Múa lân đường phố luôn thu hút đông đảo du khách và người dân theo dõi.
Cháy bỏng đam mê
Nhắc đến những màn múa lân - sư - rồng ở Tuyên Quang không thể không kể đến anh Vũ Trọng Công ở tổ 15, phường An Tường (TP Tuyên Quang), người đã có gần 30 năm gắn bó với nghề này. Gọi là nghề nhưng chưa thể đem lại thu nhập cao để nuôi sống được gia đình. Chính vì thế anh Công bắt buộc phải có nghề khác để đeo đuổi đam mê của mình. Anh Công yêu thích những điệu múa rồng, múa lân từ thủa nhỏ hồi còn là học viên năng khiếu của Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh. Sau này anh học võ từ thầy Tạ Quang Vụ, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch tỉnh (đã mất) và mở Võ đường Nam Hồng Sơn Tuyên Quang thu hút đông đảo các em nhỏ theo học. Anh Công kể lại, anh biết múa lân - sư - rồng từ những năm 1993, 1994 nhưng khi ấy "đồ nghề” thật đơn giản chỉ có chiếc đầu sư tử một người đội đầu và 1 người vẫy đuôi, các điệu múa hầu như chỉ tự biên tự diễn chứ không có bài bản gì. Sau này, nhiều lần đưa học trò đi thi đấu võ thuật ở miền Nam, anh học hỏi nhiều từ kỹ thuật biểu diễn của các đoàn và sau đó tự mày mò phát triển thêm các điệu múa mới.
Cũng theo anh Công thì múa sư tử hiện nay đã dần như vắng bóng và phổ biến nhất vẫn lá múa lân và rồng. Khi múa đòi hỏi những người hóa thân vào các con vật phải phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển khi đã thành thục còn phải thể hiện cảm xúc qua ánh mắt. Tùy vào mỗi sự kiện thì cảm xúc vui buồn khác nhau nhưng múa lân, múa rồng luôn thu hút được mọi người đón xem và giao lưu. Đó chính là sự đền đáp cho những tháng ngày luyện tập, có khi đến trầy da, bong gân...
Với niềm đam mê những điệu múa lân - sư - rồng, anh Công đã tập hợp những người có cùng sở thích và truyền dạy lại những điệu múa cho các học trò các lớp học võ để mong muốn phát triển nghề này trong tương lai. Hiện đội múa lân - sư - rồng của Võ đường Nam Hồng Sơn Tuyên Quang có gần 100 người và đội đã từng tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn của khu vực và của tỉnh tổ chức, trong đó có lễ hội Đền Hạ và Lễ hội Thành Tuyên hằng năm.
Anh Vũ Trọng Công và học trò chuẩn bị trước buổi múa lân.
Em Lê Hoàng Nam, lớp 8C, trường THCS Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, tham gia học võ và học múa lân đã giúp em có một sức khỏe dẻo dai để việc học trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Đem niềm vui, tiếng cười cho mọi người
Trong những ngày qua, khi đường phố Thành Tuyên sôi động với những mô hình đèn Trung thu khổng lồ, độc đáo thì những tiết mục múa lân - sư - rồng đã trở thành những điểm nhấn, tăng phần hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách và Nhân dân theo dõi. Gặp đội múa lân - sư - rồng đến từ Võ đường Huỳnh Nhuận ở tổ 9, phường Minh Xuân trong vòng vây của mọi người mới thấy múa lân luôn có một sức hút lạ kỳ. Chị Trần Thị Thuận đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, Tết Trung thu ở Tuyên Quang thật là tuyệt vời bởi không chỉ có đèn Trung thu khổng lồ mà còn có những màn hát, múa, biểu diễn múa lân - sư - rồng sôi động... Hấp dẫn như vậy nên năm nào gia đình chị cũng đưa các con, các cháu lên tham gia Lễ hội Thành Tuyên.
Đội múa lân - sư - rồng của Võ đường Huỳnh Nhuận.
Khi múa lân - sư - rồng nhập cuộc, người nghệ nhân phải diễn, phải hóa thân, mỗi đoạn diễn đều thể hiện những tâm trạng khác nhau lúc hung dữ, khi nhảy múa vui vẻ… Ngoài ra, múa lân - sư - rồng không chỉ đòi hỏi lòng đam mê, kỹ thuật diễn mà cần phải có một thể lực tốt và am hiểu võ thuật.
Anh Đỗ Trọng Huỳnh ở tổ 9, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) là người mê múa lân - sư - rồng từ nhỏ. Từ vài thành viên ban đầu, anh đã tập hợp, thu hút các cháu thanh thiếu niên, lập nên đội múa lân - sư - rồng với hơn 30 người. Anh Huỳnh cho biết, để duy trì trò chơi dân gian múa sư tử, múa lân cũng lắm công phu. Bên cạnh yêu cầu về số lượng, người chơi còn đam mê để học thêm các thế võ cổ truyền, rồi còn các đạo cụ bảo đảm kỹ, mỹ thuật.
Tại Tuyên Quang, trong khoảng 2 năm trở lại đây nhu cầu về múa lân - sư - rồng trong các lễ khởi công, động thổ, đám cưới, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch... đã ngày càng tăng lên. Điều này cho thấy sức sống của loại hình nghệ thuật múa dân gian đã có sức sống mãnh liệt và thể hiện cho nét đẹp văn hóa được gìn giữ và phát triển. Đặc biệt, trong mỗi dịp Trung thu về, múa lân - sư - rồng đã trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với trẻ em. Nhờ có múa lân - sư - rồng đã làm nên một bức tranh đêm hội trăng rằm nhiều thanh âm, sắc màu và tràn đầy ý nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết