Sáng tạo, gắn với thực tế địa phương
Tinh thần “Làm cho mau, làm cho nhiều” được các cấp, ngành trong toàn tỉnh sôi nổi triển khai. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều xây dựng các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hiện thực hóa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Ở Tuyên Quang, các cấp, ngành đã vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm.
Kiểm lâm và nhân dân xã Tân Trào (Sơn Dương) tuần tra, bảo vệ rừng.
Trong lĩnh vực kinh tế, là các phong trào thi đua Sản xuất, kinh doanh giỏi, Lao động với năng suất, chất lượng hiệu quả, Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có các phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, Thực hiện 12 điều y đức. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh có các Phong trào thi đua quyết thắng, Vì an ninh Tổ quốc.
Mỗi giai đoạn, Tuyên Quang lại xây dựng các phong trào thi đua đặc biệt, để quyết tâm hoàn thành các mục tiêu. Như phong trào thi đua đặc biệt Tuyên Quang đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới, Phong trào thi đua vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau, Phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở, Phong trào thi đua Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Y bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong điều trị bệnh nhân.
Tinh thần thi đua hoàn thành Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đạt 30%, tính hết quý 1/2023 đạt 56%; tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 6 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2; đã thu nhận gần 669 nghìn hồ sơ cấp căn cước công dân gắn với thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử có tích hợp 04 loại giấy tờ cần thiết; tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho 100% trường hợp là học sinh phục vụ các kỳ thi tuyển sinh THCS, THPT và giáo dục thường xuyên năm học 2023 - 2024… Để có được kết quả này, lực lượng cán bộ, chiến sỹ đã phát huy vai trò nòng cốt, lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn với lợi ích trực tiếp của người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả; thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang “hỗ trợ, hướng dẫn” để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
Những phong trào thi đua gắn với đời sống thiết thực được từng cấp, ngành ở cơ sở triển khai rất hiệu quả. Đơn cử như phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và phòng chống rác thải nhựa đã được Hội LHPN tỉnh xây dựng nhiều mô hình thiết thực. Các cấp Hội Phụ nữ đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng chai nhựa, túi nilon làm được hơn 42 nghìn viên gạch sinh thái từ rác thải nhựa. Số gạch này, các chi hội đã xây dựng 105 công trình công cộng như thư viện, bàn ghế, bồn hoa, tường rào, cổng nhà văn hóa... Điển hình như công trình “Thư viện cho bé” tại Trường Tiểu học Vĩnh Lộc và “Điểm dừng chân” tại xã Trung Hà (Chiêm Hóa); “Ngôi nhà xanh” chứa rác thải tái chế bằng gạch sinh thái (Hàm Yên); điểm check-in (Lâm Bình); bàn, ghế băng, bồn hoa, cổng, hàng rào nhà văn hóa thôn (huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Lâm Bình, thành phố Tuyên Quang); mô hình “Vườn hoa trên không” làm từ các hộp, chậu, bình nhựa được cắt tỉa làm bình hoa treo tại các trục đường không có hành lang trồng hoa (huyện Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang)...
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Chính nhờ quyết tâm, khí thế này mà Tuyên Quang đã đạt được những kết quả ngoạn mục về phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,66% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,45% xuống còn gần 20%; toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Khen thưởng kịp thời, tránh hình thức
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua - Khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, công tác khen thưởng những năm qua đã có nhiều đổi mới bao quát được các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, những người lao động trực tiếp, công tác ở cơ sở, tập thể nhỏ được chú trọng. Việc bình xét, khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, công khai gắn với kết quả các phong trào thi đua đã có tác dụng rất lớn động viên tập thể, cá nhân thi đua hoàn thành các mục tiêu của tỉnh.
Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác tuyên truyền về phong trào thi đua còn hạn chế, việc tổ chức các phong trào thi đua còn hình thức, đối phó, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở và nhân dân. Ngay chính tại các cơ quan công sở, tình trạng đi làm muộn về sớm vẫn còn diễn ra, vẫn còn tình trạng “ăn trộm” giờ làm. Mặc dù các cấp, các ngành đã phát động và xây dựng quy chế cơ quan không có khói thuốc nhưng thực tế ở không ít nơi cán bộ vẫn hút thuốc trong cơ quan, trong phòng làm việc, thậm chí là ngay cả các cuộc họp. Phong trào phòng chống rác thải nhựa và hạn chế dùng đồ nhựa một lần đã đạt được những kết quả về mặt tuyên truyền nhưng thực tế hiện nay đa phần người dân, cán bộ, viên chức, người lao động sử dụng nước đóng chai, túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Chương trình “3 cùng” với người dân được đánh giá cao nhưng thời gian gần đây một số cơ quan, đơn vị chọn những việc còn mang tính hình thức, thiếu thiết thực như quét dọn đường làng, ngõ xóm, phòng học tại các trường...
Nông dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần hoàn thành thắng lợi phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, công tác thi đua và khen thưởng càng có vai trò quan trọng. Do đó, các cấp, các ngành cần có giải pháp cụ thể, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo triển khai các phong trào thi đua để mỗi người, mỗi nhà thực sự có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho các phong trào, chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, tránh tình trạng ỷ lại, trông chờ. Đây thực sự là yêu cầu cốt lõi để các phong trào thi đua không mang tính hình thức, lặp đi lặp lại trở thành nhàm chán.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, các phong trào thi đua đang được triển khai để người dân đón nhận với khí thế nồng nhiệt nhất. Chỉ có như vậy, phong trào thi đua mới thực sự bền vững, khơi dậy sức sáng tạo trong nhân dân, đóng góp thiết thực vào mục tiêu lớn của tỉnh là đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết