Vẫn còn vi phạm
Trước khi chính thức diễn ra Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023, các cơ quan chức năng, UBND thành phố Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về ATVSTP trong dịp Trung thu và Lễ hội, Hội chợ Thương mại và Du lịch 2023; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát thực hiện ATVSTP. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, qua các đợt kiểm tra từ ngày 17/8 đến ngày 6/9/2023, lực lượng Quản lý thị trường trong tỉnh đã kiểm tra 44 vụ việc, qua kiểm tra đã phát hiện 24 vụ việc phải xử lý, trong đó chủ yếu là kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng nói là trong số các mặt hàng vi phạm phải xử lý, tiêu hủy, nhiều mặt hàng là bánh kẹo, các sản phẩm như cánh gà, đùi gà, xúc xích, chân gà, cánh vịt ăn liền…
Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra mặt hàng bánh Trung thu bày bán tại Cửa hàng bánh kẹo Sơn Tám, tổ 6, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang). Ảnh: Thúy Nga
Theo đồng chí Hoàng Văn Hùng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh, chỉ qua các đợt kiểm tra trước lễ hội đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, cho thấy ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSTP của một số cơ sở chưa tự giác, chưa nghiêm.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Quyên, Trưởng phòng Y tế TP Tuyên Quang, chỉ trong hai ngày 7, 8-9-2023 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm của thành phố tiến hành kiểm tra 12 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố đã phát hiện 6 cơ sở vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, thùng chứa rác không có nắp đậy, không thực hiện kiểm thực 3 bước, không bảo quản thức ăn sống và chín riêng biệt.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh ra quân kiểm tra hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Hàm Yên. Ảnh: Thúy Nga
Những ngày này, du khách đổ về tham gia Lễ hội Thành Tuyên đã rất đông, các quán xá, cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố cũng mọc lên như nấm. Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm tra về ATVSTP đối với thức ăn đường phố hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Quyết định số 29 về phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện. Trong khi đó, tại lễ hội, nhiều cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố là người ở địa phương khác, kinh doanh trong một thời điểm nhất định, địa điểm kinh doanh không cố định.
Vào các buổi tối, từ 19h, tại các tuyến phố, khu vực gần Quảng trường Nguyễn Tất Thành, có tới hàng trăm quán xá kinh doanh nước giải khát, thức ăn đường phố. Không khó để quan sát, nhiều chủ kinh doanh chưa thực hiện đúng các quy định về đảm bảo ATVSTP khi kinh doanh thức ăn đường phố. Anh H, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc mấy ngày nay đã thuê trọ ở thành phố Tuyên Quang để kinh doanh thức ăn đường phố. Chiếc xe hàng của anh đồng thời là nơi bày bán các loại thức ăn đường phố như chả mực, xúc xích, khoai tây chiên, chả tôm, cá viên rán nhưng không có tủ kính, khoang chứa đựng chống bụi bẩn, ruồi nhặng, côn trùng. Anh H cho biết: "Nếu che đậy thì khách rất khó nhìn nên mình không che đậy. Hơn nữa mình chỉ bán một lúc buổi tối".
Không chỉ riêng sạp bán hàng rong của anh H, nhiều cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố tại một số tuyến phố cũng không đáp ứng đủ điều kiện về trang thiết bị để kinh doanh thức ăn đường phố.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm
Theo đồng chí Lê Xuân Vân, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế, công tác kiểm tra ATVSTP trong dịp Trung thu, Lễ hội năm nay tập trung kiểm tra, kiểm soát nơi sơ chế, chế biến thực phẩm; kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nơi cung ứng thực phẩm để truy xuất nguồn gốc nếu có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra. Đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở có đủ điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có đủ điều kiện để hoạt động hay không.
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Tuyên Quang kiểm tra việc bảo quản thực phẩm tại một nhà hàng
trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Không chỉ Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra về ATVSTP mà Cục Quản lý thị trường, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu và Lễ hội Thành Tuyên. Trong đó, các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm như bánh kẹo, nước giải khát, hoa quả… Các cơ quan chức năng sẽ chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, các nguyên liệu, thành phần có nguồn gốc nước ngoài, đặc biệt là các loại bánh giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP.
Theo đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra trước thời gian tổ chức lễ hội về tình hình thực hiện các quy định an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công thương. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng chí Vũ Xuân Quỳnh, Chủ tịch UBND phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, đến nay, Đoàn kiểm tra của phường đã tiến hành kiểm tra 26 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền của UBND phường quản lý. Đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, UBND phường đã tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm quy định về ATVSTP đối với 100% hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nhiều sạp bán rong thức ăn đường phố tại thành phố Tuyên Quang chưa có đủ thiết bị bảo quản theo
quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lễ hội Thành Tuyên là dịp để Tuyên Quang quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người, do đó, các hoạt động đảm bảo an toàn cho Lễ hội cần được đặt lên hàng đầu, trong đó có công tác đảm bảo ATVSTP. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Bên cạnh giải pháp kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATVSTP đến người dân, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống để nâng cao ý thức tự giác, chủ động chấp hành pháp luật. Và khi tất cả đều chung sức đồng lòng thực hiện nghiêm các quy định về ATVSTP thì mới góp phần xây dựng một hình ảnh Tuyên Quang an toàn, thân thiện.
Gửi phản hồi
In bài viết