Trong "Thơ tặng các cháu nhi đồng" năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn như vậy. Và mỗi độ Trung thu, từ chính tình yêu thương, đồng hành của cả cộng đồng, thiếu nhi Tuyên Quang, cùng với thiếu nhi cả nước, ngày càng tự tin, vững bước họa nên một tương lai "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"!
Lễ hội riêng có của thiếu nhi Tuyên Quang
Một điểm rất vui ở Thành phố Tuyên Quang những ngày này, là cuối giờ chiều, tiếng loa phát thanh của các tổ dân phố đều đặn thông báo giờ mô hình tổ mình xuất phát, giờ tập trung, và không quên "nhắc" các cháu thiếu nhi ăn cơm thật sớm, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà thật nhanh, thật ngoan để bố mẹ, ông bà cho đi đón chị Hằng sớm.
Đại diện Báo Tuyên Quang cùng nhà tài trợ cửa hàng Mộc Store trao quà cho các em học sinh trên địa bàn xã Tân Tiến (Yên Sơn).
Có lẽ, đến thời điểm này, hiếm có một tỉnh thành nào tạo dựng được một lễ hội Trung thu đặc biệt dành riêng cho thiếu nhi như ở Tuyên Quang.
Lễ hội Thành Tuyên, khởi phát từ tình yêu dành cho con trẻ của chính người dân, sau này được "nâng cánh" nhờ sự hỗ trợ, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, của tỉnh, đã dần nâng cấp từ lễ hội đường phố, lên lễ hội cấp thành phố, lễ hội cấp tỉnh, giờ trở thành lễ hội cấp quốc gia. Tất cả, đều xuất phát từ tình yêu dành cho con trẻ mỗi độ trăng tròn tháng Tám.
Năm nay là năm đầu tiên Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia, với sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, tỉnh Bình Thuận và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là tỉnh Xiêng Khoảng của Lào và thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Nhưng vẫn giữ được bản chất ban đầu của lễ hội, đó là đối tượng ưu tiên phục vụ đặc biệt vẫn là thiếu nhi.
Tối thứ sáu, thứ bảy mấy tuần nay, cậu bé Ngô Kim Phú, tổ 10, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) lại tranh thủ ăn cơm thật nhanh, rồi cùng các bạn trong tổ đi "rước đèn ông sao". Phú học lớp 5, Trường Tiểu học Bình Thuận. Tổ dân phố của em năm nay không làm đèn khổng lồ, nhưng các bác, các chú trong tổ đã thống nhất cùng góp tiền, thuê một chiếc xe mô hình khổng lồ để con em trong tổ mình cũng được hưởng không khí lễ hội và đón một Tết Trung thu thật đặc biệt và ý nghĩa. Cậu bé cười khúc khích khi nói về Tết Trung thu của mình: Năm nào cháu cũng chờ đón những ngày này chỉ sau nghỉ hè. Sau một tuần học tập, thì đây là thời gian vui chơi thoải mái nhất. Cả thành phố như một bức tranh khổng lồ rực rỡ, rất đẹp mắt và vui.
Anh Phạm Ngọc Toán, tổ 15, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) - chủ nhân của những mô hình đèn Trung thu khổng lồ bảo, gần như năm nào tổ nhân dân làm mô hình, mình cũng hỏi ý kiến của các cháu thiếu nhi trong tổ. Rất nhiều mô hình do anh xây dựng, xuất phát từ chính những đề xuất, ý tưởng của các em. Như mô hình Chú cá Nê mô, mô hình Thánh Gióng đánh giặc, hay Đám cưới chuột... Anh Toán cười bảo, Tết của thiếu nhi, mô hình làm ra cũng để phục vụ thiếu nhi, nên tất cả mọi ý kiến từ thiết kế, màu sắc, tạo hình, anh đều tôn trọng 100% ý kiến của các cháu. Có lẽ nhờ thế mà các mô hình đèn Trung thu khổng lồ của anh có sức sống hơn, sống động hơn và "hút" trẻ nhỏ hơn.
Lễ hội Thành Tuyên khởi phát và được xây dựng từ chính Nhân dân, với mong muốn đem lại cho thiếu nhi một
Tết Trung thu rực rỡ và ý nghĩa.
Các mô hình Trung thu khổng lồ, từ thành phố Tuyên Quang, giờ đã có mặt ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Từ Sơn Dương, Hàm Yên đến các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình. Niềm vui con trẻ trên mỗi chuyến xe ấy, như tiếp thêm động lực để Lễ hội ngày càng phát triển, trở thành điểm nhấn hấp dẫn và riêng có mỗi độ trăng tròn tháng Tám của Tuyên Quang.
Yêu thương từ tâm
Với những trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dịp Tết Trung thu, các em càng được quan tâm đặc biệt, với sự vào cuộc của tất cả các địa phương, đơn vị, nhà hảo tâm. Mục tiêu cuối cùng là để các em có được một Trung thu tròn vẹn, ấm áp và cảm nhận được tình yêu thương của tất cả mọi người.
Tối 10-9, Tỉnh đoàn Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm cho hơn 1.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Thành phố Tuyên Quang, Hàm Yên, Yên Sơn. Các phần quà ý nghĩa gồm xe đạp, quà, tổng trị giá hơn 500 triệu đồng được trao tận tay cho các em, như một lời động viên ý nghĩa để các em có thêm nghị lực học tập, hướng đến ngày mai tươi sáng.
Ngay sau Đêm hội trăng rằm này, Tỉnh đoàn Tuyên Quang tiếp tục tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm - Lồng đèn thắp sáng ước mơ cho thiếu nhi Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Sinh Long (Na Hang) vào đêm 16-9.
Niềm vui của các em nhỏ khi được nhận quà.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, với mục tiêu trẻ em là đối tượng chăm sóc đặc biệt, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, hàng năm, vào các dịp quan trọng, trong đó có Tết Trung thu, từ nguồn quỹ bảo trợ trẻ em đều ưu tiên dành tặng các suất quà đặc biệt cho đối tượng này. Dịp Tết Trung thu năm nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh dành tặng 70 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho trẻ em khó khăn. Đồng hành cùng chương trình Đêm hội trăng rằm - Lồng đèn thắp sáng ước mơ dành tặng 60 suất quà, mỗi suất 300 nghìn đồng cho các em thiếu nhi. Đồng thời, đơn vị đã trao tặng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Hương Sen, mỗi đơn vị 5 triệu đồng. Theo bà Hạnh, hiện đơn vị đang tiếp tục kết nối các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành với các chương trình Trung thu cho trẻ em vùng khó.
Huyện Na Hang, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, công tác chăm lo cho trẻ em, đặc biệt chăm lo Tết Trung thu được đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Quốc Luân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện, nhân dịp Trung thu, từ nguồn quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Quỹ bảo trợ trẻ em huyện, Na Hang tập trung vào các trường học trên địa bàn, trong đó dành tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 29 trường học, 4 nhóm trẻ mỗi đơn vị 2,2 triệu đồng để tổ chức Tết Trung thu vui và ý nghĩa cho các em thiếu nhi.
Mỗi địa phương, đơn vị lại có những cách làm khác nhau để thiếu nhi được đón Tết Trung thu đủ đầy nhất. Như tại xã Sinh Long, ngay khi biết xã được Tỉnh đoàn lựa chọn tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm - Lồng đèn thắp sáng ước mơ, đoàn viên thanh niên trong xã cũng tranh thủ cuối giờ lên rừng chặt nứa, tự tay hoàn thành 80 chiếc đèn lồng Trung thu cho các em học sinh. Anh Bàn Văn Vinh, Bí thư Đoàn xã Sinh Long chia sẻ, đây là món quà không đắt đỏ, nhưng chứa đựng tình cảm của các anh chị gửi đến các em học sinh.
Đoàn viên thanh niên xã Sinh Long (Na Hang) tự tay chuẩn bị những chiếc đèn ông sao cho các em thiếu nhi.
Hay như tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn), từ nhiều năm nay, nguồn quỹ để Hội LHPN xã tổ chức Tết Trung thu ý nghĩa cho trẻ lấy từ chính nguồn quỹ rác thải nhựa của mỗi chi hội. Chị Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, từ việc thu gom rác thải nhựa bán gây quỹ, mỗi dịp Trung thu, Hội LHPN xã Mỹ Bằng dành tặng 20 suất quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hội cũng nhận đỡ đầu cháu Vương Thị Yên, thôn Đình Bằng. Cha mất sớm, mẹ bệnh tật nuôi 2 chị em, cùng với cặp, sách vở đầu năm học, dịp Tết Trung thu, Yên cũng được các mẹ nuôi tặng bánh kẹo, giày dép... để em thêm tự tin và không cảm thấy thua thiệt với các bạn cùng trang lứa.
Cùng với các địa phương, đơn vị, Trung thu năm nay, Báo Tuyên Quang kết nối với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tổ chức Chương trình Trung thu yêu thương cho trẻ em. Qua kêu gọi, vận động, đã có 600 suất quà và học bổng được trao tận tay các em thiếu nhi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 12 xã trên địa bàn tỉnh, gồm các xã Tân Tiến, Trung Minh, Tiến Bộ, Công Đa, Hùng Lợi (Yên Sơn), Hùng Đức, Minh Hương (Hàm Yên), Linh Phú (Chiêm Hóa), Bình An, Hồng Quang (Lâm Bình), Đồng Quý (Sơn Dương).
Dẫu cách làm khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là dành tặng các em niềm vui, tiếng cười và sự quan tâm đặc biệt. Để với các em, Rằm Tháng Tám sẽ là một mùa Trung thu yêu thương - đoàn viên và trọn vẹn ấm áp!
Gửi phản hồi
In bài viết