ định danh điện tử mức 1 và mức 2. Số còn lại là 355 người chủ yếu đi lao động nước ngoài, đang được cấp ủy, chính quyền xã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ và tuyên truyền để tự cài đặt.
Với cách làm sáng tạo, tinh thần vượt khó, xã Bình Nhân được UBND huyện khen thưởng đột xuất và tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua về đích thực hiện chỉ tiêu cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, làm sạch dữ liệu. Kết quả này có được đúng như lời Chủ tịch UBND xã Bình Nhân khẳng định: Bên cạnh động lực là nhằm thi đua về đích sớm còn vì lợi ích mang lại cho người dân khi được cài đặt. Đây mới chính là động lực để cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở Bình Nhân nỗ lực hoàn thành.
Phóng sự: Thủy Châu
Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến
Đồng chí Ma Quý Đôn,
Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang
Để triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt hiệu quả, UBND huyện Na Hang thực hiện đầy đủ các chủ trương, quy định về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Trung ương, của tỉnh; cắt giảm thời gian và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; nâng cao chất lượng, thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3 và 4. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính 6 tháng đầu năm huyện Na Hang đã tiếp nhận 2.434 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 1.403 hồ sơ; đang giải quyết 31 hồ sơ; không có hồ sơ quá hạn. Trong thời gian tới, huyện Na Hang sẽ tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức nhằm giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tiên phong trong chuyển đổi số
Đồng chí Hoàng Trần Trung,
Phó Bí thư Tỉnh đoàn
Với thông điệp 5C: Chuyển đổi, Chủ động, Công nghệ số, Cẩn trọng và Chia sẻ, tương ứng với 5 việc làm, mỗi đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã phát huy vai trò của tuổi trẻ trong tiên phong chuyển đổi số. Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ người dân cài đặt các app thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với các ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh cho người dân, các chủ hộ kinh doanh; triển khai cài đặt ứng dụng VNeID định danh điện tử... Nhiều tổ, đội hỗ trợ chuyển đổi số đã được thành lập, màu áo xanh tại “Bộ phận một cửa” cấp huyện, cấp xã hay các địa điểm công cộng hỗ trợ chuyển đổi số đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tích cực hỗ trợ cài đặt tài khoản định danh điện tử
Thượng tá Đặng Đình Cường,
Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh
Việc đẩy mạnh công tác cài đặt tài khoản định danh điện tử cho công dân sẽ tạo tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 06 và phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử. Đơn vị đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn công dân (người đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh) cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Đa dạng hình thức tuyên truyền giúp Nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, lực lượng Công an sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để đảm bảo tối đa công dân đủ điều kiện được cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Nhằm tạo thuận lợi nhất cho công dân, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Tuyên Quang đã và đang rà soát danh sách, xây dựng kế hoạch triển khai các tổ công tác triển khai xuống tận thôn, bản, tổ dân phố để sớm hoàn thành chỉ tiêu thu nhận cấp căn cước công dân, cài đặt tài khoản định danh điện tử theo kế hoạch.
Chuyển đổi số nâng cao chất lượng cuộc sống
Chị Phùng Thị Chiều,
thôn Quang Tân, xã Hoàng Khai (Yên Sơn)
Được các cơ quan chức năng tuyên truyền về chuyển đổi số, người dân như tôi đã biết đến nhiều hơn những tiện ích từ công nghệ và ứng dụng vào đời sống, hoạt động kinh doanh. Từ điện thoại di động thông minh có cài đặt ứng dụng của ngân hàng, chúng tôi có thể thanh toán các dịch vụ về điện, nước, viễn thông, chuyển khoản. Trong kinh doanh, cửa hàng sử dụng máy quét mã vạch tính tiền, có phần mềm quản lý để thuận tiện trong kiểm soát lượng hàng bán ra, lượng hàng tồn kho; có mã thanh toán QR, số tài khoản để khách hàng chuyển khoản khi mua hàng, đa dạng hình thức thanh toán. Tôi thấy chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Ngay cả ở những khu vực vùng sâu vùng xa như chúng tôi, người dân cũng có thể hòa cùng công cuộc chuyển đổi số, vừa làm kinh tế trong thời đại mới, vừa đa dạng hơn với các hình thức giải trí Online an toàn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06
Đồng chí Hoàng Danh Tuyên,
Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ thông tin - Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh tiếp tục thuê Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang. Thực tế qua quá trình hoạt động, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tương đối đầy đủ các chức năng, tích hợp được với Cổng dịch vụ công Quốc gia về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Sở cũng sẽ tham mưu tỉnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng biểu mẫu điện tử tương tác (e-Form) trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo người dân và doanh nghiệp tương tác tốt hơn, thuận tiện hơn trong quá trình giao dịch. Đồng thời nâng cao hơn nữa hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các phường, xã, thị trấn... Khi các phần việc trên được duy trì, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.
Gửi phản hồi
In bài viết