Suối nguồn một thuở
Trong ký ức của ông Đặng Đình Đạt và hàng trăm người dân ở thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế (Sơn Dương) hình ảnh dòng suối Cầu Khum trong mát vẫn vẹn nguyên. Ông Đạt kể, ngày trước, suối trong lành đến mức đứng trên bờ có thể nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, thấy cả rêu phong dưới đáy. Suối là nơi bà con lấy nước về ăn uống, sinh hoạt hay phục vụ tưới tiêu. Những đứa trẻ lớn lên từ suối, đều cảm nhận sự mát mẻ, trong lành từ suối Cầu Khum. Ngày ấy, người dân còn sáng tạo ra những chiếc cọn nước khổng lồ và đặt ngay cạnh suối để đưa nước về ruộng; tận dụng lực chảy của nước suối để làm những chòi giã gạo ngay ven suối.
Dòng suối ở xã Xuân Lập (Lâm Bình) không bị ô nhiễm.
Theo thời gian, dòng suối Cầu Khum bây giờ chỉ còn trong câu hát hoài niệm. Sự trong lành dần mất đi, thay vào đó là những dòng suối mang đầy chất thải, nước chuyển màu đen ngòm, hôi thối. Ông Hoàng Ngọc Hải, Bí thư Chi bộ thôn Vạt Chanh cho biết, suối Cầu Khum bắt nguồn từ Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đi qua thôn Kế Tân, Ninh Tân rồi đến Vạt Chanh và chảy ra sông Đáy. Tình trạng ô nhiễm suối này bắt nguồn từ ý thức của một số hộ chăn nuôi xả thải trực tiếp ra suối.
Cùng với đó là rác sinh hoạt từ các nơi đổ về, do Vạt Chanh là đoạn cuối dòng chảy nên tình trạng ô nhiễm rất nặng. Mặc dù các thôn trên địa bàn xã đã thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường, nhưng các tổ này chỉ mới dừng lại ở việc quét dọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa… chứ việc ra quân dọn dẹp vệ sinh khu vực suối hầu như chưa mấy khi thực hiện.
Tình trạng ô nhiễm ở suối thôn Chắng Hạ, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cũng khiến người dân đứng ngồi không yên. Nhất là đoạn chảy qua khu vực giáp ranh thôn Tông Muông, Liên Kết, hai bên bờ suối cây cối rậm rạp, rác thải ứ đọng thành từng đống. Ông Lương Đình Ngọc, thôn Chắng Hạ cho rằng, ý thức của người dân quá kém. Lúc đầu, một người vứt được rác, rồi dần dần người sau thấy vậy cũng mang rác ra suối đổ. Cứ vậy, không ai nhắc nhở ai, trở thành thói quen xấu. Rồi vấn đề ô nhiễm suối đã tác động trở lại chính cuộc sống của người dân, nguồn nước không còn được an toàn để sử dụng cho sinh hoạt, môi trường sống bị ảnh hưởng, dịch bệnh cũng từ đây phát triển.
Hay con suối thuộc cầu 31, Quốc lộ 2 đoạn qua xã Thái Sơn (Hàm Yên) cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Tình trạng vứt rác bừa bãi diễn ra thản nhiên mà chưa thấy ai bị xử phạt. Các loại cá tôm dần dần bị suy kiệt, gây mất cân bằng sinh thái. Các dòng suối ở nhiều địa phương khác cũng đang... than khóc từng ngày.
Suối hồi sinh
Tại nhiều địa phương, sau khi nhận thấy những tác động tiêu cực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đến môi trường, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ để hồi sinh những dòng suối.
Vào ngày Chủ nhật xanh, tại đoạn suối Nà Lòa, thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập (Lâm Bình), hình ảnh quen thuộc màu áo xanh của đoàn viên thanh niên lại có mặt ở những dòng suối rác. Trong thời gian một buổi sáng, hơn 70 đoàn viên thanh niên và tình nguyện viên đã cùng thu gom hơn 1 tấn rác thải lòng suối và ven các suối.
Đoàn viên thanh niên và nhân dân xã Xuân Lập (Lâm Bình) thu gom rác thải ở các dòng suối.
Anh Lò Tiến Hướng, Bí thư Đoàn xã Xuân Lập cho biết, chương trình đã thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia. Cùng với hoạt động ra quân, các bạn đoàn viên còn chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tinh thần bảo vệ môi trường của mỗi người dân, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan môi trường sau khi các kênh, mương, suối đã được dọn dẹp, vứt rác đúng nơi quy định, không để ô nhiễm, ứ đọng rác thải trở lại.
Có mặt ở đó, mới thấy sức trẻ và nhiệt huyết căng tràn. Nhiều người dân xung quanh suối cũng xắn tay áo chung tay góp sức. Ông Trương Tài Tình, thôn Nà Lòa chia sẻ: “Không dám nghĩ tới việc những con suối sẽ sạch đẹp chỉ trong một hay vài buổi, chúng tôi chỉ mong muốn thông qua hành động của mình có thể lan truyền những thông điệp tốt đẹp về bảo vệ môi trường, và ý thức giữ gìn vệ sinh của mọi người”.
Dòng suối ở xã Linh Phú (Chiêm Hóa) trước đây cũng bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt của người dân và nước thải các hộ chăn nuôi dồn về suối. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, dòng suối ở Linh Phú đã trong xanh trở lại. Đồng chí Tái Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Linh Phú cho biết, hiện 97% hộ chăn nuôi trên địa xã đã có hố biogas, xử lý chất thải theo đúng quy định. 80% các hộ dân đã xây dựng hố rác gia đình, chủ động thu gom rác thải sinh hoạt mỗi ngày và phân loại rác ngay tại nhà.
Tại 8/8 thôn trên địa bàn xã đều có 2 -3 thùng rác đặt ở những nơi trung tâm, có tổ tự quản thu gom và xử lý theo quy định. Cùng với đó UBND xã thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tổ chức đợt ra quân thu gom rác thải tại các dòng suối. Từ những giải pháp này đã cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã nói chung và cho dòng suối nói riêng.
Những năm gần đây, không ít những đợt ra quân dọn vệ sinh cho lòng suối đã được các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên phát động. Cùng với những biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm là sự phối hợp liên ngành để trả lại sự trong lành vốn có cho các dòng suối tự nhiên. Điển hình như phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa với các hoạt động thiết thực, phù hợp như ra quân dọn dẹp vệ sinh, làm sạch đẹp dọc theo hai bên bờ và lòng suối; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân; thu gom, bố trí thùng rác hợp lý...
Một số địa phương cũng đã lắp đặt camera an ninh, kết hợp kiểm tra, phát hiện các trường hợp đổ rác xuống lòng suối để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới thu gom, nâng công suất hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các địa phương đã nâng tỷ lệ thu gom lên đáng kể, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các con suối.
Ông Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn dòng chảy, từ năm 2019 đến 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước được tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, về lâu dài, phải nghiêm túc thực hiện các chế tài liên quan về xử lý xả thải; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, xử lý triệt để chất thải, nước thải từ quá trình sản xuất trước khi xả ra môi trường, để đảm bảo chất lượng cho các dòng chảy này.
Gửi phản hồi
In bài viết